Viêm phế quản uống thuốc gì hiệu quả và an toàn?
Viêm phế quản uống thuốc gì cho hiệu quả cao và đảm bảo an toàn sức khỏe là thắc mắc của nhiều người. Trên thực tế, viêm phế quản chưa có thuốc chữa đặc hiệu mà nguyên tắc điều trị hiện nay là giảm triệu chứng của người bệnh, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Do đó, nếu đang băn khoăn không biết viêm phế quản uống thuốc gì, các bạn hãy cùng Genk STF tìm lời giải đáp qua nội dung bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
1. Viêm phế quản là gì?
Viêm phế quản được hiểu đơn giản là tình trạng sưng, viêm xảy ra ở niêm mạc ống phế quản. Điều này làm cho tế bào phủ trong lòng ống phế quản bị tổn thương, khiến các tổ chức dưới niêm mạc bị phù nề, làm cho các cơ trơn dưới lớp mô bị co thắt. Vì thế, lượng dịch tiết vào lòng phế quản nhiều hơn, khiến người bệnh ho, có đờm, thở khò khè…
Viêm phế quản xảy ra ở mọi đối tượng, thời điểm phổ biến là vào mùa đông – xuân. Điều kiện thời tiết lúc này thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển.
Khi bị viêm phế quản, người bệnh sẽ có những triệu chứng điển hình dưới đây:
- Ho: Người bệnh có thể ho khan, ho có đờm. Tùy từng người và mức độ bệnh mà có thể ho từng tiếng, ho có cơn. Cơn ho thường xuất hiện nhiều vào buổi tối…
- Sốt: Không phải tất cả người bị viêm phế quản đều sốt. Tùy vào cơ địa mà có người sốt hoặc không. Nếu sốt có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao với đặc điểm sốt liên tục hoặc sốt theo cơn.
- Tiết đờm: Lượng đờm tiết ra nhiều hơn bình thường, thường có màu vàng, trắng hoặc xanh. Đờm có mùi hôi khó chịu.
- Thở khò khè: Tình trạng phù nề thành phế quản khiến lòng phế quản bị thu hẹp hơn so với bình thường. Cộng thêm lượng đờm nhiều nên người bệnh gặp tình trạng khó thở, thở khò khè.
- Nghẹt mũi, sổ mũi, chảy nước mũi: Triệu chứng này sẽ gia tăng khi người bệnh bị sốt.
- Những triệu chứng khác: Thở nhanh, buồn nôn và nôn, không thấy ngon miệng khi ăn, da xanh xao…
2. Chẩn đoán viêm phế quản bằng phương pháp nào?
Viêm phế quản được chẩn đoán thông qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng.
Thăm khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ hỏi thăm tiền sử bệnh tật của người bệnh, gia đình. Kết hợp với đó là sử dụng ống nghe để nghe lồng ngực cùng các triệu chứng mà người bệnh đang phải đối mặt. Trên cơ sở này, bác sĩ sẽ có những chẩn đoán ban đầu về viêm phế quản.
Thăm khám cận lâm sàng
Để đưa ra kết luận chuẩn xác, các xét nghiệm chuyên sâu hơn sẽ được chỉ định thực hiện. Bao gồm:
- Chụp X-quang lồng ngực: Thông qua hình ảnh trên phim, bác sĩ sẽ xác định được trong ống phế quản và trong phổi vị trí nào đang bị viêm. Bên cạnh đó, trên phim chụp cũng sẽ thể hiện được trường hợp gây sưng lòng ống phế quản dẫn đến tắc nghẽn.
- Xét nghiệm đờm hoặc dịch hút trong phế quản: Phương pháp này sẽ giúp bác sĩ tìm kiếm và xác định nguyên nhân gây bệnh. Nếu nghi ngờ virus hoặc vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể dùng mẫu bệnh phẩm đẻ nuôi cấy tế bào, xét nghiệm huỳnh quang…
- Thử nghiệm các chức năng của phổi nhằm kiểm tra các dấu hiệu của bệnh là do viêm phế quản hay các bệnh lý khác như thủng khí phế quản, hen suyễn…
- Có thể làm thêm xét nghiệm máu nếu thấy cần thiết.
3. Viêm phế quản uống thuốc gì?
Trên cơ sở thăm khám cận lâm sàng và lâm sàng, bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ, nguyên nhân gây bệnh để đưa ra toa thuốc viêm phế quản phù hợp. Hiện nay, viêm phế quản có thể được điều trị bằng thuốc Tây y hoặc Đông y với những ưu, nhược điểm riêng.
3.1. Thuốc Tây điều trị viêm phế quản
Thuốc Tây điều trị viêm phế quản có ưu điểm là giảm nhanh các triệu chứng. Một số loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:
Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh không được chỉ định nếu nguyên nhân gây viêm phế quản là do virus. Thay vào đó, loại thuốc này chỉ được sử dụng trong những trường hợp sau:
- Bệnh nhân bị viêm phế quản do vi khuẩn gây ra. Dấu hiệu nhận biết là sốt kéo dài, khạc đờm xanh, vàng hoặc đờm có mủ, sau 10 ngày bệnh không thuyên giảm…
- Những người bị viêm phế quản cấp nhưng có bệnh nền kèm theo như phổi, tim, thận, gan, thần kinh cơ, suy giảm miễn dịch…
- Bệnh nhân có ho cấp tính ở độ tuổi trên 65. Kèm theo đó là có trên 2 trong các dấu hiệu sau: Bị tiểu đường, hiện đang dùng thuốc corticoid đường uống, có tiền sử suy tim xung huyết, nhập viện trong 1 năm trước.
Tùy theo mức độ nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng loại kháng sinh phù hợp như: macrolide, quinolone, penicillin, amoxicillin, ampicillin, beta lactam… Người bệnh cần tuân thủ đúng loại thuốc bác sĩ chỉ định để tránh ngộ độc thuốc.
Thuốc kháng sinh thường chỉ nên uống từ 7 – 10 ngày. Nên dùng thuốc kháng sinh điều trị viêm phế quản trong vòng 48 giờ từ khi có triệu chứng nhằm mang lại hiệu quả điều trị tối ưu.
Thuốc kháng viêm
Tùy theo mức độ sưng viêm khác nhau mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc kháng viêm phù hợp. Thông thường để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, bác sĩ sẽ sử dụng loại thuốc kháng viêm không steroid có chứa hoạt chất như ibuprofen. Hoặc cũng có thể dùng aspirin nhằm giảm đau nhức, hạ sốt.
Tuy nhiên, những bệnh nhân hen suyễn sẽ không được chỉ định dùng ibuprofen. Trẻ em tuyệt đối không uống aspirin vì gây ra nhiều tác dụng phụ, gây hại cho não và gan.
Thuốc giảm ho, long đờm
Thuốc long đờm nhằm mục đích tiêu đờm, giảm lượng dịch nhầy ở phế quản. Khi lượng dịch nhầy giảm cũng sẽ giảm cơn ho và giúp lượng không khí từ ngoài vào dễ dàng hơn. Vì thế, giảm triệu chứng khó thở, thở khò khè ở người bệnh.
Một số loại thuốc long đờm, giảm ho thường được sử dụng là carbocystein, dextromethorphan, natri benzoat, acetylcysteine,… Tuy nhiên, những loại thuốc này thường không dùng cho trẻ em vì không mang lại hiệu quả. Đối với trẻ em thì uống nước là giải pháp làm long đờm được các chuyên gia khuyến cáo nên áp dụng thay vì dùng thuốc.
Thuốc làm giãn phế quản
Nếu người bệnh bị khó thở, khò khè ở mức nghiêm trọng thì thuốc làm giãn phế quản sẽ được chỉ định. Thuốc có tác dụng làm lượng dịch nhầy trong phổi loãng hơn nên việc đào thải ra ngoài được thuận lợi, dễ dàng hơn, giúp giảm ho hữu hiệu. Từ đó, đường thở được thông thoáng, mang lại sự dễ chịu và thoải mái cho người dùng.
Tùy từng đối tượng mắc bệnh mà bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc ở dạng viên nén hay dạng ống hít. Một số loại thuốc thường được dùng như albuterol, theophylline, metaproterenol…
Thuốc giảm đau, hạ sốt
Thuốc giảm đau, hạ sốt là một trong những lời giải đáp cho câu hỏi viêm phế quản uống thuốc gì. Tuy nhiên, nhóm thuốc này chỉ được sử dụng khi người bệnh sốt cao trên 38,5 độ C. Một số loại thuốc phổ biến có thể kể đến như ibuprofen, acetaminophen (paracetamol)… Tuy nhiên, việc dùng loại thuốc gì sẽ được bác sĩ chỉ định cho từng trường hợp cụ thể.
Thuốc chống virus
Nếu nguyên nhân gây bệnh là virus, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc chống virus nhằm mục đích ức chế, ngăn sự sự phát triển và tấn công của virus vào cơ thể. Một số loại thuốc thường dùng là rimantadine, oseltamivir, zanamivir…
Lưu ý: Thuốc Tây trị bệnh thường có nhiều tác dụng phụ nếu dùng không đúng liều lượng, liệu trình. Do đó, người bệnh cần tuân thủ việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để mang lại hiệu quả cao và đảm bảo an toàn.
3.2. Thuốc Đông y trị viêm phế quản
Ngoài thuốc Tây, viêm phế quản cũng được điều trị bằng thuốc Đông y. Theo Đông y, viêm phế quản xuất phát từ một trong những nguyên nhân là phong hàn, phong nhiệt, khí táo, thủy ẩm, đàm thấp. Do đó, căn cứ vào nguyên nhân cụ thể mà sẽ có bài thuốc phù hợp.
Điều trị viêm phế quản do phong hàn
Chuẩn bị các vị thuốc:
- Mỗi vị thuốc 12g gồm: Hạnh nhân, tiền hồ.
- Mỗi vị thuốc 8g, gồm: Trần bì, chỉ xác, bán hạ chế.
- Mỗi vị thuốc 10g, gồm: Tô diệp, cát cánh.
- Cam thảo: 4g.
- Sinh khương: 3 lát
- Phục linh: 16g
Cách thực hiện: Đem các vị thuốc trên sắc lấy nước uống. Mỗi ngày 1 thang và chia làm 2 lần là sáng, chiều.
Điều trị viêm phế quản do phong nhiệt
Chuẩn bị các vị thuốc:
- Mỗi vị thuốc 12g, bao gồm: Cúc hoa, tang diệp, tiền hồ, hạnh nhân, ngưu bàng tử.
- Mỗi vị thuốc 6g, bao gồm: bạch hà, cam thảo.
- Liên kiều: 16g.
- Lô căn: 8g
Cách thực hiện: Sắc các vị thuốc trên cùng nước. Uống mỗi ngày 2 lần vào sáng và chiều.
Điều trị viêm phế quản do khí táo
Chuẩn bị các vị thuốc:
- Mỗi vị thuốc 12g, bao gồm: Hạnh nhân, tang diệp, sa sâm, đậu xi, tiền hồ.
- Mỗi vị thuốc 6g, gồm: Xuyên bối mẫu, cam thảo.
- Chi tử: 8g
- Cát cánh: 10g
Cách thực hiện: Cho các vị thuốc trên sắc cùng nước trong ấm. Đun sôi kỹ để các dược chất thấm ra nước. Bạn chia nước thuốc làm 2 lần, uống vào sáng và tối.
Điều trị viêm phế quản mãn tính thể thủy ẩm
Viêm phế quản mãn tính uống thuốc gì đối với thể thủy ẩm thì các bạn hãy cùng khám phá các vị thuốc sau:
- Mỗi vị thuốc 6g, gồm: Cam thảo, ma hoàng, can thương, ngũ vị tử.
- Mỗi vị thuốc 12g, gồm: Bạch thược, bán hạ chi.
- Quế chi: 8g
Cách thực hiện: Các vị thuốc trên sắc lấy nước, mỗi ngày 1 tháng. Chia nước thuốc làm 2 phần và uống vào sáng, chiều.
Điều trị viêm phế quản thể đàm thấp
Chuẩn bị các vị thuốc:
- Mỗi vị thuốc 12g, gồm: Hạnh nhân, đẳng sâm, thương truật, hậu phác, ngưu bào tử.
- Mỗi vị thuốc 16g, gồm: Ý dĩ, phục linh, bạch truật.
- Cam thảo: 4g.
- Trần bì: 8g.
- Sinh khương: 3 lát.
- 3 quả đại táo.
Cách thực hiện: Đun sôi các vị thuốc thật kỹ. Sau đó, uống làm 2 lần trong ngày vào buổi sáng và chiều.
Tuy nhiên, người bệnh cần đến các lương y có tiếng để được thăm khám nhằm kê đơn thuốc với các vị thuốc theo liều lượng phù hợp. Đồng thời, việc điều trị theo Đông y cũng cần tuân thủ theo đúng liệu trình mới mang lại hiệu quả cao.
Lưu ý: Thuốc Đông y trị viêm phế quản đều sử dụng các vị thuốc là thảo dược thiên nhiên nên lành tính, an toàn. Thế nhưng, hiệu quả của thuốc Đông y chậm nên phải sử dụng trong thời gian dài mới cảm nhận được hiệu quả.
3.3. Những biện pháp hỗ trợ điều trị viêm phế quản
Ngoài việc quan tâm viêm phế quản nên uống thuốc gì, người bệnh cũng cần kết hợp thêm những biện pháp hỗ trợ dưới đây để giảm nhanh triệu chứng. Đồng thời, giúp cơ thể sớm phục hồi khỏe mạnh và phòng ngừa bệnh tốt hơn:
- Nghỉ ngơi: Nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi sẽ giúp cơ thể dễ chịu hơn nhằm chống lại các tác nhân gây bệnh hiệu quả.
- Uống nhiều nước: Uống nhiều nước ấm sẽ hỗ trợ làm loãng dịch nhầy trong phổi nên việc tống đờm sẽ dễ hơn. Mặt khác, uống nước nhiều còn ngăn ngừa tình trạng mất nước khi cơ thể bị sốt.
- Tránh xa thuốc lá: Nếu đang hút thuốc lá bạn cần học cách bỏ thuốc. Trường hợp không hút thuốc lá cần bảo vệ cơ thể tránh xa khỏi thuốc lá nhằm hỗ trợ quá trình điều trị bệnh tốt hơn.
- Tránh xa các chất kích thích phổi: Hãy đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài, tránh tiếp xúc với phấn hoa, mạt bụi, lông động vật, không khí ô nhiễm…
- Dùng máy tạo ẩm trong phòng ngủ nhằm giúp không khí ẩm nên người bệnh sẽ dễ thở hơn, giảm ho. Tuy nhiên, cần thường xuyên vệ sinh máy tạo độ ẩm để loại bỏ nấm mốc, vi khuẩn.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng: Đây là cách hay nhằm loại bỏ vi khuẩn, virus, bụi bẩn gây bệnh. Từ đó, giảm triệu chứng viêm phế quản và phòng ngừa bệnh tốt hơn.
- Ăn uống đầy đủ các dưỡng chất. Kết hợp vận động mỗi ngày để tăng cường sức khỏe, nâng cao hệ miễn dịch.
- Giữ ấm vào mùa đông để phòng ngừa cảm lạnh, cảm cúm.
- Vệ sinh các bề mặt như sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi, quần áo… để loại bỏ virus, vi khuẩn gây bệnh.
Kết luận
Trên đây là một số thông tin giúp giải đáp thắc mắc viêm phế quản uống thuốc gì hiệu quả và an toàn. Genk STF hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn trong việc tìm ra các giải pháp điều trị viêm phế quản được tốt nhất.
XEM VIDEO: Bí quyết chiến thắng ung thư phổi di căn