Sự nguy hiểm của tế bào ung thư và giải pháp ngăn ngừa
Ung thư là căn bệnh đặc biệt nguy hại, chiếm tỷ lệ tử vong cao khiến mọi người luôn quan tâm và phòng tránh. Vì vậy, việc tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của tế bào ung thư nhằm kịp thời ngăn chặn sự tiến triển của bệnh là rất cần thiết.
Nội dung bài viết
1. Tế bào ung thư khác biệt như thế nào so với tế bào bình thường?
Cơ thể được cấu tạo bởi hàng nghìn tỉ tế bào, tạo nên các cơ quan, điều hòa chức năng sống đảm bảo diễn ra bình thường. Các tế bào hình thành, phân chia hay “chết” đi đều tuân theo một chương trình chặt chẽ. Do nhiều tác nhân khác nhau, quá trình tự nhiên này bị rối loạn, các tế bào ung thư ra đời.
Chúng là những tế bào thay vì phải chết đi vì không còn hữu ích như lập trình sẵn mà lại tăng sinh vô số, phá hủy hệ miễn dịch, tạo thành khối u gây tổn hại cho các mô lành và cơ quan. Các khối u sau khi hình thành không lây lan đến các vị trí khác trong cơ thể gọi là khối u lành tính (có thể cắt bỏ và không quay lại), các khối u có khả năng di căn đến các nơi khác gọi là u ác tính hay bệnh ung thư.
2. Đặc điểm của tế bào bình thường và tế bào ung thư
Tế bào bình thường | Tế bào ung thư | |
Sự tăng trưởng | Ngừng phát triển khi đã sản sinh đủ tế bào. | Tăng trưởng liên tục => hình thành khối u |
Sự kết nối | Đáp lại với các tín hiệu được gửi đến từ các tế bào lân cận. | Không đáp lại tín hiệu của các tế bào khác. Xâm chiếm các mô lân cận |
Sự sửa chữa và chết đi | Sửa chữa hoặc tự hủy khi các chức năng bị hư hỏng hoặc lão hóa. | Tiếp tục phân chia mặc dù ở trạng thái chưa hoàn chỉnh. |
Độ dính | Tiết ra một chất khiến các tế bào dính lại thành một nhóm => Không có khả năng di căn | Thiếu phân tử kết dính, có thể di chuyển thông qua máu hoặc bạch cầu đến các vị trị khác nhau trong cơ thể => Ung thư di căn |
Hình ảnh | Bình thường. | Nhân tế bào thường lớn hơn và tối hơn do chứa nhiều ADN dư thừa. |
Chức năng | Hoạt động theo đúng chức năng của tế bào | Có thể không thực hiện chức năng mặc dù số lượng tăng lên lớn. |
Hệ thống miễn dịch | Xác định và loại bỏ các tế bào tổn thương hay mất chức năng hoạt động | Tiết ra các chất làm bất hoạt các tế bào miễn dịch. |
3. Các giai đoạn phát triển của bệnh
Hầu hết các bệnh ung thư tiến triển từ giai đoạn I đến giai đoạn IV. Tuy nhiên, một số bệnh ung thư cũng có giai đoạn 0. Giai đoạn phát hiện càng sớm, khả năng hồi phục của bệnh nhân càng cao
– Giai đoạn 0: Khối u còn rất nhỏ (thường chỉ từ vài mm đến vài cm), chưa thâm nhập sâu và xâm lấn các mô lân cận. Khả năng loại bỏ khối u và hồi phục sức khỏe cao.
– Giai đoạn I: Xuất hiện khối u nhỏ hoặc khối u chưa phát triển sâu và chưa lây lan rộng qua máu hay hệ thống bạch cầu.
– Giai đoạn II và III: Khối u đã lớn hơn, phát triển sâu hơn và xâm lấn các mô lành lân cận. Ở giai đoạn này có thể chúng đã di căn và gây bệnh ở các cơ quan khác trong cơ thể.
– Giai đoạn IV: Thường gọi là giai đoạn cuối, ở thời điểm này bệnh ung thư tiến triển nặng nhất vì chúng di căn đến nhiều cơ quan khác nhau và phá hủy chức năng sống của cơ thể.
4. Các biện pháp ngăn ngừa sự hình thành của tế bào ung thư
Ung thư là căn bệnh có khả năng xâm lấn và di căn nhanh trong cơ thể, có tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy, bạn đọc nên thực hiện các biện pháp ngăn ngừa từ sớm để phòng tránh bệnh ung thư hay sự hình thành của các tế bào ung thư như sau:
Không sử dụng các chất kích thích
Đây là biện pháp cần thiết nhất để phòng tránh bệnh ung thư. Việc sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia,… rất nguy hại đối với sức khỏe. Uống bia rượu đã được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư khoang miệng, hầu họng, thanh quản,… dẫn đến xơ gan, ung thư gan, tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú ở phụ nữ. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, hơn 3 triệu người mất vào năm 2012 do uống rượu. Đối với thuốc lá, hay các loại thuốc khác như thuốc lào, cần sa, thuốc lá điện tử,… đều có tác động xấu đến sức khỏe con người. Thuốc lá là nguyên nhân của 90% bệnh nhân ung thư phổi, 75% trường hợp tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD), bởi nó chứa hơn 7000 chất độc khác nhau.
Ngoại trừ tổn thương hệ thống hô hấp, chúng còn liên quan đến các bệnh về tim mạch, thần kinh, gây hại cho sự phát triển ở não bộ của trẻ em và ảnh hưởng xấu đến bà mẹ trong giai đoạn thai kỳ.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng
Chế độ ăn dinh dưỡng, phù hợp, đầy đủ các chất dinh dưỡng giúp nâng cao sức khỏe và phòng ngừa ung thư hiệu quả. Lựa chọn các thực phẩm tươi sống, tự chế biến thay vì các món ăn đóng gói sẵn, thức ăn nhanh,… Bổ sung rau củ, trái cây trong mỗi bữa ăn hằng ngày giúp cơ thể bổ sung các vitamin và chất chống oxy hóa, loại bỏ các gốc tự do, ngăn chặn tế bào ung thư hình thành và phát triển.
Bổ sung nước hằng ngày cũng là một yếu tố quan trọng vì nước là thành phần chính của mọi cơ quan trong cơ thể, giúp vận chuyển oxi, điều chỉnh thân nhiệt, chuyển hóa thức ăn,… Thể tích nước mỗi người cần uống có thể tính theo công thức sau:
– Trên 18 tuổi: V(ml nước) = trọng lượng cơ thể (kg) x 40.
– Từ 2 đến 18 tuổi: V(ml nước) = 1.5 x trọng lượng cơ thể (kg) x 40.
Lưu ý, nếu bạn vận động nhiều, thời tiết oi bức sẽ cần uống nhiều nước hơn. Ngoài ra ngoài uống nước sạch bạn còn bổ sung nước thông qua hít thở, thức ăn (trái cây, súp, cháo,…) cho nên công thức trên chỉ mang tính chất tham khảo.
Duy trì cân nặng bằng cách rèn luyện thân thể thường xuyên
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, thực hành các thói quen lành mạnh có thể giảm một nửa số ca tử vong theo các ước tính. Nhiều bệnh ung thư đã được chứng minh có thể ngăn chặn bằng cách tập thể dục thường xuyên như ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư phổi,… Nên lựa chọn chế độ tập luyện phù hợp, kiên trì tập đều đặn để mang lại hiệu quả tốt nhất. Tránh tập luyện quá sức để không mắc các biến chứng như căng cơ, gãy xương,… Chỉ nên hoạt động thể chất tối đa 60 phút/ngày.
Ung thư luôn là nỗi lo lắng của mỗi người. Tuy nhiên, nếu trang bị kiến thức đầy đủ, kiên trì thực hiện các biện pháp phòng ngừa sẽ góp phần ngăn chặn các tế bào ung thư hình thành và phát triển. Mong rằng sau bài viết này, bạn đọc đã có thêm được nhiều kiến thức để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người thân yêu.