Tìm hiểu viêm loét dạ dày là gì?
Viêm loét dạ dày là gì? Đó là tình trạng có một hay nhiều tổn thương trên bề mặt niêm mạc dạ dày. Có tới 20% bệnh nhân bị viêm loét dạ dày không xuất hiện triệu chứng, người bệnh thường vào viện khi đã xuất hiện biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, hẹp môn vị hoặc nội soi kiểm tra mới phát hiện ra bệnh.
Nội dung bài viết
1. Viêm loét dạ dày là gì?
Các vị trí viêm loét bao gồm viêm dạ dày, viêm hang vị, loét hang vị, viêm tâm vị, viêm hoặc loét bờ cong nhỏ, loét tiền môn vị, viêm loét hành tá tràng hoặc viêm toàn bộ dạ dày và tá tràng…
Viêm loét dạ dày ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng, gây nên tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu hụt vi chất ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần người bệnh.
2. Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày?
- Vi khuẩn HP: Tỷ lệ gây bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng do nhiễm vi khuẩn HP chiếm khoảng 70 – 90%. Vi khuẩn HP rất dễ lây nhiễm từ người sang người qua đường nước bọt…
- Thuốc tây: Uống thuốc không đúng cách, không đủ nước, lạm dụng thuốc,.. có thể là nguyên nhân gây tổn thương dạ dày. Ngoài ra, một số loại thuốc có tác dụng phụ gây hại cho dạ dày cần tránh xa.
- Căng thẳng kéo dài: Căng thẳng kéo dài ảnh hưởng đến thần kinh gây mất cân bằng cho chức năng dạ dày, đường ruột, làm tăng axit hydrochloric và pepsin khiến cho môn vị co thắt, niêm mạc dạ dày bị tổn thương dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày. Trường hợp căng thẳng gặp phải do áp lực công việc, lo lắng nhiều, buồn phiền, sợ hãi.
- Uống nhiều bia rượu: Rượu bia rất có hại cho sức khỏe, nó có thể gây ra xơ gan, viêm tuyến tụy, tác động trực tiếp đến niêm mạc dạ dày, làm cho dạ dày tổn thương nặng thêm.
- Chế độ ăn uống: Để tình trạng no đói không đều làm cho axit hydrochloric và các chất xúc tác dạ dày tiết ra trung hòa thức ăn không ổn định. Khi ăn uống thất thường làm cho dạ dày không được nghỉ ngơi làm bệnh dễ phát và dễ tái phát. Ăn uống quá no ảnh hưởng đến dạ dày bởi nó kích thích niêm mạc dạ dày bài tiết quá nhiều axit hydrochloric gây viêm loét dạ dày tá tràng. Thói quen ăn nhanh hoặc vừa ăn vừa xem ti vi dẫn đến nhai không kỹ, ăn nhanh nuốt vội làm tăng thêm gánh nặng cho dạ dày, làm cho thời gian lưu trữ thức ăn trong dạ dày lâu hơn dẫn tới tổn thương niêm mạc dạ dày.
3. Dấu hiệu viêm loét dạ dày
Đau vùng thượng vị
Vùng thượng vị là vùng giữa rốn và mũi xương ức. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau thượng vị, vì vậy cảm giác đau ở mỗi người bệnh là khác nhau, có người đau âm ỉ, có người chỉ đau tức bụng, đau quặn từng cơn, đau bỏng rát…
Những vết viêm loét này khi tiếp xúc với dịch vị dạ dày sẽ gây đau vùng thượng vị. Người bệnh thường có cảm giác đau vào lúc đói hoặc sau khi ăn no, cơn đau dữ dội, đau quằn quại. Nếu đau thượng vị do loét tá tràng thì cơn đau sẽ dịu dần khi uống thuốc trung hòa axit dịch vị hoặc ngay khi ăn một ít thức ăn.
Đau thượng vị do viêm loét dạ dày tá tràng có tính chu kỳ, đau thường từ 2 – 8 tuần sau đó cơn đau giảm dần dù người bệnh có uống thuốc hay không. Tuy nhiên những cơn đau này dễ tái phát vào thời gian sau đó.
Ợ hơi, ợ chua
Rối loạn tiêu hóa ở người viêm loét dạ dày khiến người bệnh dễ có cảm giác chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu. Lúc này, thay vì hơi sinh ra trong quá trình tiêu hóa thức ăn thoát ra ngoài theo đường hậu môn thì lại thoát ra ngoài theo đường miệng. Đây còn được gọi là hiện tượng ợ hơi.
Bên cạnh đó, ợ chua cũng là biểu hiện điển hình của thời kỳ đầu viêm loét dạ dày. Người viêm loét dạ dày thường dễ tăng tiết axit, lượng axit dư thừa này khi trào ngược lên phần thực quản sẽ khiến người bệnh có cảm giác chua ở miệng. Axit dạ dày tăng tiết và trào ngược lên thực quản cũng gây ra hiện tượng nóng rát vùng thượng vị vì axit trào ngược gây kích ứng ống thực quản đoạn chạy qua vùng thượng vị.
Rối loạn tiêu hóa
Quá trình tiêu hóa ở người viêm loét dạ dày bị gián đoạn do niêm mạc dạ dày đang viêm loét. Người bệnh có thể bị táo bón, đi ngoài phân sống, tiêu chảy… Những triệu chứng này gây mệt mỏi cho người bệnh.
Bạn nên đến cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và điều trị viêm loét dạ dày
Nôn hoặc buồn nôn
Rối loạn tiêu hóa ở người viêm loét dạ dày khiến người bệnh có cảm giác khó chịu. Vì vậy mà hay gặp triệu chứng buồn nôn, thậm chí là nôn các chất ra ngoài. Cảm giác khó chịu sẽ giảm rõ rệt sau khi người bệnh nôn được các chất ra ngoài. Nếu những chất nôn ra ngoài có màu đen sẫm, nguy cơ bệnh nhân đã bị chảy máu tiêu hóa trong.
Chán ăn và sụt cân
Niêm mạc dạ dày bị viêm loét khiến quá trình tiêu hóa bị gián đoạn, khó hấp thụ chất dinh dưỡng. Do tiêu hóa có vấn đề nên người bệnh có cảm giác đầy bụng, chướng hơi, khó tiêu, nhiều người bị trào ngược dịch dạ dày lên thực quản do axit dạ dày tăng tiết gây ra cảm giác chua và đắng ở miệng.
4. Điều trị viêm dạ dày
4.1 Điều trị tùy theo nguyên nhân
Cụ thể nếu vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) là nguyên nhân dẫn tới viêm loét dạ dày, tá tràng, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc thuốc ức chế bơm proton (PPI). Trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn H. pylori và ảnh hưởng của việc lạm dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) cũng có hướng điều trị tương tự.
Nếu nguyên nhân gây bệnh là do ảnh hưởng của các loại thuốc kháng viêm không steroid, bác sĩ thường chỉ định điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton. Chất đối kháng thụ thể H2 đôi khi được sử dụng thay thế cho thuốc ức chế bơm proton. Người bệnh cũng có thể phải điều trị thêm thuốc kháng acid để giảm bớt các triệu chứng khó chịu trong thời gian ngắn hạn.
4.2 Thuốc sử dụng trong điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng
Thuốc kháng sinh
Người bệnh bị nhiễm khuẩn H. pylori dẫn tới viêm loét dạ dày, tá tràng thường được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh trong 1 – 2 tuần. Thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ nhẹ như mệt mỏi, tiêu chảy, miệng có vị kim loại. Bệnh nhân sẽ được kiểm tra khoảng 4 tuần sau khi hoàn tất điều trị bằng thuốc kháng sinh để xác định xem liệu có vi khuẩn H. pylori còn lại trong dạ dày hay không. Nếu có, cần tiếp tục một đợt điều trị loại trừ bằng cách sử dụng các loại thuốc kháng sinh khác.
Thuốc ức chế bơm proton (PPIs)
Thuốc ức chế bơm proton có tác dụng giảm lượng axit dạ dày tiết ra, ngăn chặn vết loét tiến triển nghiêm trọng hơn. Người bệnh thường được kê đơn từ 4 – 8 tuần. Tác dụng phụ của loại thuốc này nhẹ và thường biến mất sau điều trị, bao gồm: đau đầu, tiêu chảy/táo bón, mệt mỏi, đau bụng, chóng mặt, phát ban.
Căn cứ vào tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị phù hợp nhất.
Chất đối kháng thụ thể H2
Giống như thuốc ức chế bơm proton, chất đối kháng thụ thể H2 hoạt động bằng cách giảm lượng acid do dạ dày sản xuất. Tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, phát ban, mệt mỏi… là những tác dụng phụ có thể gặp của chất đối kháng thụ thể H2 tuy nhiên rất hiếm.
Thuốc kháng axit
Cả 3 loại thuốc nêu trên cần khoảng vài giờ trước khi bắt đầu phát huy tác dụng. Vì vậy bác sĩ có thể cho người bệnh sử dụng thuốc kháng axit bổ sung để trung hòa axit dạ dày, tạm thời giảm nhẹ các triệu chứng. Thuốc kháng axit nên sử dụng khi người bệnh đang gặp phải triệu chứng khó chịu hoặc triệu chứng chuẩn bị xuất hiện (sau bữa ăn hay trước khi đi ngủ). Nguy cơ gặp phải tác dụng phụ khi sử dụng loại thuốc này là rất thấp và có thể là tiêu chảy/táo bón, đầy hơi, co thắt dạ dày, mệt mỏi.
5. Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người viêm loét dạ dày
Bên cạnh việc điều trị y tế theo đúng chỉ định của bác sĩ, chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cũng đóng vai trò rất quan trọng. Người bệnh lưu ý:
- Không hút thuốc
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa chính. Tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ tự nhiên từ rau, củ, quả, các loại hạt…
- Không uống rượu, bia
- Hạn chế ăn đồ ăn cay, nóng, thực phẩm chế biến sẵn, các loại thịt đỏ, thức uống có chứa caffeine (trà, cà phê)…
- Dành thời gian tập thể dục
- Suy nghĩ tích cực, giảm bớt căng thẳng