Tìm hiểu về phương pháp xạ trị ung thư
Xạ trị thường được kết hợp với phương pháp điều trị như: phẫu thuật, hóa trị để giảm kích thước, ngăn chặn sự phát triển của khối u. Cùng tìm hiểu về phương pháp xạ trị ung thư qua bài viết dưới đây.
1. Xạ trị ung thư là gì?
Xạ trị ung thư là một trong những phương pháp phổ biến trong điều trị ung thư bằng việc sử dụng các hạt hoặc sóng có năng lượng cao như: tia X, tia Gamma, các chùm tia điện tử, proton… nhằm tiêu diệt hoặc phá hỏng các tế bào ung thư.
Xạ trị ung thư là phương pháp điều trị ung thư trong đó sử dụng bức xạ ion hoá năng lượng cao để tiêu diệt và hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư. Trên thực tế, xạ trị chữa ung thư thường được áp dụng nhằm hai mục đích: Giảm nhẹ bệnh hoặc cứu chữa tình trạng bệnh.
– Xạ trị giảm nhẹ: Được thực hiện nhằm giảm triệu chứng trong trường hợp khối u phát triển hoặc di căn. Liệu pháp này thường được các bác sĩ thực hiện nhằm giảm kích thước các khối u khi lan sang cột sống, thực quản hoặc phổi.
– Xạ trị cứu chữa: Được thực hiện nhằm chữa khỏi cho bệnh nhân ung thư, đồng thời có thể loại bỏ khối u trước khi lây lan hoặc thu nhỏ lại khối u trước khi phẫu thuật lấy ra.
Hiện nay, có 3 phương pháp xạ trị chữa ung thư chủ yếu:
– Xạ trị chiếu ngoài: Sử dụng tia xạ xuất phát từ máy nằm ngoài cơ thể chiếu vào khu vực có khối u và thường được phát ra bởi máy gia tốc tuyến tính.
– Xạ trị áp sát: Chất phóng xạ sẽ được đặt vào bên trong khối u hoặc bên trong khoang của cơ thể gần với khối u để nhằm tiêu diệt tế bào.
– Xạ trị chuyển hoá: Nhằm làm chết các tế bào ung thư thông qua việc dùng dược chất phóng xạ để đưa vào cơ thể qua đường uống hoặc tiêm.
2. Xạ trị ung thư được diễn ra như thế nào?
- Thăm khám lần đầu
Lần thăm khám đầu tiên, bệnh nhân sẽ được tư vấn bởi một bác sĩ xạ trị. Bác sĩ xạ trị sẽ xem xét tiền sử bệnh của bệnh nhân, thăm khám. Phân tích những kết quả chẩn đoán như: xét nghiệm và chụp phim, sinh thiết của bệnh nhân. Sau đó, sẽ giải thích cho bệnh nhân kế hoạch xạ trị: số buổi xạ trị, số lần xạ trị trong một ngày, thời gian cho của mỗi buổi xạ trị, thời gian dự kiến cho buổi xạ trị đầu tiên, những thứ cần chuẩn bị cho quá trình, chế độ ăn uống dinh dưỡng, chăm sóc trong và sau quá trình xạ trị.
- Chụp CT mô phỏng
Mục đích của chụp CT mô phỏng là cung cấp hình ảnh ba chiều để lập kế hoạch cho việc điều trị. Trong quá trình chụp CT mô phỏng, kỹ thuật viên có thể sử dụng một vài phụ kiện (gối, mặt nạ, bàn kê bụng…) để giúp cố định tư thế bệnh nhân. Tư thế chụp CT mô phỏng của bệnh nhân sẽ được đặt lại chính xác trong các buổi xạ trị. Kỹ thuật viên có thể xăm trên da của bệnh nhân những dấu xăm nhỏ để tham chiếu trong mỗi lần bệnh nhân điều trị. Chụp CT mô phỏng để chẩn đoán khối u ung thư.
- Lên kế hoạch xạ trị
Bác sĩ và kỹ sư y vật lý là những người lập kế hoạch xạ trị cho bệnh nhân. Kể từ khi chụp CT mô phỏng, bệnh nhân cần phải chờ một thời gian trước khi tiến hành buổi xạ trị đầu tiên. Khi kế hoạch xạ trị hoàn thành và đảm bảo chất lượng, bác sĩ xạ trị sẽ gọi điện thông báo cho bệnh nhân và hẹn lịch cho lần xạ trị đầu tiên.
- Tiến hành xạ trị buổi đầu tiên
Ở buổi xạ trị đầu tiên nhóm bác sĩ, kỹ sư và kỹ thuật viên xạ trị sẽ đặt bệnh nhân trùng với vị trí của bệnh nhân lúc chụp CT mô phỏng. Sau đó tiến hành đo đạc và chụp X – quang để đảm bảo vị trí đặt bệnh nhân là chính xác nhất. Buổi xạ trị đầu tiên sẽ lâu hơn các buổi xạ trị sau.
- Quá trình xạ trị theo phác đồ
Bác sĩ xạ trị sẽ quyết định số buổi xạ trị cho bệnh nhân, thông thường sẽ kéo dài một vài tuần tùy theo tình trạng bệnh.
- Kiểm tra, theo dõi và chăm sóc bệnh nhân
Bệnh nhân sẽ gặp bác sĩ xạ trị trong suốt quá trình điều trị để theo dõi những tác dụng phụ có thể xảy ra khi xạ trị. Khi có thắc mắc hay câu hỏi có thể trao đổi với bác sĩ xạ trị trong mỗi lần thăm khám