Cẩm nang thông tin y khoa về bệnh ung thư cổ tử cung
Tại Việt Nam hiện nay, theo thống kê mỗi ngày có trung bình 7 người phụ nữ chết vì bệnh ung thư cổ tử cung và 14 người nhiễm bệnh mới. Những con số này là hậu quả của sự chủ quan và thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin tổng quát về căn bệnh này.
Nội dung bài viết
1. Tìm hiểu chung về bệnh ung thư cổ tử cung
Bệnh ung thư cổ tử cung là một loại bệnh nguy hiểm và phổ biến ở nữ giới, chỉ xếp sau ung thư vú. Việc các tế bào bất thường ở cổ tử cung phát triển quá mức tạo ra khối u ở tử cung gây nên ung thư.
Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung
Bệnh ung thư cổ tử cung xảy ra phần lớn là do lây nhiễm virus HPV thông qua các hoạt động tình dục
- Tiếp xúc với dương vật, tử cung, hậu môn, âm đạo của những người bị nhiễm.
- Quan hệ tình dục theo hình thức bằng miệng.
- Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình.
- Quan hệ không an toàn.
- Quan hệ quá sớm: những người có hoạt động tình dục khi còn quá trẻ, cơ thể chưa phát triển hết có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.
- Đang bị nhiễm HIV, chlamydia, lậu, giang mai và các bệnh tử cung khác.
- Di truyền: nếu trong gia đình có người có tiền sử bệnh thì người đó có khả năng bị ung thư cổ tử cung cao hơn người thường.
- Mang thai quá nhiều: việc mang thai và sinh nở nhiều cũng khiến tử cung yếu đi và dễ nhiễm virus.
- Giặt hoặc mặc chung đồ lót với người mắc bệnh sẵn.
- Hút thuốc lá hoặc hít khói thuốc thụ động quá nhiều.
- Ngoài ra có một số nguyên nhân gây bệnh mà không phải do HPV. Đó là ung thư da lan rộng đến cổ tử cung, ung thư các cơ bắp, dây thần kinh và các mô liên kết của cổ tử cung.
Dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung nguy hiểm ở chỗ vào giai đoạn tiền ung thư và giai đoạn đầu của bệnh thì không có bất cứ triệu chứng khác thường nào. Chỉ đến khi khối u phát triển lớn thì mới có các dấu hiệu sau:
- Chảy máu âm đạo bất thường (chảy máu ngoài chu kỳ kinh nguyệt, khi quan hệ tình dục, sau khi đi vệ sinh,…).
- Cảm thấy đau khi quan hệ tình dục.
- Dịch âm đạo có lẫn máu hoặc có các dấu hiệu bất thường (màu lạ, có mùi hôi,…).
- Đau vùng lưng dưới và xương chậu kéo dài.
Các triệu chứng bệnh của ung thư cổ tử cung rất dễ gây nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác như viêm, nhiễm, rối loạn kinh nguyệt,…. nhưng dù là với bệnh lý nào thì bạn cũng nên đi đến phòng khám ngay lập tức để đảm bảo cho sức khỏe.
Thời gian ủ bệnh
Các bệnh ung thư thường có thời gian ủ bệnh dài, đặc biệt là ung thư cổ tử cung có thời gian ủ bệnh từ 15 – 20 năm. Vậy nên độ tuổi dễ mắc bệnh nằm trong khoảng từ 45 – 55 tuổi. Hiện nay, độ tuổi phát bệnh đang ngày càng trẻ hóa dần. Chính vì thời gian ủ bệnh lâu như vậy mà khi phát hiện bệnh thường đã phát triển quá mức và khó lòng cứu chữa.
2. Ung thư cổ tử cung có phải là căn bệnh nguy hiểm không?
Với những con số được đề cập tới đầu bài, chúng tôi xin khẳng định bệnh ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm với tỉ lệ tử vong cao. Bệnh này không chỉ gây đau đớn thể xác mà còn gây tốn kém rất nhiều cho việc điều trị, chưa kể đến các hậu quả sau này dù đã chữa khỏi bệnh.
- Đối với người bệnh nặng: phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tử cung và buồng trứng.
- Đối với người bệnh giai đoạn đầu: sau khi chữa trị có thể để lại các hậu quả như tử cung yếu đi, khó sinh đẻ và dễ sảy thai sau này,…
3. Các phương pháp điều trị
Mặc dù bệnh ung thư cổ tử cung là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhưng không phải là không thể chữa khỏi. Việc đưa ra phương pháp điều trị hợp lý cần dựa trên giai đoạn bệnh, vị trí khối u, mức độ di căn, thời gian phát hiện càng sớm thì tỉ lệ chữa khỏi bệnh càng cao. Một số phương pháp phổ biến thường được sử dụng là
Phẫu thuật bảo tồn khả năng sinh sản:
Phương pháp này sử dụng cho trường hợp bệnh đang ở giai đoạn đầu, người bệnh vẫn đang có kế hoạch sinh con:
- Phẫu thuật bằng tia laser.
- Cắt vòng dây điện leep.
- Cắt rộng cổ tử cung và các mô xung quanh phần trên âm đạo.
Phẫu thuật không bảo toàn khả năng sinh sản:
Trong trường hợp khối u đã bắt đầu di căn đến các vùng khác trên cơ thể, bác sĩ buộc phải sử dụng các phương pháp loại bỏ khối u triệt để hơn, việc phẫu thuật này sẽ khiến bạn không thể có con được nữa:
- Phẫu thuật cắt tử cung.
- Phẫu thuật cắt bỏ tử cung và các cơ quan vùng chậu.
Xạ trị
Các tế bào ung thư sẽ bị ức chế và tiêu diệt bởi các tia năng lượng cao. Hiện có 2 loại xạ trị chính để điều trị bệnh đó là xạ trị bằng máy chiếu trong và ngoài cơ thể. Hai phương pháp trên có thể kết hợp với nhau hoặc riêng lẻ để điều trị cho người bệnh.
Hóa trị
Khi ung thư cổ tử cung đã phát triển đến giai đoạn cuối, việc phẫu thuật không có tác dụng thì bác sĩ bắt buộc phải sử dụng hóa trị để kéo dài sự sống cho người bệnh.
4. Cách để phòng tránh bệnh ung thư cổ tử cung
Vì đây là căn bệnh có thời gian ủ bệnh dài và khó phát hiện bằng các dấu hiệu thông thường. Chúng tôi khuyên chị em phụ nữ nên có những biện pháp phòng ngừa bệnh một cách chủ động sau:
Tiêm phòng
Vắc xin phòng HPV hiện đang là phương pháp ngăn ngừa bệnh hiệu quả nhất hiện nay. Độ tuổi tiêm phòng phù hợp là 9 – 26 tuổi và tốt nhất là tiêm khi chưa quan hệ tình dục. Nếu đã có quan hệ tình dục bạn nên tiến hành khám phụ khoa trước khi tiêm để tránh “xôi hỏng bỏng không”.
Khám sức khỏe
Việc khám sức khỏe thường xuyên giúp bạn mau chóng phát hiện ra mầm bệnh giúp kịp thời đưa ra các phương pháp điều trị hợp lý.
Có đời sống tình dục an toàn
Để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm virus gây ung thư, bạn nên có mối quan hệ 1 – 1 với bạn tình, hiểu rõ tình trạng sức khỏe đối phương và bản thân trước khi phát sinh quan hệ.
Bất cứ người phụ nữ nào cũng xứng đáng có một cơ thể khỏe mạnh. Với những kiến thức được chia sẻ trên, chúng tôi mong bạn sẽ hiểu thêm về bệnh ung thư cổ tử cung để bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người yêu quý.