Tìm hiểu phương pháp điều trị ung thư dạ dày bằng truyền hóa chất

Truyền hóa chất là một trong những phương pháp chính điều trị ung thư dạ dày. Hãy cùng GenK STF tìm hiểu về phương pháp điều trị ung thư dày bằng truyền hóa chất qua bài viết dưới đây.

1. Sơ lược về phương pháp truyền hóa chất trong điều trị ung thư dạ dày

1.1. Định nghĩa 

Điều trị hóa chất trong ung thư dạ dày (hóa trị, hóa trị liệu) là sử dụng thuốc chống ung thư hay thuốc gây độc tế bào để tiêu diệt các tế bào ung thư nguyên phát từ dạ dày. Thuốc được đưa vào cơ thể bệnh nhân thành từng đợt, giữa các đợt có thời gian nghỉ để cơ thể hồi phục. Các hóa chất này hấp thu vào máu đi khắp cơ thể để gây tác dụng toàn thân. Tác dụng đó có thể là chữa khỏi ung thư hoặc làm giảm bớt triệu chứng, kéo dài sự sống và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh tùy từng giai đoạn.

Hóa chất này hấp thu vào máu đi khắp cơ thể để gây tác dụng toàn thân
Hóa chất này hấp thu vào máu đi khắp cơ thể để gây tác dụng toàn thân

1.2. Điều trị ung thư dạ dày bằng truyền hóa chất khi nào?

Những trường hợp ung thư dạ dày được chỉ định sử dụng phương pháp điều trị bằng hóa chất:

– Trước phẫu thuật

Phẫu thuật là một phương pháp điều trị ung thư dạ dày hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn sớm (T1, N0, M0) khi ung thư vẫn còn giới hạn ở niêm mạc. Một phần hoặc toàn bộ dạ dày sẽ được cắt bỏ bằng dao mổ nhằm loại bỏ khối u và toàn bộ tế bào ung thư ra khỏi cơ thể. Các bác sĩ có thể sẽ loại bỏ cả các mô và các cơ quan lân cận tùy vào vị trí khối u.

Việc phẫu thuật diễn ra đơn giản với các khối u dạ dày kích thước nhỏ. Tuy nhiên, phẫu thuật đơn độc với các khối u dạ dày kích thước lớn vừa gây đau, cắt bỏ phần quá lớn, thậm chí làm tăng nguy cơ tái phát và di căn cho bệnh nhân. Do đó biện pháp kết hợp dùng hóa chất trước phẫu thuật làm giảm kích thước khối u (gọi là hóa trị tân bổ trợ), tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật, giúp quá trình phẫu thuật an toàn và hiệu quả hơn, tránh để bệnh nhân ung thư dạ dày phải cắt bỏ một vùng quá rộng.

– Sau phẫu thuật

Phương pháp dùng hóa chất sau phẫu thuật được gọi là hóa trị bổ trợ. Mục đích của phương pháp này là giúp giảm nguy cơ ung thư tái phát, tiêu diệt hết những tế bào còn sót lại sau quá trình phẫu thuật.

Hóa trị bổ trợ nên được dùng sau phẫu thuật triệt căn đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn sớm. Trong ung thư dạ dày, hóa trị bổ trợ thường được chỉ định kết hợp với xạ trị sau phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ lựa chọn phương án phù hợp dựa trên giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe và bệnh lý đi kèm của bệnh nhân.

– Giảm triệu chứng

Hóa chất trị liệu ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư, thu nhỏ khối u trong giai đoạn ung thư dạ dày đã xâm lấn đến các tổ chức xa, giảm nhẹ các triệu chứng do khối u gây ra trong giai đoạn này.

Đặc biệt với bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối, việc nâng cao chất lượng sống, giảm đau đớn, giảm các triệu chứng khác là mục tiêu quan trọng và có thể thực hiện bởi điều trị hóa chất.

Truyền hóa chất điều trị ung thư dạ dày giai đoạn cuối
Truyền hóa chất điều trị ung thư dạ dày giai đoạn cuối

1.3. Thực hiện điều trị ung thư dạ dày bằng truyền hóa chất như thế nào?

Hóa chất điều trị ung thư dạ dày được đưa vào cơ thể bằng cách uống hoặc tiêm truyền. Như đã nói ở trên, các hóa chất này sẽ được hấp thu nếu dùng theo đường uống hoặc trực tiếp vào thẳng mạch máu bằng cách tiêm hay truyền tĩnh mạch.

Bệnh nhân cần xét nghiệm máu và làm các chỉ định khác của bác sĩ để kiểm tra sức khỏe, đảm bảo thể trạng tốt trước mỗi đợt hóa trị.

Quá trình điều trị hóa chất cần thời gian bao lâu phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe, mục đích hóa trị, loại thuốc và đáp ứng với thuốc của cơ thể người bệnh. Tuy nhiên thường đối với ung thư dạ dày cần hóa trị 6-10 đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng 1 tháng.

Các hóa chất trị ung thư dạ dày thường dùng: 5-FU (fluorouracil) kết hợp với Leucovorin (acid folinic), Capecitabine, Carboplatin, Epirubicin, Cisplatin, Oxaliplatin, Docetaxel, Irinotecan, Paclitaxel,…

Các thuốc này có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp với nhau hoặc phối hợp với thuốc hướng đích tạo thành phác đồ riêng cho từng bệnh nhân.

2. Điều trị ung thư dạ dày bằng truyền hóa chất có an toàn không?

Hóa chất điều trị ung thư diệt các tế bào ung thư dựa vào đặc điểm các tế bào này tăng sinh nhanh hơn hầu hết các tế bào thường. Tuy nhiên ngoài tế bào ung thư thì nhiều tế bào trong cơ thể cũng có cơ chế tăng sinh nhanh. Hậu quả là các tế bào thường này cũng bị thuốc hóa trị tiêu diệt, biểu hiện là các tác dụng phụ trong và sau quá trình bệnh nhân dùng hóa chất. Các tác dụng phụ điển hình khi điều trị ung thư dạ dày là buồn nôn, chán ăn, táo bón, rụng tóc, nguy cơ nhiễm trùng cao do giảm bạch cầu,…

Một số hóa chất còn có thể gây các tác dụng phụ nguy hiểm hơn như tổn thương thần kinh (cisplatin, oxaliplatin, docetaxel và paclitaxel), tổn thương tim mạch (doxorubicin, epirubicin),… Tuy nhiên các trường hợp này không nhiều.

Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định thuốc chữa triệu chứng, làm giảm nhẹ các tác dụng phụ ngay khi có liệu trình điều trị với loại hóa chất nào. Bên cạnh đó, phần lớn các tác dụng phụ sẽ hết sau một thời gian tùy thuộc vào loại thuốc hóa trị và tình trạng sức khỏe người bệnh.

Tác dụng phụ của hóa trị thường được giám sát, theo dõi bởi các bác sĩ nên có thể nói điều trị hóa chất trong ung thư dạ dày là khá an toàn.

3. Điều trị ung thư dạ dày bằng truyền hóa chất có hiệu quả không?

 Điều trị ung thư dạ dày bằng truyền hóa chất thực sự có hiệu quả trong từng giai đoạn bệnh
Điều trị ung thư dạ dày bằng truyền hóa chất thực sự có hiệu quả trong từng giai đoạn bệnh

Việc chữa khỏi ung thư hoàn toàn với tất cả các loại ung thư nói chung và ung thư dạ dày nói riêng đều rất khó khẳng định chính xác, nhất là với một phương pháp cụ thể như điều trị hóa chất.

Trường hợp ung thư dạ dày phát hiện ở giai đoạn sớm, phẫu thuật triệt căn có thể giúp chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên người bệnh vẫn có thể dễ tái phát sau khi chữa khỏi do nhiều nguyên nhân như:

  • Quá trình điều trị chưa thật sự triệt để, tế bào ung thư đã lan sang vị trí khác trước khi phẫu thuật cắt bỏ.
  • Cơ thể người bệnh suy giảm miễn dịch, có nhiều tế bào dễ đột biến.
  • Các nguyên nhân thứ phát: người bệnh vẫn tiếp xúc với các yếu tố vi khuẩn, virus, môi trường độc hại, hóa chất, tia xạ,… gây ung thư tái phát.

Do đó để đạt tới ung thư chữa khỏi hoặc đạt mục tiêu điều trị ban đầu, hóa trị liệu cần kết hợp các phương pháp khác theo chỉ định của bác sĩ tùy trường hợp.

Như vậy, điều trị ung thư dạ dày bằng truyền hóa chất thực sự có hiệu quả trong từng giai đoạn bệnh, phụ thuộc vào mục tiêu điều trị ở giai đoạn đó. Quan trọng nhất là việc dự phòng, tầm soát phát hiện sớm bệnh và tuân thủ điều trị.

Thông tin liên hệ