Ung thư đường mật và mối nguy hại ít người biết
Ung thư đường mật là tình trạng tăng sinh không kiểm soát của các tế bào ung thư ở lớp biểu mô trong lòng đường mật dẫn đến gan, làm ảnh hưởng đến chức năng của đường mật cùng nhiều nguy hại khác. Mặc dù tiến triển chậm, nhưng đa số các bệnh nhân khi được chẩn đoán thường đã ở giai đoạn muộn, khiến việc trị ít hiệu quả.
Nội dung bài viết
1. Tổng quan về ung thư đường mật
Mật đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng như lipid, các vitamin tan trong dầu (A,D,E,K),… Khi đường mật xuất hiện khối u, cơ thể sẽ xuất hiện các dấu hiệu sau:
- Hội chứng vàng da: da, mắt vàng, phân nhợt màu, nước tiểu sẫm và có xu hướng vàng đậm hơn do nồng độ bilirubin tăng cao.
- Bệnh nhân cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu thường xuyên, không đáp ứng với thuốc điều trị giảm triệu chứng.
- Một số triệu chứng toàn thân: sụt cân (30 – 50%), chán ăn, buồn nôn, sốt,…
Các dấu hiệu ung thư đường mật hầu hết khiến bệnh nhân chủ quan (trừ hội chứng vàng da) bởi vì nó rất giống với các bệnh lý thông thường khác. Vì vậy, khi có các vấn đề bất thường xảy ra trên cơ thể, kéo dài lâu ngày không khỏi, tuyệt đối không nên chủ quan mà cần phải đi đến các cơ sở y tế thăm khám, chẩn đoán kịp thời.
Ung thư đường mật tiến triển qua các giai đoạn sau:
- Giai đoạn 0: Khối u chỉ mới xuất hiện ở ống mật (lớp niêm mạc trong), chưa có dấu hiệu điển hình vì khối u chưa xâm nhập sâu và lây lan. Đây là giai đoạn sớm của bệnh, khó chẩn đoán chính xác.
- Giai đoạn 1A: Khối u bắt đầu lớn hơn, chưa làm tắc ống mật. Nhưng một số hạch bạch huyết xung quanh hoặc ở vị trí xa đã bị ảnh hưởng.
- Giai đoạn 1B: Khối u phát triển hơn nhưng chưa xâm nhập đến các vị trí khác.
- Giai đoạn 2A: Khối u xâm nhập các cơ quan ở vị trí gần ống mật như gan, tụy, túi mật. Tuy nhiên các mạch lớn, hạch bạch huyết hoặc các vị trí khác chưa bị di căn đến.
- Giai đoạn 2B: Ung thư phát triển, thâm nhập sâu hơn trong lòng ống mật, các hạch bạch huyết sưng to nhưng chưa ảnh hưởng đến hệ bạch huyết.
- Giai đoạn 3: Khối u xâm nhập vào các mạch lớn (động mạch, tĩnh mạch) và một số cơ quan khác như gan, dạ dày, ruột non,… nhưng các cơ quan ở vị trí xa chưa bị ảnh hưởng.
- Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn cuối của bệnh, tình trạng đã rất nghiêm trọng do khối u thâm nhiễm đường mật đồng thời lây lan đến các cơ quan khác trong cơ thể ở vị trí xa hơn như phổi, xương, hệ thần kinh,…
2. Lưu ý với các yếu tố tác nhân gây bệnh
Mặc dù khá hiếm gặp nhưng chúng ta không nên chủ quan với các yếu tố tác nhân gây bệnh như:
- Tuổi già: 60% bệnh nhân được chẩn đoán ung thư đường mật từ 65 tuổi trở lên. Đây là độ tuổi sơ lão nghĩa là cơ thể đã bước dần vào giai đoạn lão hóa. Việc đáp ứng và phục hồi sau khi điều trị gặp nhiều khó khăn. Cho nên, những người cao tuổi cần phải được chăm sóc cẩn thận, không nên bỏ qua mọi dấu hiệu bất thường nào.
- Béo phì: béo phì là nguyên nhân gia tăng các bệnh mãn tính và ung thư, ung thư đường mật cũng không phải là ngoại lệ.
- Rượu bia: Việc uống quá nhiều rượu bia gia tăng các nguy cơ về đường mật và tác động xấu đến nhiều cơ quan khác như gan, thận, tim mạch,…
- Thuốc lá: thủ phạm của hầu hết các bệnh lý nguy hại đến sức khỏe mỗi người.
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý sẵn có: Một số bệnh gan như viêm gan, xơ gan,… bệnh viêm túi mật, viêm tụy,… có thể dẫn đến ung thư đường mật nếu không được điều trị dứt điểm.
- Hóa chất: tiếp xúc với các chất hóa học độc hại cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
3. Các phương pháp điều trị ung thư đường mật
Phẫu thuật
Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất trong việc điều trị các bệnh ung thư. Tuy nhiên, hiệu quả của phẫu thuật có thể bị ảnh hưởng do kích thước khối u và mức độ di căn. Vì vậy phẫu thuật thường được áp dụng đồng thời với các phương pháp khác. Một số hình thức phẫu thuật hay được lựa chọn:
- Phẫu thuật triệt căn: Tùy thuộc vào vị trí của khối u mà bệnh nhân sẽ được lựa chọn vị trí phẫu thuật. Hình thức này bao gồm loại bỏ các hạch bạch huyết bị khối u xâm lấn.
- Phẫu thuật bán phần: Gan sẽ bị loại bỏ một phần nếu khối u nằm gần gan. Trong nhiều trường hợp phần gan lành sẽ phát triển bằng với kích thước ban đầu.
- Whipple: đây là một cuộc đại phẫu thường được lựa chọn nếu khối u nằm gần tụy. Toàn bộ hoặc một phần tụy, một phần ruột non, đường mật, dạ dày sẽ bị cắt bỏ. Tuy nhiên phương pháp này để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, dò dịch,… có thể khiến bệnh nhân tử vong.
- Ghép gan: Phương pháp này điều trị cần chi phí cao, phẫu thuật viên dày dạn kinh nghiệm và nguồn hiến tạng.
Hóa/xạ trị
Đây là phương pháp thường được chỉ đình trước hoặc sau phẫu thuật nhưng thông thường ung thư đường mật đáp ứng kém với liệu pháp này.
Nhìn chung, quá trình điều trị ngoài việc lựa chọn phác đồ thích hợp, bệnh nhân còn cần có thái độ hợp tác, kiên trì chữa bệnh với tinh thần lạc quan. Nguồn động viên lớn nhất từ người thân có thể giúp bệnh nhân chiến thắng được căn bệnh.
4. Nên duy trì các biện pháp phòng bệnh
Chắc hẳn các bạn đọc đã nghe nói đến câu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Phòng bệnh là cách thức tốt nhất để cơ thể không phải chịu ảnh hưởng xấu từ bất kỳ căn bệnh nào, kể cả ung thư đường mật. Một số gợi ý sau có thể giúp ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này:
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu: Như đã nêu trên, đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư đường mật nên được loại bỏ. Tránh xa hoàn toàn thuốc lá kể cả việc hít khói thuốc thụ động. Bia rượu chỉ nên uống một lượng ít thì mới có lợi cho sức khỏe.
- Xây dựng chế độ ăn lành mạnh: các bữa ăn lành mạnh giúp giảm nguy cơ béo phì và tăng sức đề kháng cho cơ thể. Chỉ nên ăn vừa đủ để cân bằng các chất dinh dưỡng, tránh tình trạng thiếu hụt hay dư thừa để không phát sinh các tình trạng bệnh lý gây hại cho cơ thể. Đặc biệt, nên bổ sung nhiều vitamin, chất khoáng cùng các chất chống oxy hóa từ hoa quả, rau xanh trong các bữa ăn hàng ngày.
- Tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại: Tuân thủ các quy định về an toàn lao động và phải mang các trang phục, phương tiện bảo hộ khi tiếp xúc với các hóa chất.
- Các bệnh lý có sẵn: Điều trị dứt điểm các bệnh lý liên quan hoặc các bệnh do nhiễm ký sinh trùng (sán lá gan,…) gây ra để tránh mắc ung thư đường mật.
- Khám sức khỏe định kỳ: Nên kiểm tra sức khỏe tổng quát khoảng 6 tháng/lần để phát hiện và điều trị sớm nếu có xuất hiện các triệu chứng bệnh.
Các bệnh lý ung thư, bao gồm ung thư đường mật luôn là nỗi lo lắng về sức khỏe của mỗi người, mỗi gia đình. Tuy nhiên, nếu được trang bị đầy đủ các kiến thức, thực hiện nghiêm túc các biện pháp ngăn ngừa thì cho dù là ung thư hay bất kỳ căn bệnh nguy hiểm nào đều không còn là vấn đề quan trọng.