Cách chăm sóc bệnh nhân sau mổ ung thư đại trực tràng
Chăm sóc bệnh nhân sau mổ ung thư đại trực tràng tưởng dễ mà lại khó, ngoài việc tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh khoa học, kiêng cữ các thực phẩm gây hại không tốt cho người bệnh thì bạn còn phải tìm hiểu thêm nhiều kiến thức chuyên khoa để phối hợp thật tốt cùng bác sĩ trong kế hoạch chữa trị dứt điểm căn bệnh ung thư quái ác này.
Ung thư trực tràng là loại ung thư phổ biến và gây tỉ lệ tử vong cao hiện nay. Phẫu thuật là phương pháp chữa bệnh ung thư hiệu quả được nhiều bác sĩ áp dụng cho bệnh nhân. Quá trình chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật cũng rất quan trọng vì nó giúp cải thiện sức khỏe và giúp bệnh không bị tái phát hay biến chứng.
Nội dung bài viết
Cách chăm sóc bệnh nhân sau khi phẫu thuật ung thư trực tràng
Sau khi phẫu thuật ung thư trực tràng, bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt và được theo dõi chặt chẽ tất cả các dấu hiệu sinh tồn từ tình trạng mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở….Nếu tích cực trong chăm sóc sau mổ sẽ làm giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân từ một đến 4 ngày.
Hầu hết, các bác sĩ đặt trọng tâm chăm sóc vào giảm đau sau mổ, tập vận động sớm cho bệnh nhân, tập vật lý trị liệu và chế độ dinh dưỡng.
1. Nên tập vận động sớm sau mổ cho bệnh nhân
Người bệnh sẽ được hướng dẫn vận động vào sáng sớm, tập hít thở và tập ăn uống vào ngày đầu tiên sau mổ chứ không cần thiết phải đợi khi có nhu động ruột trở lại như trước đây nữa. Các bác sĩ sẽ thăm khám bụng người bệnh mỗi ngày, sờ nắn bụng để đánh giá tình trạng của phúc mạc, theo dõi sát sự hoạt động trở lại của ruột.
Nếu không tập vận động sớm sau mổ những bệnh nhân béo phì (nhất là nữ) sẽ dễ bị thuyên tắc tĩnh mạch sâu. Ngoài ra, sau phẫu thuật ung thư đại trực tràng bệnh nhân cũng có thể gặp phải các bất lợi như: rò rỉ miệng nối, bị dính ruột và tắc đường ruột gây chướng bụng, không đại tiện được…
2. Có chế độ dinh dưỡng hợp lý sau mổ cho bệnh nhân
- Sau khi mổ, cơ thể bệnh nhân cần cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng để giúp làm lành vết thương, chống nhiễm trùng và hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật.
- Để giảm tải hoạt động cho hệ tiêu hóa, đồng thời giúp làm giảm mất cân bằng dinh dưỡng do phẫu thuật gây ra, người bệnh có thể được bổ sung thêm các chất dinh dưỡng qua đường uống, đường ruột hoặc đường tĩnh mạch. Với những bệnh nhân không ăn ngon miệng do căng thẳng, lo lắng có thể tăng các loại thuốc giúp làm tăng sự thèm ăn.
- Nên tránh các loại nước uống có ga và các loại thức ăn gây ra khí như đậu, đậu Hà Lan, bắp cải, củ cải… Tăng cường các loại thức ăn giàu protein và nhiều calo như trứng, sữa, kem, các loại hạt, bơ đậu phộng, thịt gia cầm, cá…
- Bệnh nhân bị táo bón nên ăn thêm rau, quả để tăng lượng chât xơ cho cơ thể. Ngược lại, ở những bệnh nhân bị bệnh ung thư trực tràng (ruột kết) cần giảm bớt lượng chất xơ trong thời gian vài tháng đầu sau mổ.
3. Theo dõi sức khỏe bệnh nhân thật chặt chẽ sau mổ
Sau khi mổ, các bác sĩ và người nhà sẽ luôn luôn theo sát bệnh nhân để phát hiện những biểu hiện sớm của các triệu chứng tái phát nhằm tạo cơ hội điều trị khỏi cho bệnh nhân một lần nữa. Phát hiện tái phát càng sớm thì kết quả điều trị càng cao. Mổ lại được có thể xem là trị khỏi khi tái phát còn giới hạn tại chỗ.