Những triệu chứng ung thư trực tràng và cách điều trị 

Ung thư trực tràng là các khối u phát triển từ trực tràng do sự phát triển bất thường của các tế bào. Nếu không được phát hiện sớm khó điều trị gây nguy hiểm tỉ lệ tử vong cao. Vậy triệu chứng ung thư trực tràng là gì? Hãy cùng GenK STF tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Trực tràng gồm 2 phần trực tràng chậu và trực tràng tầng sinh môn, nằm ở đoạn cuối ruột già, nằm ở phía trước hậu môn là một đoạn phần ruột thẳng.

1. Nguyên nhân gây ra ung thư trực tràng

Nguyên nhân gây ra ung thư trực tràng đến nay vẫn chưa xác định chính xác được. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư trực tràng được các bác sĩ cảnh báo.

Nguy cơ cao mắc bệnh:

  • Các bệnh liên quan đến trực tràng: các polyp, u tuyến, u nhú, polyp gia đình.
  • Các bệnh nhiễm trùng của trực tràng.
  • Hút thuốc lá.
  • Béo phì, ít vận động.
  • Chế độ ăn uống: ăn nhiều thịt, mỡ, thịt xông khói, thực phẩm ít chất xơ gây táo bón, ứ đọng phân, niêm mạc trực tràng thường xuyên tiếp xúc với các chất ung thư như nitrosamin, indol, scatol,… đều tạo điều kiện cho ung thư đại tràng phát triển.

2. Triệu chứng ung thư trực tràng không nên coi thường

Các triệu chứng hay gặp ở người bệnh bị ung thư trực tràng:

  • Đại tiện ra máu là triệu chứng hay gặp, thường máu lẫn phân và nhày mũi và ra trước phân.
  • Thói quen đại tiện bị rối loạn: đi ngoài phân táo xen kẽ với đi lỏng từng đợt.
  • Phân biến dạng: lúc đầu thành khuôn sau nhỏ dần như chiếc đũa hoặc dẹp như lá lúa.
  • Xuất hiện các triệu chứng: đau quặn, món rặn, cảm giác nặng tức ở hậu môn.
  • Đau bụng, chướng bụng, bí đại tiện,…
Đại tiện ra máu là một trong những triệu chứng ung thư trực tràng
Đại tiện ra máu là một trong những triệu chứng ung thư trực tràng

3. Các kỹ thuật dùng để chẩn đoán ung thư trực tràng

  • Thăm trực tràng: thăm dò các tổn thương trực tràng.
  • Chụp trực tràng có cản quang: thăm dò toàn bộ trực tràng.
  • Soi trực tràng: phát hiện các khối u ở trên cao, tay không sờ tới được. Đánh giá đúng khoảng cách khối u tới cơ thắt hậu môn để chọn một phương pháp mổ thích hợp. Lấy mẫu làm sinh thiết để chẩn đoán chính xác.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan): xác định vị trí, kích thước xâm lấn và di căn của ung thư trực tràng.
  • Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân: sàng lọc và phát hiện sớm ung thư.
  • Siêu âm: siêu âm đường bụng, siêu âm qua tầng sinh môn, siêu âm đầu dò qua trực tràng.

4. Điều trị ung thư trực tràng

Các phương pháp thường được bác sĩ áp dụng trong điều trị bệnh ung thư trực tràng gồm có:

4.1. Phương pháp phẫu thuật

  • Phẫu thuật triệt căn:

Cắt bỏ trực tràng kèm khối u vượt qua bờ dưới ít nhất 2-3 cm, phía trên thường cắt bỏ rộng rãi hơn so với yêu cầu. Lấy bỏ rộng rãi tế bào và lớp mỡ trước xương cùng cụt, cắt bỏ mạc treo trực tràng. Nạo vét hạch bạch huyết rộng rãi gồm nhóm sau trực tràng, dọc động mạch trực tràng trên, động mạch mạc treo tràng dưới.

Cắt bỏ trực tràng qua đường bụng và tầng sinh môn: ung thư trực tràng mà bờ dưới u cách rìa hậu môn 6cm.

Khối u cách rìa hậu môn > 10cm: cắt đoạn trực tràng kèm khối u, cắt đại tràng sigma, lấy tổ chức tế bào xung quanh, nạo vét hạch và khâu nối đại tràng xuống với trực tràng thấp tức thì.

Phẫu thuật Pull-through: Khối u cách rìa hậu môn 6 – 10cm, cắt đoạn trực tràng có khối u, bảo tồn cơ thắt, cắt đại tràng sigma, nạo vét hạch và khâu nối đại tràng với trực tràng thấp hoặc đại tràng với ống hậu môn.

Phẫu thuật Hartmann: cắt bỏ đoạn trực tràng kèm khối u, đầu dưới trực tràng đóng kín, đưa đại tràng sigma ra làm hậu môn nhân tạo vĩnh viễn.

  • Phẫu thuật tạm thời:

Bệnh vào giai đoạn muộn, thể trạng bệnh nhân quá yếu, khối u đã có hiện tượng di căn tới các cơ quan lân cận hoặc di căn xa.

Phương pháp phẫu thuật: làm hậu môn nhân tạo ở đại tràng sigma, cắt đoạn trực tràng để điều trị tạm thời hoặc phẫu thuật Hartmann, phẫu thuật nội soi.

4.2. Điều trị hỗ trợ

Hai phương pháp hóa trị và xạ trị dùng để điều trị hỗ trợ sau khi đã phẫu thuật triệt căn.

Xạ trị: dùng tia xạ trước khi phẫu thuật giúp hạn chế sự phát triển của khối u. Xạ trị sau mổ kết hợp với hóa trị liệu cho thấy làm giảm tái phát tại chỗ và cải thiện hiệu quả điều trị.

Hóa trị: dùng thuốc hóa chất đưa vào cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư thường dùng phối hợp với xạ trị.

5. Phòng tránh ung thư trực tràng

Các cách phòng ngừa ung thư trực tràng:

  • Duy trì cân nặng hợp lý

Các nghiên cứu đã chỉ ra, những người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc ung thư trực tràng cao hơn những người bình thường, đặc biệt là ở những người béo bụng. Nguyên nhân được giải thích là do béo phì làm tăng nồng độ insulin trong máu và tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng và nhiều bệnh ung thư khác. Vì vậy, duy trì cân nặng hợp lý là cách phòng ngừa ung thư đại tràng được đánh giá cao.

Duy trì cân nặng hợp lý có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng
Duy trì cân nặng hợp lý có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng
  • Tích cực luyện tập thể dục thể thao, ăn uống đủ chất dinh dưỡng

Tích cực luyện tập thể dục thể thao có thể giảm đáng kể lượng mỡ thừa tích lũy trong cơ thể – yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Ngoài ra, hạn chế ăn các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu, thịt lợn mà thay thế bằng thịt gia cầm, cá, tăng cường bổ sung rau xanh, hoa quả tươi không những tốt cho sức khỏe mà còn góp phần giảm được nguy cơ mắc ung thư trực tràng.

  • Không hút thuốc lá, không uống rượu bia

Thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư phổi và nhiều bệnh ung thư khác, trong đó có cả ung thư trực tràng. Nhiều nghiên cứu cho biết, khói thuốc lá có chứa tới 7000 chất hóa học và gần 70 chất có khả năng gây bệnh ung thư. Không hút thuốc lá có thể giảm tới 30 – 40% nguy cơ mắc bệnh.

Không chỉ có khói thuốc lá, rượu cũng là một tác nhân thúc đẩy ung thư trực tràng phát triển khi chúng có khả năng kết hợp với enzyme thúc đẩy cơ thể sinh ra các phân tử hoạt tính cao gây tổn hại đến tế bào…

  • Khám sức khỏe, sàng lọc ung thư sớm

Thực tế, có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư trực tràng mà bạn không thể kiểm soát được như tuổi tác, mang gen hội chứng di truyền có khả năng gây ung thư cao, mắc bệnh tiểu đường tuýp 2… nên khám sức khỏe và sàng lọc ung thư sớm là cách phòng bệnh được đánh giá cao khi có thể phát hiện những bất thường ở đại trực tràng, khi ung thư chưa tiến triển.

Khám sàng lọc ung thư trực tràng có thể bao gồm nhiều xét nghiệm khác nhau để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh như xét nghiệm máu, nội soi đại trực tràng, sinh thiết nếu nghi ngờ ung thư…

Bệnh ung thư trực tràng sẽ không chừa một ai, vì vậy bạn cần nắm được triệu chứng ung thư trực tràng để có thể phát hiện và điều trị kịp thời. Không nên để bệnh phát triển đến giai đoạn muộn rồi mới đi khám sẽ nguy hiểm và khó chữa trị hơn.

Thông tin liên hệ