Ung thư phế quản: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị
Ung thư phế quản giai đoạn đầu thường không có triệu chứng cụ thể. Khi thấy xuất hiện các dấu hiệu ung thư phế quản thì bệnh đã tiến triển tới giai đoạn nặng hơn. Do đó người bệnh cần điều trị ngay khi thấy xuất hiện các triệu chứng cảnh báo bệnh.
Nội dung bài viết
1. Nguyên nhân gây ung thư phế quản
Ung thư phế quản có thể gặp ở mọi đối tượng, lứa tuổi nhưng hay xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ. Nguyên nhân chính xác gây ung thư phế quản vẫn chưa được kết luận cụ thể. Tuy nhiên có nhiều yếu tố được cho là căn nguyên gây bệnh.
- Hút thuốc lá: Thuốc lá không chỉ gây ung thư phổi mà nó còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư phế quản.
- Hít khói thuốc lá thụ động: Ở nhiều trường hợp, thường xuyên hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài cũng làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư phế quản.
- Tiếp xúc với hóa chất độc hại: Những người làm việc trong môi trường độc hại sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư phế quản hơn những người khác.
- Tiền sử gia đình: Những người có bố mẹ, anh, chị, em bị ung thư phế quản cũng có khả năng mắc bệnh.
2. Triệu chứng ung thư phế quản
Ung thư phế quản giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Khi bệnh tiến triển tới giai đoạn nặng hơn sẽ xuất hiện các dấu hiệu như:
- Ho: Đây là dấu hiệu ung thư phế quản thường gặp nhất. Ho nhiều hơn bình thường, ho trong thời gian dài, số lượng đờm nhiều, đờm có lẫn mủ.
- Ho ra máu: Đây là triệu chứng cảnh báo bệnh nghiêm trọng cần đi khám và điều trị ngay.
- Khó thở: Là triệu chứng xuất hiện muộn trong ung thư phế quản. Khó thở xuất hiện khi khối u đã lớn làm tắc nghẽn phế quản, làm xẹp phổi hoặc do khối u xâm lấn ra màng phổi làm tràn dịch màng phổi.
- Đau ngực: Dấu hiệu ung thư phế quản này cho thấy bệnh đã tới giai đoạn cuối. Ban đầu đau dai dẳng, sau đó triệu chứng đau xuất hiện nhiều hơn gây khó chịu. Dấu hiệu này có thể bị chẩn đoán nhầm thành đau dây thần kinh.
Tới giai đoạn di căn, người bệnh ung thư phế quản có thể thấy xuất hiện các triệu chứng:
- Khi các tế bào ung thư xâm lấn vào các cơ quan trong trung thất sẽ khiến người bệnh chóng mặt, ù tai, liệt dây thanh âm gây khàn tiếng, khó nuốt, nuốt vướng…
- Ung thư phế quản di căn màng phổi sẽ khiến tràn dịch màng phổi
- Ung thư phế quản di căn thành ngực gây khối u ở ngực khiến người bệnh đau đớn, khó chịu.
- Ung thư phế quản di căn hạch: Người bệnh sẽ thấy xuất hiện các hạch trên đòn, hạch nách sưng to, cứng, không đau.
Khi thấy các dấu hiệu ung thư phế quản vừa kể trên, người bệnh cần tới ngay các bệnh viện có khoa Ung bướu để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Ngoài các biểu hiện lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm các xét nghiệm, kiểm tra cần thiết nhằm chẩn đoán đúng bệnh.
3. Chẩn đoán ung thư phế quản
Các xét nghiệm giúp chẩn đoán ung thư phế quản bao gồm:
- Chụp X-quang ngực
- Chụp cắt lớp vi tính (CT)
- Kiểm tra tế bào học đờm: chất lỏng đặc (đờm) được ho ra từ phổi sẽ được xét nghiệm để kiểm tra tế bào ung thư.
- Xét nghiệm hút dịch: một ống kim dài được dùng để lấy chất lỏng (dịch trong phế quản) nhằm xét nghiệm tế bào ung thư.
- Nội soi phế quản: một ống mỏng, nhẹ (một ống soi phế quản) được đưa qua mũi hoặc miệng vào phổi và lấy mẫu xét nghiệm.
4. Phương pháp điều trị
Tùy thuộc vào loại và giai đoạn của ung thư, bác sĩ sẽ đề xuất một số lựa chọn điều trị. Các lựa chọn có thể bao gồm:
Phẫu thuật: đây là cách điều trị chính cho ung thư phế quản. Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ khối u và một số các mô xung quanh nó. Các hạch bạch huyết xung quanh khối u cũng có thể được loại bỏ để ngăn chặn bệnh lan rộng.
Xạ trị: sử dụng các hạt hoặc sóng có năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư như tia X, tia Gamma để tiêu diệt các tế bào ung thư. Nó có thể làm giảm triệu chứng và giúp người bệnh cảm thấy khỏe hơn. Bệnh nhân cũng có thể được xạ trị sau khi phẫu thuật để diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
Hóa trị: sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch hoặc uống thuốc viên. Người bệnh có thể được hóa trị cùng với phương pháp điều trị khác nếu ung thư đã lan rộng. Hoặc có thể được hóa trị sau khi phẫu thuật để diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
Liệu pháp miễn dịch: sử dụng thuốc để tăng cường khả năng hệ miễn dịch của cơ thể để tìm và diệt ung thư. Liệu pháp miễn dịch có thể làm nhỏ các khối u hoặc ngăn chặn sự phát triển của chúng.
Điều trị nhắm trúng đích: điều trị này tìm các protein hoặc các gen đặc trưng cho ung thư khiến bệnh phát triển. Sau đó, nó nhắm vào các chất đó để ngăn chặn ung thư lan rộng.
5. Cách phòng ngừa ung thư phế quản
Hãy thực hiện các biện pháp sau đây để giảm nguy cơ mắc ung thư phế quản:
- Bỏ hút thuốc lá: bỏ thuốc làm giảm nguy cơ ung thư phế quản thậm chí nếu bạn đã hút thuốc trong nhiều năm. Hãy tham vấn bác sĩ các chiến lược và các cách hỗ trợ bỏ hút thuốc. Bạn có thể lựa chọn các sản phẩm thay thế nicotine, thuốc và các nhóm hỗ trợ;
- Tránh khói thuốc lá thụ động: Tránh những nơi có người hút thuốc chẳng hạn như các quán bar và nhà hàng và tìm các nơi không có khói thuốc;
- Tránh các chất gây ung thư tại nơi làm việc: thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ mình tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại tại nơi làm việc.
- Ăn một chế độ ăn uống đầy đủ các loại trái cây và rau: hãy thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau quả. Nên dùng những nguồn thực phẩm có vitamin và chất dinh dưỡng, tránh dùng vitamin liều cao ở dạng thuốc viên vì chúng có thể gây hại;
- Tập thể dục đều đặn các ngày trong tuần: nếu bạn không có thói quen tập thể dục thường xuyên, hãy bắt đầu từ từ. Hãy cố gắng tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần.