Ung thư có di truyền không?
Ung thư có di truyền không? Ung thư di truyền mấy đời? Vì sao ung thư có thể di truyền? Là mối quan tâm của hầu hết bệnh nhân và người nhà. Cùng tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
1. Ung thư có di truyền không và di truyền mấy đời?
Thực tế là ung thư có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo hiệp hội Ung thư Canada, các nhà khoa học đã phát hiện ra đột biến gen di truyền trong một số loại ung thư, bao gồm:
- Ung thư tuyến thượng thận
- Ung thư xương
- Ung thư não và tủy sống
- Ung thư vú
- Ung thư đại trực tràng
- Ung thư mắt (u ác tính ở mắt ở người lớn và u nguyên bào võng mạc ở trẻ em)
- Ung thư ống dẫn trứng
- Ung thư thận, bao gồm khối u Wilms ở trẻ em
- Một số loại bệnh bạch cầu và ung thư hạch
Ngoài ra, một số loại bệnh ung thư khác cũng có thể di truyền được như:
- U nguyên bào gan (một loại ung thư gan hiếm gặp ảnh hưởng đến trẻ em)
- U nguyên bào thần kinh
- Ung thư vòm họng
- Ung thư buồng trứng
- Ung thư tuyến tụy
- Ung thư tuyến cận giáp
- Ung thư tuyến yên
- Ung thư tuyến tiền liệt
- Ung thư da
- Ung thư ruột non
- Ung thư dạ dày
- Ung thư tinh hoàn
- Ung thư tuyến giáp
- Ung thư tử cung
Một số đột biến gen làm tăng nguy cơ phát triển nhiều loại ung thư. Ví dụ, đột biến gen làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú ở phụ nữ cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
Cho tới nay, vẫn chưa có nghiên cứu hay bằng chứng khoa học nào được làm rõ được vấn đề “Ung thư di truyền được mấy đời”, nếu bạn có người thân mắc bệnh ung thư thì cần đặc biệt chú ý việc khám sức khỏe định kỳ để kịp thời điều chỉnh lối sống, sinh hoạt giúp đảm bảo sức khỏe tốt và phát hiện sớm ung thư nhé.
2. Vì sao một số loại ung thư có thể di truyền?
Đôi khi, một số loại ung thư có thể di truyền trong gia đình. Trong một số trường hợp, điều này có thể là do các thành viên trong gia đình cùng có cùng sinh hoạt thiếu lành mạnh dẫn tới những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe (hút thuốc lá, thức khuya) hoặc cùng tiếp xúc với những yếu tố nguy làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư.
Nhưng trong một số trường hợp, ung thư là do một gen bất thường đang được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mặc dù, hiện tượng này thường được gọi là ung thư di truyền, nhưng bản chất chính là sự di truyền của các gen bất thường có thể dẫn đến ung thư.
Theo thống kê, chỉ có khoảng 5% đến 10% trong số tất cả các bệnh nhân ung thư là kết quả trực tiếp từ các khiếm khuyết gen (được gọi là đột biến gen) được di truyền từ cha mẹ.
Đột biến có thể ngăn chặn sự hoạt động của một gen hoặc nó có thể giữ cho một gen được bật (hoạt động) mọi lúc (ngay cả khi nó không cần thiết).
Sự đột biến gen di truyền là hiện tượng có thể xảy ra trong tế bào trứng hoặc tế bào tinh. Khi trứng được thụ tinh bởi tinh trùng, nó sẽ tạo ra một tế bào sau đó phân chia nhiều lần tạo thành hợp tử và cuối cùng trở thành bào thai.
Vì tất cả các tế bào đột biến này xuất hiện đầu tiên khi quá trình thụ tinh diễn ra nên loại đột biến này có trong mọi tế bào (bao gồm cả trứng hoặc tinh trùng của em bé) và do đó có thể được truyền lại cho thế hệ tiếp theo.
Dưới đây là ví dụ về các gen có thể liên quan đến hiện tượng ung thư di truyền như:
– Các gen thường bị đột biến nhất trong tất cả các bệnh ung thư là TP53. Loại gen này có chức năng tạo ra một loại protein ngăn chặn sự phát triển của khối u. Khi gen TP53 bị đột biến thì chức năng này bị rối loạn dẫn tới cơ thể con người dễ bị mắc bệnh ung thư.
Ngoài ra, sự đột biến trong gen này có thể gây ra hội chứng Li-Fraumeni, một rối loạn di truyền hiếm gặp, dẫn đến nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư nhất định.
– Các đột biến di truyền ở gen BRCA1 và BRCA2 có liên quan đến bệnh ung thư vú và ung thư buồng trứng di truyền, sự rối loạn này có thể làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư buồng trứng ở phụ nữ.
Không những vậy, sự đột biến này có thể liên quan đến ung thư tuyến tụy và tuyến tiền liệt ở nam giới.
– Một gen khác tạo ra protein hỗ trợ sự phát triển của khối u là PTEN. Đột biến trong gen này có liên quan đến hội chứng Cowden, một rối loạn di truyền làm tăng nguy cơ ung thư vú, tuyến giáp, nội mạc tử cung và các loại ung thư khác.
3. Biện pháp phòng ngừa, hạn chế ung thư di truyền
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì ngày nay, chúng ta hoàn toàn có thể dự đoán trước được liệu người thân thuộc thế hệ sau của bệnh nhân ung thư có thể bị mắc ung thư di truyền không bằng kỹ thuật xét nghiệm tiên tiến như xét nghiệm di truyền.
Các xét nghiệm di truyền này có thể bao gồm xét nghiệm máu, xét nghiệm ADN,… và các xét nghiệm cần thiết khác giúp bạn đánh giá được chính xác nguy cơ mắc ung thư là cao hay thấp nếu có người thân đã từng mắc căn bệnh này.
Vì thế, bạn hãy đến khám và nhận được sự tư vấn của các chuyên gia hay bác sỹ chuyên khoa di truyền học để có các biện pháp điều chỉnh và kiểm soát sức khỏe giúp giảm nguy cơ mắc ung thư do di truyền xuống mức thấp nhất.