Đối diện cảm xúc khi điều trị ung thư
Điều trị ung thư là một cuộc chiến trường kỳ, gian khổ, bạn sẽ trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Hãy chia sẻ với bác sĩ, người thân và bạn bè của bạn để nhận được sự giúp đỡ từ họ.
Nội dung bài viết
1. Cảm xúc khi điều trị ung thư – Căng thẳng và bất an
Trong và sau quá trình điều trị, sẽ là điều bình thường nếu đôi lúc bạn cảm thấy căng thẳng khi trải qua bước ngoặt lớn này. Bất an là cảm giác bạn thấy lo lắng hơn bình thường, không thể thư giãn và mọi việc dường như khẩn trương hơn thường ngày. Bạn có thể nhận thấy:
- Tim đập nhanh hơn
- Bụng và các cơ đau hơn
- Bạn cảm giác chán ăn. Hoặc ăn nhiều hơn bình thường
- Bao tử bạn trở nên nhạy cảm hơn và kèm theo triệu chứng tiêu chảy
- Bạn cảm thấy không vững, chóng mặt hoặc yếu ớt
- Cảm giác nặng ở ngực và cổ họng bắt đầu xuất hiện
- Bạn cảm thấy rất khó để có thể tập trung
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào như trên, hãy liên hệ ngay với bác sĩ điều trị của mình. Mặc dù đây là những phản ứng bình thường của căng thẳng, hãy chắc chắn rằng chúng không là phản ứng phụ của thuốc hoặc quá trình điều trị của bạn. Stress có thể khiến hiệu quả của quá trình điều trị giảm đáng kể.
Nếu bạn cảm thấy lo lắng về sự căng thẳng mà bản thân đang đối mặt, hãy nhờ bác sĩ giới thiệu bạn đến một chuyên gia tư vấn, người mà bạn có thể nói chuyện về các nỗi lo tâm lý của mình. Bạn đồng thời có thể tìm đến các lớp học hỗ trợ giải quyết stress. Chìa khóa để thành công chính là tìm ra cách để bạn kiểm soát sự căng thẳng của bản thân, chứ không phải để căng thẳng kiểm soát bạn.
2. Cảm xúc khi điều trị ung thư – Buồn bã và trầm cảm
Rất nhiều bệnh nhân ung thư cảm thấy buồn bã. Họ cảm nhận được sự lao dốc của sức khoẻ, và sự mất mát của một cuộc sống yên bình mà họ đang có trước kia. Ngay cả khi quá trình điều trị đã hoàn tất, bạn vẫn có thể tiếp tục cảm thấy buồn bã, chán chường. Đây là một phản ứng bình thường với bất kỳ căn bệnh hiểm nghèo nào. Chúng ta cần dành thời gian để vượt qua cảm giác này và chấp nhận rằng vì ung thư, những thay đổi đối với cơ thể và cuộc sống của chúng ta đang diễn ra.
Khi buồn, bạn sẽ chỉ có rất ít năng lượng, cảm thấy mệt mỏi, hoặc trở nên chán ăn. Đối với vài bệnh nhân, những cảm giác này sẽ biến mất hoặc giảm dần theo thời gian. Nhưng đối với một vài bệnh nhân, những cảm xúc này thậm chí trở nên mãnh liệt hơn. Cảm giác đau đớn, tiêu cực không hề trở nên tích cực hơn, và theo thời gian chúng hiển nhiên trở thành một phần của thường nhật. Đây chính là biểu hiện bệnh lý mà ta gọi là trầm cảm. Đối với bài bệnh nhân, quá trình điều trị ung thư tác động đến vấn đề này vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến cách vận hành của não bộ.
Hỗ trợ khi bị trầm cảm:
Trầm cảm hoàn toàn có thể được điều trị. Dưới đây là một vài những dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trên 2 tuần, hãy nói ngay với bác sĩ điều trị của bạn để tìm ra hướng giải quyết. Hãy nhớ rằng vài trong những triệu chứng được kể tên xuất phát từ các vấn đề thể chất, nên việc trình bày tất cả với bác sĩ của bạn là điều rất quan trọng.
Các dấu hiệu về mặt cảm xúc
- Cảm giác buồn bã không biến mất
- Cảm thấy tê liệt/đóng băng về mặt cảm xúc
- Cảm thấy lo lắng hoặc không vững chắc
- Cảm thấy tội lỗi hoặc không tin tưởng
- Cảm thấy vô dụng hoặc lạc lối, ví dụ như cuộc đời này vô nghĩa
- Cảm thấy dễ nóng giận, cảm xúc dễ thay đổi
- Cảm thấy khó khăn trong việc tập trung, dễ bị phân tán
- Khóc trong một khoản thời gian dài hoặc nhiều lần mỗi ngày
- Để ý quá nhiều đến các nỗi lo và các vấn đề
- Không hề cảm thấy hứng thú với các thói quen và sở thích từng khiến bạn rất hứng thú
- Cảm giác khó có thể tận hưởng những niềm vui mỗi ngày như ăn uống, hoặc thời gian với gia đình
- Ý nghĩ làm đau bản thân
- Ý nghĩ tự tử.
Các dấu hiệu về mặt thể chất:
- Tăng cân hoặc sụt cân bất thường mà không phải do bệnh hoặc các đợt điều trị
- Gặp các vấn đề với giấc ngủ, ví dụ như khó hoặc không thể ngủ, gặp ác mộng, hoặc ngủ quá nhiều
- Nhịp tim tăng nhanh, khô miệng, tăng tiết mồ hôi, đau dạ dày, tiêu chảy
- Thay đổi về mức năng lượng của cơ thể
- Sự mệt mỏi không biến mất
- Đau đầu, các cơn đau và nhức mỏi khác.
Nếu bác sĩ tin rằng bạn đang trải qua trầm cảm, họ có thể cho bạn dược phẩm giúp hỗ trợ giảm căng thẳng. Hoặc họ có thể giới thiệu bạn với các chuyên gia khác. Hãy đừng nghĩ rằng bạn phải vượt qua những điều này một mình. Tìm kiếm và nhận các sự hỗ trợ thích hợp là điều rất quan trọng cho cuộc sống và cả cho sức khỏe của bạn.
3. Cảm xúc khi điều trị ung thư – Tội lỗi
Nếu bạn cảm thấy có lỗi, thì không sao cả vì đây cũng chính là cảm giác mà nhiều người mắc bệnh ung thư cảm thấy. Bạn có thể tự trách mình vì đã làm phiền lòng những người bạn yêu thương, hoặc cảm thấy mình là gánh nặng đối với họ. Thậm chí bạn còn có thể thấy đôi chút ghen tị với sức khỏe tốt của những người xung quanh, và thấy bản thân thật xấu hổ vì đã có suy nghĩ như vậy. Việc bạn tự trách cứ mình vì lối sống trước kia, mà rất có thể chúng chính là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này, cũng không là một phản ứng lạ.
Những cảm giác này nhìn chung rất phổ biến. Chúng đôi khi thôi thúc bạn phải tâm sự và giải bày nỗi lòng mình với một ai đó. Hãy trò chuyện với bác sĩ của mình khi bạn cần trò chuyện với một chuyên gia tư vấn hoặc tham gia vào một nhóm hỗ trợ.
4. Cảm xúc khi điều trị ung thư – Cô đơn
Những bệnh nhân ung thư thường cảm thấy lạc lõng và xa cách với những người xung quanh. Những ý sau đây có thể được xem như lý do:
- Những người bạn đang phải trải qua thời kỳ khó khăn khi đương đầu với bệnh ung thư không thăm hỏi hoặc gọi cho bạn
- Bạn cảm thấy quá mệt mỏi để có thể tham gia vào các hoạt động mà bạn từng yêu thích
- Đôi khi, kể cả khi bạn đang ở cùng những người bạn yêu thương, bạn vẫn cảm thấy thật khó cho họ để hiểu được những gì bạn đang trải qua.
Rất bình thường nếu bạn cảm thấy cô đơn sau khi được điều trị. Bạn có thể nhớ sự chăm sóc và hỗ trợ từ nhóm y tế của bạn. Vài người thậm chí cảm thấy rằng khu vực an toàn của họ nay đã không còn nữa, và sự chú ý dành cho họ giảm dần. Đồng thời, một sự thật là ta có thể cảm thấy khá khó khăn để hoà nhập lại ngay với gia đình và bạn bè. Một vài trong số họ có thể nghĩ rằng khi đợt điều trị đã kết thúc, bạn có thể đã trở về trạng thái khỏe mạnh lúc trước, nhưng điều này chưa hẳn đã đúng. Một số khác rất muốn hỗ trợ bạn, nhưng họ không rõ phải làm thế nào.
Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt tinh thần bằng nhiều cách khác nhau. Sẽ rất bổ ích nếu bạn có thể trò chuyện với những bệnh nhân ung thư khác hoặc tham gia vào một nhóm hỗ trợ các bệnh nhân ung thư. Hoặc, bạn có thể cảm thấy phấn chấn hơn nếu chỉ trò chuyện với một người bạn, hoặc một thành viên trong gia đình, một chuyên gia tư vấn, hoặc thành viên của cộng đồng đức tin tôn giáo của bạn. Hãy làm những điều khiến bạn cảm giác đúng.
5. Cảm xúc khi điều trị ung thư – Biết ơn
Một vài người xem căn bệnh này như một lời cảnh tỉnh. Họ sau đó nhận ra được sự quan trọng của việc trân trọng cuộc sống này, kể cả những điều nhỏ bé nhất. Họ bắt đầu đi đến những nơi họ chưa từng đi, hoàn thành những dự án còn dang dở, dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, và quyết định hàn gắn những mối quan hệ tưởng chừng không thể cứu vãn.
Điều này có thể khó khăn để thực hiện, nhưng bạn vẫn hoàn toàn có thể tìm được niềm vui sống mặc cho căn bệnh này vẫn còn ở cạnh bên. Do vậy, hãy dành sự chú ý của mình cho những điều bạn làm thường ngày, đơn giản nhưng khiến bạn thoải mái. Điều đó có thể là việc uống một ly cà phê, chơi đùa cùng lũ trẻ, hoặc tán gẫu cùng một người bạn.
Bạn đồng thời có thể làm những điều mà đối với bạn là quan trọng, ví như chơi đùa cùng thiên nhiên hoặc cầu nguyện tại một nơi mang nhiều ý nghĩa với bạn. Hoặc hãy thử chơi thể thao hay nấu những bữa ăn. Bất kể bạn chọn làm điều gì, hãy trân trọng từng khoảnh khắc quý báu khi ta còn có thể.