Bệnh ung thư có lây không?
Bệnh ung thư có lây không là thắc mắc của hầu hết bệnh nhân và người nhà. Cùng tìm hiểu câu trả lời cho vấn đề trên qua bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
1. Bệnh ung thư có lây không?
Theo hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ thì trong hầu hết các trường hợp, một người khỏe mạnh không hề bị lây ung thư từ một bệnh nhân ung thư.
Cho tới nay, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy rằng khi tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân ung thư như quan hệ tình dục, hôn, động chạm, ngồi ăn cùng bệnh nhân hoặc hít thở cùng một không khí có thể lây lan ung thư từ người này sang người khác.
Các tế bào ung thư từ một người thường không thể sống trong cơ thể của một người khỏe mạnh khác.
Nếu ung thư có thể lây được thì hệ thống miễn dịch của người khỏe mạnh đó sẽ nhận ra các tế bào lạ và phá hủy chúng, bao gồm cả tế bào ung thư từ người khác. Do vậy, ung thư không phải là một bệnh truyền nhiễm.
Bạn hãy thử tưởng tượng rằng nếu ung thư là bệnh truyền nhiễm, chúng ta sẽ có dịch bệnh ung thư giống như dịch cúm, sởi, bại liệt hoặc cảm lạnh thông thường.
Thực tế là ung thư vẫn có thể xảy ra thường xuyên hơn ở một số gia đình nhất định, nhưng không có nghĩa là các thành viên trong gia đình đã lây lan ung thư cho nhau. Điều này có thể xảy ra bởi những lý do khác như:
- Các thành viên trong gia đình có chung kiểu gen bất thường liên quan đến bệnh ung thư.
- Các gia đình có thể có lối sống không lành mạnh tương tự nhau (ví dụ như chế độ ăn uống không khoa học, hợp lý và hút thuốc lá).
- Các thành viên trong gia đình đều có thể tiếp xúc với cùng một tác nhân gây ung thư.
- Các thành viên trong gia đình lây nhiễm cho nhau các loại vi khuẩn, virus làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
2. Một số sự cố y tế hiếm gặp có thể làm lây nhiễm ung thư
Tuy ung thư rất khó lây nhiễm trực tiếp từ người sang người nhưng vẫn có nhiều trường hợp hiếm gặp ung thư có thể lây nhiễm được. Dưới đây là một số trường hợp điển hình như vậy.
Cấy ghép nội tạng
Đã có một số trường hợp cấy ghép nội tạng từ những người bị ung thư có thể gây ung thư ở người nhận nội tạng.
Theo một số nhà khoa học thì nguyên nhân chính của sự lây nhiễm này là do những người được cấy ghép nội tạng uống thuốc làm suy yếu hệ thống miễn dịch của họ, do đó hệ miễn dịch trong cơ thể họ không thể tấn công và phá hủy tế bào ung thư.
Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm ung thư này, thì người hiến tạng cần được sàng lọc một cách kỹ lưỡng và cẩn thận.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng ung thư có thể xảy ra phổ biến hơn ở những người được cấy ghép nội tạng so với những người bình thường không phải ghép tạng. Nguy cơ này có thể tăng lên kể ngay cả khi người hiến tặng không mắc bệnh ung thư.
Nguyên nhân của hiện tượng trên là những bệnh nhân này sử dụng các loại thuốc chống thải ghép làm ức chế hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Mà khi hệ thống miễn dịch càng bị ức chế với thời gian lâu và càng mạnh thì nguy cơ mắc bệnh ung thư càng cao do hệ thống miễn dịch không thể nhận ra và tấn công các tế bào tiền ung thư và các loại virus có thể gây ung thư.
Lây truyền từ mẹ sang con
Ngay cả khi phụ nữ bị ung thư khi mang thai, ung thư hiếm khi ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp hy hữu một số bệnh ung thư có thể lây lan từ mẹ sang nhau thai (cơ quan kết nối mẹ với thai nhi).
Điển hình như ung thư hắc tố (một loại ung thư da) có thể lây nhiễm từ mẹ sang con qua nhau thai.
3. Yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư có thể lây nhiễm
Chắc hẳn các bạn đã biết rằng vi trùng (đặc biệt là vi khuẩn và virus) có thể truyền từ người sang người thông qua đường quan hệ tình dục, hôn, tiếp xúc hoặc sử dụng chung bát đũa. Một số trường hợp, chúng thậm chí có thể được lan truyền bằng cách hít thở cùng một bầu không khí.
Và thật không may mắn rằng, có một số loại vi trùng có thể là yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư.
Virus
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng một số dạng ung thư được tìm thấy thường xuyên hơn ở những người bị nhiễm một số loại virus nhất định, ví dụ như:
– Một số loại virus u nhú ở người (HPV) có liên quan đến ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, dương vật, hậu môn và một số bệnh ung thư miệng, cổ họng, đầu và cổ.
– Virus Epstein-Barr (EBV) có liên quan đến ung thư mũi họng (vòm họng), ung thư hạch dạ dày, ung thư hạch Hodgkin và u lympho Burkitt.
– Virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HCV) có liên quan đến tình trạng nhiễm trùng gan lâu dài (mãn tính), có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan (ung thư biểu mô tế bào gan).
– Virus herpes loại 8 ở người (HHV-8), còn được gọi là virus herpes Kaposi sarcoma (hay KSHV) có liên quan đến một loại ung thư gọi là Kaposi sarcoma.
Hầu hết những người có HHV-8 không phát triển Kaposi sarcoma trừ khi họ cũng bị nhiễm virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV), loại virus gây ra bệnh AIDS.
Một số ít có thể bị Kaposi sarcoma nếu họ đang dùng các loại thuốc làm suy yếu hệ thống miễn dịch của họ (chẳng hạn như những loại được sử dụng sau khi cấy ghép nội tạng).
– Virus T-lymphotropic ở người-1 (HTLV-1) có liên quan đến một số loại bệnh bạch cầu lymphocytic và lymphoma không Hodgkin.
Những loại virus này có thể truyền từ người này sang người khác (thường thông qua máu hoặc tình dục). Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần là nhiễm các loại virus này thì thường không dẫn đến ung thư mà khi một người có thêm nhiều yếu tố nguy cơ nữa thì mới có khả năng mắc bệnh ung thư như:
- Hệ thống miễn dịch suy yếu.
- Mắc thêm nhiều loại nhiễm trùng khác.
- Các yếu tố nguy cơ khác (như hút thuốc lá, uống rượu bia…) và các vấn đề sức khỏe khác tạo điều kiện cho ung thư phát triển dễ dàng hơn.
Vi khuẩn
Vi khuẩn cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của ung thư. Điển hình như Helicobacter pylori, một loại vi khuẩn phổ biến hiện được biết là có liên quan đến một số loại ung thư trong dạ dày.
Khi một người mắc tình trạng nhiễm trùng lâu dài do loại vi khuẩn này gây ra thì có thể làm phá hủy lớp niêm mạc bên trong của dạ dày và làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Điều đặc biệt hơn nữa là loại vi khuẩn này có thể lây nhiễm từ người sang người theo nhiều con đường ăn uống (sử dụng chung bát đũa), theo dịch tiết nước bọt (hôn hít), đường phân miệng.
Vi khuẩn Hp có thể lây nhiễm và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày
Ký sinh trùng
Một số loại giun ký sinh có thể sống bên trong cơ thể người cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển một số loại ung thư và chúng có liên quan đến ung thư bàng quang và ống mật và các bệnh ung thư khác.
Ký sinh trùng có thể gây ung thư hiếm khi được tìm thấy ở Hoa Kỳ hoặc các nước phát triển khác nhưng cũng hay gặp ở một số nước đang phát triển, các nước có điều kiện kinh tế và dân trí thấp.
4. Biện pháp làm hạn chế nguy cơ lây nhiễm các yếu tố làm gia tăng khả năng mắc bệnh ung thư
Ung thư có thể đe dọa sức khỏe tới bất kỳ mỗi người trong chúng ta. Vì vậy, ngay từ hôm nay bạn cần nên biết những biện pháp làm hạn chế nguy cơ lây nhiễm các yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư như sau:
– Bạn nên đảm bảo vệ sinh trong sinh hoạt, ăn uống (đặc biệt không dùng chung bát đũa với người bệnh) để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP từ bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến vi khuẩn HP.
– Hãy bảo vệ cơ thể trước sự lây nhiễm virus viêm gan B, viêm gan C bằng cách tiêm phòng vắc xin phòng ngừa theo sự chỉ định của các bác sĩ. Đặc biệt là đối với các chị em phụ nữ, cần tiêm vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung khi đến độ tuổi lập gia đình nhé.
– Bên cạnh đó, bạn nên duy trì chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý và điều độ để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.