Dấu hiệu nhận biết ung thư một số bệnh điển hình
Ung thư luôn là nỗi lo lắng và gieo rắc sợ hãi cho nhiều người vì mức độ nguy hiểm và tỷ lệ gia tăng nhanh chóng. Vì vậy nắm được các dấu hiệu nhận biết ung thư ở giai đoạn sớm rất quan trọng, giúp bản thân mỗi người chủ động phòng tránh và ngăn ngừa tiến triển, tăng khả năng hồi phục sau chữa trị.
Nội dung bài viết
1. Ung thư gan
Theo WHO (Tổ chức Y tế thế giới), đến năm 2018, ung thư gan là căn bệnh gây tử vong hàng đầu với gần 800.000 ca/năm. Hiện nay, Việt Nam hiện đang đứng vị thứ 4/185 quốc gia có số liệu thống kê về bệnh ung thư. Vì vậy, cần nhận biết các dấu hiệu sớm của căn bệnh này đề phòng ngừa và được chữa trị kịp thời.
Ở giai đoạn sớm, cần chú ý các dấu hiệu nhận biết ung thư sau:
– Mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn.
– Ớn lạnh, ra nhiều mồ hôi, thường xuyên sốt cao.
– Ăn nhanh no, có cảm giác đầy bụng sau khi dùng bữa.
– Da vàng, sạm đen.
– Đau vùng bụng trên bên phải hay có cảm giác nặng vùng bụng bên.
Ở giai đoạn muộn hơn:
– Gan nở to hoặc có khối u, có thể sờ thấy gan.
– Báng bụng (bụng to do tụ dịch) kèm theo sụt cân đột ngột.
– Vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm, phân nhạt màu.
– Chảy máu bất thưởng ở răng, lợi (xuất huyết dưới da).
2. Dấu hiệu nhận biết ung thư phổi
Dựa theo kết quả xét nghiệm mô bệnh học, ung thư phổi được phân loại thành hai nhóm chính: Ung thư phổi tế bào nhỏ (15 – 20%) và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (80 – 85%). Nguyên nhân gây bệnh có mối liên hệ mật thiết với môi trường tại nơi đang sinh sống, ngành nghề, thói quen sinh hoạt (hút thuốc, dùng bếp than,…).
Mặc dù ngành y khoa hiện đại đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, song ung thư phổi vẫn còn là căn bệnh khó phát hiện sớm. Việc theo dõi tiền sử bệnh, đánh giá thể trạng,… đóng vai trò rất quan trọng trong việc chẩn đoán và tiên lượng kết quả điều trị bệnh.
Các dấu hiệu nhận biết ung thư phổi được phân loại theo các giai đoạn như sau:
Giai đoạn sớm:
Bệnh phát triển âm thầm, các triệu chứng nghèo nàn (ho nhiều, khó thở, khàn tiếng) hoặc không có triệu chứng, bệnh nhân thường chủ quan và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Giai đoạn tiến triển:
– Tùy theo vị trí và mức độ lan rộng của khối u mà bệnh nhân có các biểu hiện sau:
+ Ho dai dẳng hoặc ho ra máu, uống thuốc không khỏi hoặc ngày càng nặng hơn.
+ Mắc các bệnh về nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản,… mãi không khỏi hoặc tái đi tái lại nhiều lần.
+ Khó thở, khò khè không rõ nguyên nhân, khàn tiếng, nuốt đau, ăn uống khó khăn,…
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào vừa nêu trên hãy đến bệnh viện để thăm khám và chữa trị bệnh sớm nhất có thể.
3. Ung thư dạ dày
Do nhiều nguyên nhân tác động, tế bào ở dạ dày trở nên bất thường và tăng sinh mất kiểm soát, trở thành tế bào ung thư. Từ đó, các khối u được hình thành, chèn ép, xâm lấn và làm mất chức năng của dạ dày hoặc di căn đến các vị trí khác trong cơ thể.
Ở giai đoạn sớm, khối u chỉ có kích thước từ vài mm đến 7cm nên rất khó chẩn đoán, cần phải thực hiện các chương trình tầm soát ung thư hoặc khám sức khỏe định kỳ hoặc lưu ý bất kỳ dấu hiệu nhận biết ung thư sau đây:
– Trướng bụng đầy hơi: trên 70% người bệnh có biểu hiện này từ đầu.
– Đau bụng: đau từng cơn, càng về sau đau càng nặng, dùng thuốc không thể giảm đau.
– Ợ chua, ợ nóng (sau khi ăn): Dấu hiệu này dễ lầm tưởng với các căn bệnh đau dạ dày thông thường thế nhưng không nên chủ quan với nó.
– Sụt cân, mệt mỏi, thiếu máu: nhiều bệnh nhân không muốn ăn gì, khiến họ sụt cân nghiêm trọng.
– Nôn ra máu, phân màu đen hoặc có máu: do xuất huyết đường tiêu hóa.
– Các triệu chứng khác: chán ăn, khó nuốt, nôn ói (gặp ở bệnh nhân ung thư dạ dày vùng hang vị). Một số trường hợp có biểu hiện tiêu chảy, táo bón, đau bụng dưới, sốt,…
4. Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng hay còn gọi là ung thư ruột già, có thể được chữa khỏi nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, các tổn thương chưa thâm nhập sâu và di căn. Kết quả chữa trị bệnh ở giai đoạn muộn thường ít có hiệu quả.
Các triệu chứng sau đây có thể là dấu hiệu nhận biết ung thư đại trực tràng:
– Đau bụng: 70 – 80% bệnh nhân có triệu chứng này. Cơn đau có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, đau từ vài phút đến vài giờ. Cường độ từ ít đến đau quặn cơn, đau dữ dội, đầy hơi, bí trung tiện (khi có biến chứng tắc ruột).
– Rối loạn tiêu hóa: Táo bón, tiêu chảy hoặc xen kẽ giữa hai triệu chứng. Phân có lẫn nhầy, đôi khi có máu (đi ngoài kèm máu là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư thư trực tràng).
– Mệt mỏi, căng thẳng, chóng mặt: Người bệnh cảm thấy kiệt sức (kể cả khi đã nghỉ ngơi), suy nhược cơ thể, sụt cân nhanh (khoảng 5kg trong 1 tháng) kèm theo chán ăn.
– Sốt: khoảng 16 – 18% bệnh nhân có triệu chứng sốt.
– Thiếu máu: Sự mất máu không biểu hiện rõ nên khó phát hiện.
Ung thư đại trực tràng nếu được chẩn đoán càng sớm, hiệu quả điều trị càng cao
5. Ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng còn gọi là ung thư biểu mô vòm họng (NPC), các tế bào ung thư bắt đầu tăng sinh và hình thành khối u ở vòm họng, phần trên của cổ họng, phía sau mũi, gần với nền nọ. Các dấu hiệu sớm của bệnh tương đối giống với các bệnh lý thông thường. Cần chú ý các triệu chứng sau vì có thể là giai đoạn sớm của bệnh:
– Các dấu hiệu về tai: tế bào ung thư xâm lấn gây tắc vòi nhĩ, ù tai thường xuyên (nghe tiếng ve kêu), đau tai, viêm tai, chảy mủ.
– Các dấu hiệu về mũi: chảy nước mũi, ngạt mũi một bên, có máu trong mũi, biểu hiện kéo dài và nặng dần.
– Các dấu hiệu về mắt: lác mắt, lồi mắt, sụp mí, giảm hoặc mất thị lực,… Do lúc này khối u đã lan rộng.
– Ho dai dẳng, nuốt khó, đau nhức vòm họng, giọng nói thay đổi: do khối u làm cho quá trình nuốt thức ăn diễn ra khó khăn, chèn ép dây thanh quản. Ho có thể kèm theo đờm hoặc máu. Nếu các triệu chứng này kéo dài 3 tuần mà uống thuốc không thuyên giảm thì nên đến các cơ sở chuyên khoa thực hiện tầm soát ung thư.
– Đau đầu: ở giai đoạn sớm đau đầu xuất hiện từng cơn, đau âm ỉ, về sau bệnh tiến triển đau dữ dội và liên tục.
– Sưng hạch cổ: hạch nhỏ, có thể không đau, nằm ở góc hàm (triệu chứng phổ biến của bệnh).
Trong ung thư vòm họng việc sổ mũi hay đau rát họng thường chỉ tập trung ở một bên cổ họng, có biểu hiện lâu dài nên uống thuốc thường không có tác dụng. Cần lưu ý theo dõi bệnh và đi khám ngay nếu các triệu chứng diễn ra dai dẳng không khỏi.
6. Dấu hiệu nhận biết ung thư vú
Ung thư vú là một dạng khối u ác tính xuất hiện ở vùng ngực vú người bệnh các trường hợp mắc bệnh đa số có nguồn gốc từ các ống dẫn sữa, phần khác bắt đầu phát triển từ túi sữa hay tiểu thùy. Ung thư vú ở giai đoạn muộn thường đã di căn đến các vị trí khác trong cơ thể, đau đớn sẽ càng nhân lên. Người mắc phải chủ yếu là nữ giới nhưng một số trường hợp nam giới cũng có thể mắc bệnh. Các dấu hiệu nhận biết ung thư vú nên lưu ý như sau:
– Đau, tức ngực: đau âm ỉ bất kỳ lúc nào, không rõ nguyên nhân. Một số trường hợp vùng ngực đau liên tục dữ dội, có cảm giác nóng (nên đi khám ngay khi thấy triệu chứng này).
– Da vùng ngực thay đổi: xuất hiện nhiều nếp nhăn hoặc lõm giống như lúm đồng tiền (giống vỏ cam), bị kích ứng như ngứa ngáy, nổi mụn nước.
– Ngực bị sưng hay nổi hạch: xuất hiện các vùng sưng to, đau.
– Đau lưng, vai gáy: Cơn đau thường xuất hiện ở vùng lưng trên hoặc vùng giữa hai bả vai, dễ bị nhầm lẫn với giãn dây chằng hoặc bệnh lý về cột sống.
Bệnh ung thư hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được quan tâm và thăm khám sớm. Dấu hiệu của bệnh ung thư ở giai đoạn sớm thường không rõ ràng và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác. Thông qua bài đọc này mong rằng bạn đọc đã có thể nắm rõ các dấu hiệu nhận biết ung thư để không bị chủ quan trước các triệu chứng bệnh, đi thăm khám kịp thời để tăng hiệu quả việc chữa trị