Mắc ung thư buồng trứng có chữa được không?
Ung thư buồng trứng là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Hiện nay, tỉ lệ mắc ung thư buồng trứng ngày một gia tăng. Những phụ nữ khi mắc căn bệnh này thường vô cùng hoang, không biết liệu ung thư buồng trứng có chữa được không. Trong bài viết sau đây, GenK STF sẽ giải đáp chi tiết về vấn đề này.
Nội dung bài viết
1. Ung thư buồng trứng là gì?
Ung thư buồng trứng xuất hiện khi khối u ác tính đến từ buồng trứng. Đây là những tế bào bất thường, không phân chia theo quy luật của cơ thể, cũng không chịu sự kiểm soát của cơ thể hình thành khối u. Phần lớn bệnh ở các giai đoạn đầu chỉ phát triển trong buồng trứng. Nếu không được chữa trị kịp thời bệnh có thể chuyển sang giai đoạn nặng và di căn đến các bộ phận khác. Ung thư buồng trứng được chia thành 3 loại gồm: ung thư xuất phát từ bề mặt buồng trứng (ung thư biểu mô), ung thư xuất phát từ tế bào mầm sản xuất ra trứng và ung thư từ mô nâng đỡ quanh buồng trứng.
2. Triệu chứng ung thư buồng trứng
2.1. Ra máu bất thường
Nếu không đang trong chu kỳ kinh nguyệt mà thấy ra máu thì hãy đến ngay cơ sở y tế. Đây là triệu chứng không bình thường, nên thăm khám để có kết quả chính xác nhất.
2.2. Đau bụng âm ỉ
Nếu đau quanh vùng chậu, vùng bụng dưới khi bạn không có kinh nguyệt hoặc đang trong thời kì rụng trứng thì rất có thể bạn đã mắc ung thư buồng trứng. Trường hợp bạn bị đau bụng kinh âm ỉ kéo dài, đau không giảm cần nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra.
2.3. Rối loạn kinh nguyệt
Tình trạng rối loạn kinh nguyệt có thể do nhiều nguyên nhân gây nên. Ngoài stress, tác dụng phụ của sản phẩm hỗ trợ điều trị thì đây cũng là dấu hiệu cho thấy bạn có thể mắc ung thư buồng trứng.
2.4. Ra máu khi quan hệ
Dấu hiệu này không chỉ làm ảnh hưởng đến đời sống chăn gối mà còn là biểu hiện của ung thư buồng trứng. Đau hoặc ra máu khi quan hệ liên quan đến áp lực vùng xương chậu, bạn có nhu cầu đi tiểu thường xuyên hơn. Cơn đau khi quan hệ có thể xuất hiện ở bên phải hoặc bên trái của khung xương chậu. Nếu thấy mình xuất hiện máu khi quan hệ hoặc đau khi quan hệ, bạn nên lập tức kiểm tra để xác định nguyên nhân.
3. Mắc ung thư buồng trứng có chữa được không?
Theo các chuyên gia, nếu phát hiện bệnh ung thư buồng trứng ở giai đoạn đầu thì tỉ lệ khỏi bệnh là 94%. Tiên lượng bệnh ở người trẻ cao hơn phụ nữ trên 65 bởi người trẻ có sức khỏe tốt, đáp ứng chữa bệnh tốt và phát hiện bệnh sớm hơn.
Tỉ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân mắc bệnh trong độ tuổi 15 – 39 là 87%, bệnh nhân trên 80 tuổi thì tỉ lệ sống trên 5 năm chỉ đạt 16%. Tùy vào giai đoạn, tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp hỗ trợ điều trị thích hợp. Theo ước tính, tỉ lệ người chữa khỏi ở giai đoạn sớm đạt 90%, nếu ở gia đoạn muộn thì tỉ lệ này còn 10%. Tuy nhiên, chỉ có 30% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm mà thôi.
4. Cách phát hiện ung thư buồng trứng
Giống như hầu hết các loại ung thư thường gặp khác, phát hiện và điều trị sớm bao giờ cũng cho kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, ung thư buồng trứng rất khó phát hiện sớm do biểu hiện bệnh dễ gây nhầm lẫn với bệnh phụ khoa. Thậm chí nhiều trường hợp bệnh nhân không hề có dấu hiệu bất thường nào cho đến khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Lúc này, câu trả lời cho câu hỏi “ung thư buồng trứng có chữa được không?” không còn khả quan như trước.
Đo nồng độ CA-125 – chất chỉ điểm khối u trong máu đang được thử nghiệm để phát hiện ung thư buồng trứng sớm. Những bệnh nhân ung thư buồng trứng sẽ có chỉ số CA-125 cao hơn so với người bình thường. Ngoài ra, các bác sĩ cũng đang thực hiện đánh giá vai trò của siêu âm qua đường âm đạo nhằm phát hiện bệnh sớm hơn.
Tiền sử bệnh của người bệnh sẽ giúp tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Một số khám xét lâm sàng và các xét nghiệm chẩn đoán có thể được yêu cầu để xác định chính xác tình trạng bệnh. Khám khung chậu, siêu âm, sinh thiết, chụp cắt lớp… là những xét nghiệm phổ biến nhất.
5. Phương pháp điều trị ung thư buồng trứng
Việc điều trị ung thư buồng trứng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe, giai đoạn bệnh cụ thể. Hiện nay, để điều trị ung thư buồng trứng có thể phẫu thuật hoặc hóa trị.
- Phẫu thuật: Nhằm mục đích xác định giai đoạn của ung thư và loại bỏ khối u. Phẫu thuật thường bao gồm cắt bỏ buồng trứng, tử cung, hệ bạch huyết xung quanh và nếp mô mỡ ổ bụng (nơi ung thư buồng trứng thường lan tới).
- Hóa trị: Hóa trị là sử dụng các loại thuốc (tiêm hoặc uống) để thu nhỏ, tiêu diệt các tế bào ung thư, kiểm soát sự phát triển của khối u, hoặc làm giảm các triệu chứng bệnh.
- Xạ trị: hầu như có vai trò rất nhỏ và chỉ được sử dụng trong trường hợp cần thiết.
Hầu hết các loại thuốc điều trị ung thư được tiêm vào tĩnh mạch. Một số loại thuốc điều trị ung thư ở dạng viên uống. Dù những loại thuốc này được tiêm vào tĩnh mạch hay uống cũng đều đi vào mạch máu và tuần hoàn khắp cơ thể.Các phương pháp vừa nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo. Việc điều trị ung thư buồng trứng bằng phương pháp nào cũng cần có sự chỉ định cụ thể của bác sĩ.
6. Một số tác dụng phụ có thể gặp phải sau điều trị ung thư buồng trứng
- Sau phẫu thuật ung thư buồng trứng, người bệnh có thể gặp phải những cơn đau ngắn và tăng nhạy cảm ở vùng phẫu thuật. Để giảm tình trạng này người bệnh có thể phải kiểm soát bằng thuốc. Ngoài ra, khi cắt buồng trứng, các biểu hiện của mãn kinh như bốc hỏa, khô âm đạo sẽ xảy ra sớm hơn.
- Hóa trị: Các tác dụng phụ thường gặp khi điều trị hóa chất là buồn nôn và nôn, ăn không ngon, mệt mỏi, tê và cảm giác kim châm ở bàn tay bàn chân, đau đầu, rụng tóc… Một số thuốc dùng trong ung thư buồng trứng có thể làm giảm khả năng nghe và gây tổn thương thận.
Để giảm các tác dụng phụ sau khi điều trị ung thư buồng trứng, người bệnh cần được chăm sóc đặc biệt. Theo dõi tình trạng sức khỏe và tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
Phụ nữ bị ung thư buồng trứng thường có nguy cơ cao mắc ung thư vú, ung thư đại trực tràng. Do đó việc kiểm tra, tầm soát phát hiện sớm các bệnh lý kèm theo sẽ giúp điều trị kịp thời, cải thiện sớm tình trạng sức khỏe.