Tác dụng phụ của hóa trị ung thư tụy
Hóa trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư tụy phổ biến. Tuy nhiên, phương pháp này cũng gây ra nhiều tác dụng phụ đối với bệnh nhân. Cùng tìm hiểu về tác dụng phụ của hóa trị ung thư tụy qua bài viết dưới đây!
Nội dung bài viết
1. Hóa trị ung thư là gì?
Hóa trị là phương pháp sử dụng các loại thuốc hay hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư trong cơ thể, đồng thời ngăn chặn sự phát triển hay nhân lên của tế bào ung thư. Hóa trị tuy không phải can thiệp phẫu thuật hay sử dụng các tia phóng xạ nhưng cũng gây ra nỗi sợ hãi đối với không chỉ bệnh nhân ung thư mà ngay chính người nhà của họ. Bản thân cơ thể bệnh nhân ung thư đã quá yếu cộng với việc truyền hóa chất điều trị vào cơ thể sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ đối với cơ thể, có thể bệnh nhân sẽ mất cảm giác trong ăn uống, ăn không ngon, suy nhược cơ thể, mệt mỏi… do vậy, song song với điều trị hóa trị, bệnh nhân và người nhà cũng cần hết sức chú ý đến chế độ ăn uống nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân hóa trị.
Cơ thể bệnh nhân ung thư sẽ bị suy kiệt nhanh chóng, một phần do sự phát triển của tế bào ung thư hủy hoại cơ thể, một phần do tinh thần bệnh nhân, phần nữa do ảnh hưởng của hóa trị. Theo thống kê, 30% bệnh nhân ung thư chết vì suy kiệt cơ thể trước khi chết vì khối ung thư. Bệnh nhân đang tiến hành điều trị hóa trị thường không có cảm giác thèm ăn, ngon miệng do vậy thường bỏ bữa. Bài viết sẽ tổng hợp một số vấn đề thường gặp trong ăn uống đối với bệnh nhân hóa trị và cách khắc phục.
2. Hóa trị ung thư tụy như thế nào?
Hóa chất dùng để trị liệu là những loại thuốc được bào chế để tiêu diệt các tế bào ung thư đang phát triển nhanh chóng. Bởi chúng có khả năng di chuyển khắp cơ thể qua đường máu và tác động cả đến những tế bào bình thường. Những ảnh hưởng trên các tế bào bình thường này chính là nguyên nhân gây ra các phản ứng phụ trên cơ thể bệnh nhân ung thư tuyến tụy khi thực hiện hóa trị liệu.
Những tế bào bình thường dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hóa trị ung thư tụy gồm: tế bào máu trong tủy xương, tế bào trong niêm mạc miệng, trong đường tiêu hóa, tế bào chân tóc và tế bào thuộc hệ sinh sản. Một số thuốc có thể làm hại những tế bào trong tim, thận, bàng quang, phổi và trong hệ thống thần kinh.
Thông thường các phản ứng phụ khi hóa trị ung thư tụy có thể điều trị một cách dễ dàng, bác sĩ cũng sẽ kê cho bệnh nhân những loại thuốc để tránh trước một số phản ứng phụ có thể xảy ra. Những phản ứng phụ thường gặp bao gồm rụng tóc, ói mửa, mệt mỏi, buồn nôn, dễ bị bầm tím, chảy máu và dễ bị nhiễm trùng…
3. Những tác dụng phụ của hóa trị ung thư tụy
3.1. Giảm sức đề kháng, dễ nhiễm trùng
Hóa trị ung thư tụy làm giảm số lượng bạch cầu, khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng hơn.
3.2. Mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn và nôn ói
Hóa trị ung thư tụy gây kích thích niêm mạc dạ dày, tá tràng, một số dây thần kinh kích hoạt trung tâm nôn và vùng khởi động thụ thể hóa học ở não, dẫn đến tình trạng buồn nôn và nôn ở người bệnh. Tình trạng nôn có thể xuất hiện ngay sau khi hóa trị hoặc sau đó một vài ngày. Tình trạng nôn xuất hiện trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi thực hiện hóa trị và được gọi là nôn cấp tính. Còn nếu nó xuất hiện hoặc tiếp tục trong vòng 24h sau khi hóa trị, nó được gọi là nôn trễ và có thể kéo dài trong vài ngày.
3.3. Rụng tóc
Một số loại thuốc hóa trị ung thư tụy ảnh hưởng đến sự phát triển của các nang tóc, khiến tóc dễ gãy hơn và gãy lìa khỏi bề mặt da đầu hoặc chỉ đơn giản là rụng khỏi nang tóc. Rụng tóc do ảnh hưởng của thuốc Paclitaxel thường khởi phát từ 3 – 4 tuần sau khi hóa trị chu kỳ đầu tiên. Tóc của người bệnh thường bị rụng toàn bộ, có thể cả lông mày, lông mi và lông ở các vùng khác trên cơ thể. Lông, tóc thường rụng tạm thời và sẽ mọc lại sau khi chấm dứt điều trị.
Ngoài ra bệnh nhân phải chịu những con đau tê bì, châm chích ở đầu các chi do tế bào thần kinh ngoại biên bị ảnh hưởng. Những tế bào của các cơ quan như tim, phổi, sinh sản cũng sẽ bị ảnh hưởng với mức độ khác nhau tùy mỗi người.
Trên đây là một số những tác dụng phụ của hóa trị ung thư tụy mà người bệnh cần nắm rõ. Những tác dụng này gặp phải ở mỗi người là khác nhau và thường trong giới hạn kiểm soát chứ không quá nghiêm trọng. Vì thế bệnh nhân và người nhà cần bình tĩnh điều trị để bệnh thuyên giảm tối đa có thể.
4. Những lưu ý trong chế độ ăn cho người đang hóa trị ung thư tụy
4.1. Tình trạng chán ăn, bỏ bữa, không có cảm giác ngon miệng
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư tụy vẫn cần được bảo đảm đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng: đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất… bệnh nhân nên ăn nhiều cá, nhiều rau quả, hạn chế thịt đỏ và có thể thay thế thịt trắng (gia cầm). Nói có thể dễ nhưng để thực hiện được lại không hề dễ dàng, bởi lẽ bệnh nhân ung thư thường không có cảm giác muốn ăn, do vậy nên chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày, có thể chia thành 6 bữa nhưng ăn nhiều vào bữa sáng, nên uống nhiều nước, sữa, nước ép trái cây (nên uống 8-12 ly nước mỗi ngày) có thể chế biến thức ăn dạng nghiền để dễ ăn dễ tiêu…
4.2. Thay đổi khẩu vị
Một lưu ý nữa là bệnh nhân ung thư tụy đang điều trị hóa trị thường bị thay đổi về mặt khẩu vị trong quá trình điều trị do vậy, một số lời khuyên nhằm hạn chế ảnh hưởng đó là:
– Súc miệng trước khi ăn.
– Ăn những loại trái cây có vị chua như cam, quýt, chanh, bưởi (tham khảo trước bác sĩ vì một số trường hợp tổn thương vùng miệng không nên áp dụng).
– Chia làm các bữa ăn nhỏ trong ngày.
– Hạn chế ăn nhiều thịt đỏ vì thịt đỏ thường khiến cho bệnh nhân có cảm giác đắng miệng hoặc mùi tanh.
4.3. Dễ nôn và buồn nôn
Đây cũng là những biểu hiện thường thấy của bệnh nhân đang tiến hành điều trị hóa trị. Cảm giác buồn nôn thường xảy ra khi đói và ăn thức ăn có mùi tanh. Giải pháp tham khảo là nên ăn trước khi cơ thể có cảm giác đói, ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa, dễ nhai và nuốt như bột ngũ cốc, miến, sữa, uống nhiều nước… người bệnh ung thư tụy cũng nên tránh ăn đồ ăn cay, nhiều giàu mỡ, chú ý trong chế biến khử mùi tanh của thực phẩm.
4.4. Táo bón
Đây cũng là một vấn đề rất thường thấy ở bệnh nhân ung thư tụy. Nguyên nhân có thể là do thiếu nước hoặc thiếu nhiều chất xơ trong chế độ ăn, thiếu hoạt động thể lực, những tác động bởi liệu pháp điều trị. Một số gợi ý sau đây có thể giúp ngăn ngừa táo bón: ăn chế độ ăn nhiều chất xơ (lượng xơ khuyến cáo là 25 – 35g cho 1 người/ngày) và uống từ 8-10 ly nước mỗi ngày.
4.5. Lưu ý bệnh nhân ung thư tụy cũng cần luyện tập thể dục
Tinh thần cũng rất quan trọng quyết định thành công của quá trình điều trị, có thể khuyên bệnh nhân ung thư chịu khó vận động, đi dạo nhẹ nhàng để tinh thần thoải mái, thư giãn đầu óc, tránh suy nghĩ nặng nề và buồn rầu ảnh hưởng đến tinh thần.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp những thông tin về tác dụng phụ của hóa trị ung thư tụy. Hãy liên hệ với chuyên gia của chúng tôi để được tư vấn miễn phí.