Khi nào được chỉ định tiến hành hóa trị ung thư đại tràng?
Hóa trị ung thư đại trực tràng thường được chỉ định kết hợp với phẫu thuật và xạ trị nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư, giúp người bệnh giảm triệu chứng, tăng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên phương pháp chữa trị này cũng mang lại nhiều tác dụng phụ nên người bệnh cần hết sức lưu ý.
Nội dung bài viết
1. Biểu hiện ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng là bệnh ung thư thường gặp ở cả nam và nữ trên toàn thế giới. Bệnh gây tử vong cao thứ 4 sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan. Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm thì tỷ lệ chữa khỏi có thể lên tới 90%.
Thông thường, các triệu chứng ung thư đại tràng giai đoạn đầu không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường ruột khác nên nhiều người chủ quan. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh sẽ thấy:
1.1. Thay đổi liên tục trong các hoạt động của ruột
Khi bị ung thư đại tràng, người bệnh sẽ thấy thay đổi trong các nhu động ruột. Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa xuất hiện thường xuyên như táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu, phân có chất nhầy.
1.2. Chán ăn, khó tiêu
Người bệnh ung thư đại tràng sẽ gặp phải tình trạng chán ăn, khó tiêu, chướng bụng, mất cảm giác ngon miệng. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe nên người bệnh cần đi khám ngay.
1.3. Máu trong phân
Đây cũng là triệu chứng thường gặp khi bị ung thư đại tràng. Người bệnh sẽ đại tiện kèm theo máu đỏ tươi, nhỏ giọt hoặc máu phủ lên phân. Ở giai đoạn cuối, lượng máu trong phân có thể xuất hiện nhiều hơn.
1.4. Đại tiện phân đen
Đi ngoài phân đen có thể do nhiều nguyên nhân như dùng thuốc, chế độ ăn uống nhưng cũng không loại trừ khả năng bị ung thư đại tràng.
Ngoài các triệu chứng điển hình nêu trên người bệnh ung thư đại tràng còn gặp phải tình trạng sụt giảm cân nặng nghiêm trọng, cơ thể mệt mỏi, suy nhược kéo dài, ăn uống kém…
2. Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư đại tràng
Theo các chuyên gia y tế, đa số các trường hợp ung thư đại tràng được hình thành từ các polyp tuyến. Mặc dù không phải tất cả các trường hợp đều có khả năng trở thành ung thư nhưng cũng không loại trừ khả năng tiến triển ác tính do tính chất, kích thước của khối polyp ở đại tràng.
Ngoài ra, nguyên nhân gây ung thư đại tràng còn phải kể đến là:
- Từng mắc bệnh Crohn, viêm đại tràng mãn tính, viêm loét đại tràng không được điều trị triệt để.
- Có chế độ ăn uống không khoa học, thường xuyên ăn những thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ, chế biến sẵn; chế độ ăn ít chất xơ, thường xuyên rượu bia, thuốc lá…
- Tiền sử gia đình mắc ung thư đại tràng.
- Thừa cân – béo phì.
- Ít vận động.
- Người trên 50 tuổi.
3. Tìm hiểu về hóa trị ung thư đại trực tràng
Hóa trị ung thư đại trực tràng là biện pháp sử dụng thuốc chống ung thư dạng uống hoặc dạng tiêm. Thuốc được truyền đi khắp cơ thể nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc ngăn chặn không cho chúng lây lan và phát triển mạnh hơn.
Hóa trị ung thư đại trực tràng có thể được sử dụng:
- Trước phẫu thuật hoặc xạ trị nhằm nhu nhỏ kích thước khối u, sau đó tiến hành phẫu thuật cắt bỏ chúng.
- Điều trị kết hợp với phẫu thuật hoặc xạ trị nhằm tiêu diệt hoàn toàn khối u còn sót lại trong cơ thể.
- Trong giai đoạn cuối, hóa trị được sử dụng để tăng khả năng phục hồi bệnh, giảm triệu chứng ung thư, kéo dài cơ hội sống.
- Hóa trị cũng được sử dụng trong những trường hợp ung thư đại trực tràng tái phát.
4. Hóa trị ung thư đại tràng được sử dụng như thế nào?
Hoá trị liệu toàn thân: Thuốc được tiêm vào tĩnh mạch hoặc theo đường uống. Những loại thuốc này xâm nhập vào máu và đi đến tất cả các bộ phận trên cơ thể.
Hóa trị theo khu vực: Thuốc được tiêm trực tiếp vào động mạch đến một phần của cơ thể chứa khối u. Phương pháp này giúp giảm tác dụng phụ bằng cách hạn chế lượng thuốc đến phần còn lại của cơ thể.
Hóa trị được chỉ định theo chu kỳ, mỗi chu kỳ thường kéo dài khoảng 2-4 tuần.
5. Khi nào được chỉ định tiến hành hóa trị ung thư đại tràng?
Hóa trị thường được áp dụng cho bệnh nhân ung thư đại tràng ở giai đoạn II và III của bệnh để tăng khả năng phục hồi. Ở giai đoạn IV, hóa trị có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư. Tùy vào mục tiêu điều trị mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Hóa trị có thể được sử dụng ở những thời điểm khác nhau trong quá trình điều trị ung thư đại trực tràng:
- Hoá trị bổ sung: Hóa trị có thể được chỉ định sau phẫu thuật. Mục đích là để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
- Hóa trị tương tác: Đối với ung thư đại trực tràng, hóa trị được tiêm (đôi khi có phóng xạ) trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u và làm cho phẫu thuật dễ dàng hơn.
- Đối với ung thư di căn: Đối với ung thư lan sang các cơ quan khác như gan, hóa trị cũng có thể được sử dụng để làm co lại khối u và làm giảm các triệu chứng, kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Ung thư tái phát sau khi điều trị, lây lan đến các cơ quan khác thì việc điều trị khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Tuy nhiên, việc điều trị hóa trị vẫn có thể làm giảm triệu chứng và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
6. Một số loại thuốc thông dụng dùng trong ung thư đại tràng
5-Fluorouracil (5-FU), thường được cho dùng cùng với vitamin như leucovorin (còn được gọi là axit folinic) hoặc một loại thuốc tương tự gọi là levoleucovorin.
- Capecitabine (Xeloda) – dạng thuốc viên
- Irinotecan (Camptosar)
- Oxaliplatin (Eloxatin)
- Trifluridine và tipiracil (Lonsurf)
Hóa trị ngày nay đã đạt được nhiều tiến bộ vượt trội so với trước kia. Thuốc hóa trị hiện đại thường ít gây buồn nôn và ít tác dụng phụ hơn hẳn. Các loại thuốc đưa vào áp dụng đã được tiến hành thử nghiệm lâm sàng với mục tiêu đạt hiệu quả hóa trị tốt hơn và làm cho người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn khi trị liệu.
7. Tác dụng phụ thường gặp sau hóa trị ung thư đại tràng
Các thuốc hóa trị để điều trị ung thư nói chung ít nhiều đều gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng tới cơ thể như:
- Làm giảm các tế bào bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu gây ra chứng thiếu máu, làm giảm sức đề kháng của người bệnh
- Người bệnh có thể bị sốt cao
- Buồn nôn và nôn ói
- Bệnh nhân bị suy nhược cơ thể, khó thở, ăn uống không ngon miệng, hoạt động thể thực yếu
- Rụng tóc và rụng lông ở các vị trí khác nhau trên cơ thể
- Tê bì tay chân, mất cảm giác ở đầu các chi
- Có thể gặp các biến chứng về tim
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc hóa trị mới ít gây tác dụng phụ hơn hẳn các loại thuốc truyền thống. Do đó, người bệnh cần lựa chọn các địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy để có loại thuốc hóa chất phù hợp, giảm tác dụng phụ không mong muốn.
8. Chế độ ăn uống sau hóa trị ung thư đại trực tràng
Người bệnh nên sử dụng những loại thực phẩm mềm, lỏng, dễ tiêu hóa, dễ nuốt, đầy đủ dinh dưỡng
Tăng cường rau xanh và các loại trái cây, củ quả tươi ngon nhằm đảm bảo sức khỏe
Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày và ăn thành nhiều bữa để giảm áp lực cho dạ dày, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Uống nhiều nước, có thể uống nước lọc hoặc sinh tố trái cây…; tránh các loại nước ngọt có ga, đồ uống chứa chất kích thích như cà phê, rượu, bia
Bên cạnh việc chú ý ăn uống, người bệnh hóa trị ung thư đại trực tràng cần nghỉ ngơi đúng cách, tránh lo âu, suy nghĩ nhiều mà ảnh hưởng tới sức khỏe. Đồng thời, người bệnh cần theo dõi tình trạng sức khỏe và tái khám đúng hẹn.