Viêm lưỡi là bệnh gì? Nguyên nhân, cách điều trị và những điều không phải ai cũng biết
Viêm lưỡi không phải là một bệnh hiếm gặp, có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên người bệnh thường chủ quan và chỉ quan tâm khi xuất hiện những triệu chứng nặng. Do đó, hãy cùng GenK STF tìm hiểu những thông tin cần biết về bệnh viêm lưỡi trong bài viết này nhé!
Nội dung bài viết
1. Viêm lưỡi là bệnh gì và cách phân loại
Tình trạng lưỡi bị sưng, đau, màu sắc có thể thay đổi và bề mặt lưỡi trở nên trơn nhẵn hơn so với bình thường được gọi là viêm lưỡi.
Viêm lưỡi có thể được phân loại thành 3 dạng hay gặp như sau:
- Dạng cấp tính: Bệnh đột ngột xuất hiện cùng với các triệu chứng nặng.
- Mãn tính: Là dạng mắc phải khi bị không điều trị dứt điểm ở giai đoạn cấp tính, khiến bệnh tái phát lặp đi lặp lại nhiều lần.
- Viêm teo lưỡi: Hay còn có tên gọi là viêm lưỡi Hunter và xảy ra khi các nhú (gai) lưỡi bị mất đi nhiều. Từ đó dẫn đến màu sắc và cấu trúc lưỡi bị biến đổi và bề mặt lưỡi trở nên bóng hơn.
2. Triệu chứng bị viêm lưỡi cần chú ý? Có nên đi gặp bác sĩ không?
Tùy theo tình trạng bệnh mà các triệu chứng cũng như vị trí xuất hiện khác nhau, ví dụ như bị viêm toàn bộ lưỡi hoặc một phần như ở cuống lưỡi. Có thể kể ra một số dấu hiệu phổ biến khi bị bệnh là:
- Lưỡi bị sưng, có cảm giác ngứa, rát, đau.
- Màu sắc của lưỡi thay đổi, không còn màu hồng nhạt mà chuyển thành màu đỏ hoặc có nhiều màu khác nhau.
- Bề mặt lưỡi trơn láng do mất nhiều nhú.
- Nói hay ăn uống bị ảnh hưởng, thậm chí có thể bị mất các khả năng này.
Viêm lưỡi có thể là lời cảnh báo cơ thể đang gặp một số vấn đề bất thường hoặc nguy hiểm hơn như bị ung thư lưỡi, ung thư vòm họng. Do đó khi thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh thì nên đi khám để tìm ra nguyên nhân cũng như điều trị kịp thời, tránh các biến chứng.
3. Nguyên nhân gây viêm lưỡi
Dị ứng: Khi cơ thể xảy ra phản ứng dị ứng với các tác nhân như thuốc, đồ ăn, kem đánh răng có thể dẫn tới viêm lưỡi. Đó là do các phản ứng này có thể làm nặng thêm tình trạng u nhú hay viêm ở các mô cơ của lưỡi.
Bệnh lý: Giang mai, liken phẳng và một số bệnh khác ảnh hưởng đến hệ miễn dịch đồng thời có thể tấn công làm tổn thương các mô cơ và nhú lưỡi. Từ đó gây ra bệnh viêm lưỡi và còn làm các triệu chứng như sưng, đau trở nên nặng và dai dẳng hơn. Ngoài ra, có thể kể tới một tác nhân gây mụn rộp, phồng quanh miệng và viêm lưỡi đó là virus Herpes simplex.
Thiếu sắt: Sắt là một yếu tố có vai trò điều hòa sự tăng trưởng của tế bào bằng cách hỗ trợ tạo ra tế bào hồng cầu. Các tế bào hồng cầu này cung cấp oxy cho các mô, cơ bắp và toàn bộ cơ thể. Do đó, khi nồng độ sắt trong cơ thể thấp có thể gây ảnh hưởng đến chức năng của hồng cầu, đặc biệt làm giảm nồng độ myoglobin thấp. Đây là một protein có trong hồng cầu và rất quan trọng đối với sự khỏe mạnh của cơ bắp nói chung và cơ lưỡi nói riêng.
Chấn thương ở miệng: Các vết thương ở miệng có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của lưỡi hoặc tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh phát triển. Ví dụ như các vết bỏng hoặc vết cắt trên lưỡi xảy ra trong quá trình niềng răng.
4. Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị viêm lưỡi
Một số yếu tố sau đây có thể làm gia tăng khả năng mắc bệnh:
- Thiếu sắt hoặc thiếu vitamin, nhất là các vitamin nhóm B, PP.
- Bị nhiễm khuẩn, nấm ở lưỡi, miệng.
- Thói quen thích ăn đồ cay nóng, sử dụng các chất kích thích.
- Niềng răng, dùng răng giả gây kích thích lưỡi hoặc bị các chấn thương khác ở miệng.
- Hệ miễn dịch yếu hoặc có cơ địa dị ứng.
5. Chẩn đoán và các phương pháp điều trị viêm lưỡi
5.1. Cách chẩn đoán
Khi đi khám, các bác sĩ có thể tiến hành một số kiểm tra để chẩn đoán bệnh như:
- Khai thác tiền sử bệnh và các triệu chứng và quan sát màu sắc, hình dạng, các vết sưng, tổn thương ở lưỡi, miệng.
- Thực hiện một số xét nghiệm nước bọt, máu, vi sinh nếu cần thiết để xác định nguyên nhân.
5.2. Điều trị viêm lưỡi
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh mà các bác sĩ sẽ có chỉ định sử dụng một số thuốc như kháng sinh, chống nấm hoặc bổ sung vitamin, khoáng chất… Ngoài ra, nếu nguyên nhân gây bệnh các tổn thương do niềng răng hoặc răng giả thì bác sĩ có thể thực hiện một số thao tác như điều chỉnh vị trí mắc cài…
Bên cạnh sử dụng thuốc, người bệnh cũng nên kết hợp với điều chỉnh chế độ sinh hoạt phù hợp để giảm bớt các triệu chứng cũng như nâng cao hiệu quả điều trị. Cụ thể như:
- Luôn vệ sinh sạch răng miệng: Súc miệng, đánh răng thường xuyên, cạo lưỡi hay sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn thừa, vi khuẩn…
- Ăn các thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất như rau xanh, hoa quả, thịt bò, cá hồi…
- Tránh ăn đồ cay nóng, hút thuốc lá, uống rượu bia hay dùng các chất kích thích khác…
5.3. Vậy bao lâu thì khỏi viêm lưỡi?
Thời gian để khỏi bệnh dài ngắn khác nhau ở mỗi người. Đó là do phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh và cách điều trị.
Do đó, để có thể khỏi viêm lưỡi một cách nhanh nhất thì nên đi khám để tìm và loại bỏ hoàn toàn nguyên nhân. Tuân theo chỉ định của bác sĩ kết hợp với điều chỉnh chế độ sống, không tự ý điều trị vì có thể làm cho bệnh nặng thêm.
6. Phòng tránh bị viêm lưỡi
Thực hiện một số lưu ý sau có thể giúp phòng ngừa được phần lớn các nguyên nhân gây ra bệnh:
- Giữ vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách: Lựa chọn bàn chải và kem đánh răng phù hợp, sử dụng nước súc miệng…
- Có chế độ ăn khoa học để giúp bổ sung vitamin và các chất cần thiết cho cơ thể, tránh đồ ăn cay nóng và các chất kích thích
- Luyện tập thể dục để nâng cao sức khỏe, tránh bị các bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch.
- Tránh xảy ra các chấn thương ở lưỡi, miệng như do bỏng, va đập, xước, vết đứt do mắc cài niềng răng…
- Định kỳ đi kiểm tra sức khỏe răng miệng cũng như khám tổng quát để phát hiện và điều trị sớm các vấn đề có thể dẫn tới viêm lưỡi. Khi phát hiện bệnh, tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc mà phải tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ.
Như vậy, có thể thấy không nên chủ quan khi bị viêm lưỡi. GenK STF hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn đọc có cách nhìn rõ ràng và đầy đủ về vấn đề này. Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi và hẹn gặp lại vào các bài viết bổ ích tiếp theo nhé!
XEM VIDEO: CÙNG GENK STF – FUCOIDAN SULFATE HÓA CAO TRÂN QUÝ CUỘC SỐNG NÀY