Cách xử lý tình trạng táo bón tiêu chảy, buồn nôn sau hóa trị ung thư

Nôn, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy là những tác dụng phụ thường gặp nhất ở người bệnh sau hóa trị ung thư. Vậy cách xử lý chúng như thế nào mời bạn theo dõi bài viết dưới đây

1. Phương pháp xử lý vấn đề tiêu chảy hoặc táo bón ở bệnh nhân sau hóa trị ung thư

1.1. Tình trạng táo bón

Táo bón là trạng thái phân cứng, đi ngoài khó khăn hoặc không thường xuyên, gây khó chịu và đau đớn. Hiện tượng do lượng nước quá ít hoặc thiếu nhu động ruột gây ra. Ít vận động, suy nhược, nhịn đi vệ sinh, uống quá nhiều thuốc giảm đau, ăn hoặc uống quá ít đều có thể làm vấn đề thêm trầm trọng.

Điều gì sẽ xảy đến với người bệnh?

  • Phân ít và cứng
  • Ra từng ít phân mềm và lỏng như tiêu chảy
  • Đau bụng hoặc chuột rút
  • Đánh rắm hoặc ợ hơi thường xuyên
  • Bụng trướng lên
  • Không đi ngoài bình thường trong 3 ngày
  • Nôn hoặc buồn nôn
  • Cảm giác đầy bụng khó chịu.
táo bón là tác dụng phụ của hóa trị ung thư
Táo bón là tác dụng phụ của hóa trị ung thư

Người bệnh có thể làm gì?

  • Uống nhiều nước: Dùng nước ép trái cây đã tiệt trùng hoặc nước ấm vào buổi sáng.
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ mỗi ngày, ví dụ bánh mỳ và ngũ cốc; trái cây tươi nguyên vỏ và hạt, rau tươi, nước ép trái cây, nho, mận, nước ép mận và các loại hạt.
  • Không dùng các thức ăn và đồ uống gây đầy hơi như bắp cải, bông cải xanh, nước uống có ga cho đến khi khỏi táo bón.
  • Tránh hoặc giảm ăn các loại thức ăn khiến bạn bị táo bón như phô mai hoặc trứng.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng
  • Không sử dụng dung dịch thụt tháo hoặc thuốc nhét hậu môn. Hỏi ý kiến bác sỹ trước khi dùng thuốc làm mềm phân hoặc nhuận tràng
  • Đi vệ sinh ngay khi có nhu cầu.
  • Theo dõi tần suất đi ngoài để nhận biết vấn đề sớm.

Người chăm sóc có thể làm gì?

  • Cho người bệnh dùng nước ép mận, nước chanh nóng, cà phê, trà để giúp người bệnh đi ngoài dễ hơn
  • Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước hơn.
  • Giúp người bệnh theo dõi các lần đi ngoài
  • Cho người bệnh dùng thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây sấy khô.
  • Hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng thuốc nhuận tràng

Gọi ngay bác sỹ/điều dưỡng nếu người bệnh:

  • Không đi nặng trong suốt 3 ngày
  • Chảy máu trong hoặc quanh khu vực hậu môn hoặc máu trong phân.
  • Không đi ngoài trong 1 đến 2 ngày sau khi dùng thuốc nhuận tràng
  • Đau bụng hoặc nôn mửa liên tục.

1.2. Tình trạng tiêu chảy

Tiêu chảy là hiện tượng đi ngoài phân lỏng hoặc nước nhiều hơn 3 lần một ngày, có thể gây ra cảm giác khó chịu hoặc không. Hiện tượng này xảy ra khi nước không được tái hấp thu ở ruột vì một số lý do nào đó.

Tiêu chảy nhiều lúc có thể do quá nhiều nước được kéo vào ruột. Các nguyên nhân khác có thể bao gồm hóa trị; xạ trị vùng bụng, thuốc, nhiễm trùng, phẫu thuật, thuốc bổ dạng lỏng chứa quá nhiều vitamin, chất khoáng, đường, chất điện giải. Tiêu chảy gây ra do liệu pháp hóa trị có thể kéo dài 3 tuần sau khi điều trị kết thúc.

Người bệnh có thể làm gì?

  • Thử chế độ ăn toàn chất lỏng (bao gồm nước, trà loãng, nước ép táo, đào, mơ, nước canh…) ngay khi bắt đầu bị tiêu chảy hoặc khi bạn cảm thấy sắp bị tiêu chảy. Tránh các đồ uống có tính a xít như nước ép cà chua, nước trái cây họ cam quýt, và các loại đồ uống có ga.
  • Ăn các bữa nhỏ. Không ăn các thức ăn quá cay hoặc nóng.
  • Tránh các thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, rau củ sống và cà phê.
  • Tránh các loại bánh kẹo ngọt, thạch, mứt và các loại hạt.
  • Tránh rượu và thuốc lá
  • Tránh sử dụng sữa hoặc các sản phẩm từ sữa vì có thể khiến tiêu chảy nặng hơn.
  • Đảm bảo chế độ ăn uống có nhiều thực phẩm giàu kali (như chuối, khoai tây, mơ). Kali là một khoáng chất quan trọng mà cơ thể có thể bị thiếu hụt nếu bị tiêu chảy.
  • Theo dõi lượng và tần suất đi ngoài.
  • Làm sạch vùng hậu môn bằng xà phòng nhẹ sau mỗi lần đi vệ sinh, rửa sạch bằng nước ấm, lau khô. Hoặc sử dụng khăn lau của trẻ em để làm sạch.
  • Dùng thuốc mỡ không thấm nước như thuốc mỡ vitamin A&D hay sáp dưỡng ẩm bôi lên vùng hậu môn.
  • Ngồi trong bồn nước ấm hoặc tắm ngồi có thể làm giảm cảm giác khó chịu ở hậu môn.
  • Uống thuốc dành cho tiêu chảy được bác sỹ kê đơn.
  • Khi tình trạng tiêu chảy được cải thiện, cố gắng ăn một lượng ít thức ăn dễ tiêu hóa như cơm, chuối, sốt, sữa chua, khoai tây nghiền, phô mai ít béo và bánh mỳ khô. Bắt đầu ăn bình thường nếu tiêu chảy tiếp tục được cải thiện sau một hoặc hai ngày.

Người chăm sóc có thể làm gì?

  • Theo dõi giúp người bệnh uống đủ 3 lít nước mỗi ngày.
  • Theo dõi tình trạng đi ngoài để quyết định khi nào nên gọi bác sỹ.
  • Hỏi ý kiến bác sỹ trước khi cho người bệnh sử dụng bất cứ loại thuốc chống tiêu chảy mà chưa được kê đơn nào.
  • Kiểm tra xem vùng hậu môn người bệnh có bị đỏ, đóng vảy hay kích ứng không.
  • Không để giường và ghế của người bệnh bị vấy bẩn bằng cách đặt miếng lót có ni lông phía dưới.
Chăm sóc bệnh nhân sau hóa trị ung thư rất quan trọng
Chăm sóc bệnh nhân sau hóa trị ung thư rất quan trọng

Gọi ngay bác sỹ/điều dưỡng nếu người bệnh:

  • Đi ngoài phân lỏng hơn 6 lần một ngày, tình trạng không cải thiện trong hai ngày.
  • Có máu trong hoặc xung quanh hậu môn hoặc trong phân.
  • Giảm hơn 2 cân sau khi bị tiêu chảy
  • Bị đau bụng hoặc chuột rút kéo dài hai ngày hoặc hơn
  • Không đi tiểu trong suốt 13 giờ hoặc hơn.
  • Không uống nước trong suốt 24 giờ hoặc hơn.
  • Sốt cao 38 độ C hoặc hơn khi đo bằng nhiệt kế miệng.
  • Chướng bụng
  • Đã bị táo bón trong vài ngày và đang bắt đầu bị tiêu chảy hoặc rỉ ra phân lỏng, có thể là hiện tượng vón phân (táo bón trầm trọng).

2. Bí quyết giảm nhẹ triệu chứng nôn và buồn nôn ở bệnh nhân sau hóa trị ung thư

Nôn mửa thường xuyên có thể gây nguy hiểm vì dẫn đến mất nước hoặc dễ sặc thức ăn và chất lỏng, vốn là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ và các vấn đề khác. 

Điều gì sẽ xảy đến với người bệnh?

  • Thay đổi thói quen ăn uống
  • Hôi miệng
  • Dịch vàng hoặc xanh, có mùi khó chịu trên chăn đệm
  • Cảm giác nôn nao hoặc khó chịu trong dạ dày
  • Trước khi nôn có thể có nhiều nước bọt, miệng dính và mồ hôi

Người bệnh có thể làm gì?

  • Với triệu chứng buồn nôn

Nếu triệu chứng buồn nôn chỉ xảy ra giữa các bữa ăn, hãy chia thành các bữa ăn nhỏ và thường xuyên hơn. Ăn nhẹ trước khi đi ngủ.

Uống các đồ uống lạnh và trong, nhấm nháp từ từ (bao gồm thức uống từ gừng, nước táo, trà…). Có thể thử ăn kem que hoặc thạch.

Ngậm các loại kẹo có mùi vị dễ chịu như chanh hoặc bạc hà giúp bạn quên đi các mùi khó chịu (Không ăn mứt nếu bạn bị nhiệt miệng).

Ăn các thức ăn nhạt như bánh mỳ khô hoặc bánh quy giòn.

Ăn các thức ăn lạnh hoặc bằng nhiệt độ phòng để giảm mùi vị. Tránh các thực phẩm chiên, rán, cay, quá ngọt hoặc quá nhiều chất béo.

Thử dùng một lượng nhỏ các đồ ăn giàu năng lượng và dễ ăn (như bánh kem, kem, sữa chua và sữa tươi) vài lần mỗi ngày. Sử dụng bơ, dầu, si rô, nước sốt và sữa trong thức ăn để tăng lượng calo. Tránh các thực phẩm ít béo trừ khi chất béo khiến dạ dày bạn khó chịu hoặc gây ra các vấn đề khác.

Ăn các loại thức ăn ưa thích. Nhiều người bệnh không còn thích các món ăn từ thịt từ khi điều trị. Hãy thử các loại thức ăn giàu đạm như cá, thịt gà và các loại đậu.

Thức ăn chua có thể dễ nuốt hơn (trừ khi bạn bị nhiệt miệng)

Nếu buồn nôn hãy chia nhỏ các bữa ăn
Nếu buồn nôn hãy chia nhỏ các bữa ăn

Ngồi thẳng và nghỉ ngơi ít nhất một giờ sau mỗi bữa ăn.

Tự làm mình quên đi cảm giác buồn nôn bằng nhạc nhẹ, chương trình TV yêu thích, hoặc trò chuyện với những người khác.

Báo cho bác sỹ về triệu chứng buồn nôn vì có nhiều loại thuốc có thể hỗ trợ.

Khi chờ thuốc chống buồn nôn phát huy tác dụng, hãy thư giãn, hít thở chậm và sâu.

Nếu bạn bị buồn nôn trước khi tiến hành hóa trị hoặc các hình thức khác, hãy tìm hiểu các biện pháp để làm giảm các triệu chứng như dùng thuốc, thôi miên, thư giãn hoặc liệu pháp hành vi.

  • Với triệu chứng nôn

Nằm nghiêng trên giường để không hít hoặc nuốt phần đã nôn ra.

Yêu cầu được kê đơn thuốc chống nôn ở dạng hòa tan hoặc thuốc đặt hậu môn nếu có thể. Để tránh nôn, hãy uống thuốc ngay khi có dấu hiệu buồn nôn.

Thử ngậm đá hoặc nước trái cây đông lạnh để lấy nước vào cơ thể từ từ.

Uống 1 thìa nước mát 10 phút một lần sau khi ngừng nôn. Tăng dần lượng nước lên thành 1 muỗng. Sau 1 tiếng nếu không bị nôn, hãy thử uống lượng nước lớn hơn.

  • Người chăm sóc có thể làm gì?

Nấu ăn cho người bệnh hoặc nhờ người khác nấu để giảm các mùi thức ăn khó chịu. Sử dụng quạt thông gió trong bếp để giảm mùi.

Đậy kín hoặc bỏ các thức ăn nặng mùi hoặc có mùi khó chịu đi.

Cho người bệnh dùng thìa và dĩa nhựa nếu đồ bằng kim loại có vị đắng.

Nếu người bệnh bị nôn trong nhiều ngày, hãy theo dõi cân nặng cùng thời điểm mỗi ngày để xem tình trạng mất nước của người bệnh.

Trao đổi với bác sỹ về các loại thuốc chống nôn mửa.

Để ý các triệu chứng chóng mặt, yếu hoặc nhầm lẫn ở người bệnh.

Cố gắng giúp người bệnh tránh bị táo bón và mất nước. Một trong hai triệu chứng này đều có thể khiến tình trạng buồn nôn tồi tệ hơn.

  • Gọi bác sỹ/điều dưỡng nếu người bệnh:

Có thể đã sặc phải chất nôn

Nôn nhiều hơn 3 lần một giờ trong vòng nhiều giờ

Nôn ra máu hoặc dịch có màu như bã cà phê

Không thể uống hơn 4 ly nước hoặc nước đá trong một ngày hoặc không thể ăn trong hơn 2 ngày

Không thể dùng thuốc

Trở nên yếu, chóng mặt hoặc nhầm lẫn

Giảm nhiều hơn một cân trong 2 ngày (Điều này có nghĩa là người bệnh đang bị mất quá nhiều nước)

Nước tiểu có màu vàng đậm và không thể đi tiểu như bình thường.

Bên cạnh các tác dụng phụ táo bón, tiêu chảy, nôn và buồn nôn, sau hóa trị ung thư người bệnh có thể gặp nhiều tác dụng phụ khác như rụng tóc, thiếu máu, loét miệng…Hãy liên hệ với chuyên gia tư vấn để tìm giải pháp giảm nhẹ các tác dụng phụ của hóa trị ung thư, nâng cao thể trạng cho người bệnh.

Thông tin liên hệ