Điều trị u tuyến yên ác tính bằng phương pháp xạ trị

U tuyến yên ác tính rất dễ di căn đến não và gây tỷ lệ tử vong cao. Vì thế, việc phát hiện và điều trị sớm u tuyến yên là rất cần thiết để kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Trong đó, xạ trị là phương pháp điều trị phổ biến và đánh giá cao ở những người bị u tuyến yên. Vậy xạ trị áp dụng trong những trường hợp nào và có đặc điểm gì thì các bạn hãy cùng tìm hiểu chi tiết dưới đây.

1. U tuyến yên ác tính là gì?

Tuyến yên là tuyến nội tiết của cơ thể, đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng. Vị trí của tuyến yên nằm ở hố sâu bên trong não nên khi khối u ác tính xuất hiện rất dễ di căn đến não. Vai trò của tuyến yên là điều tiết các tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến tiết sữa và tăng trưởng của xương.

u-tuyen-yen-ac-tinh-1
Hình ảnh u tuyến yên

U tuyến yên xuất phát từ những tế bào trong tuyến yên. Đa phần các khối u tuyến yên đều là lành tính và không quá nguy hiểm. Thế nhưng, đôi khi u tuyến yên cũng có nguy cơ là u ác tính và dễ chuyển sang ung thư tuyến yên. Những khối u tuyến yên ác tính khi phát triển sẽ xâm lấn đến các mô và cơ quan xung quanh. Từ đó, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và còn đe dọa tính mạng của người bệnh.

Tuyến yên khi xuất hiện khối u sẽ gây ra một số triệu chứng điển hình như:

  • Chức năng của tuyến yên bị khối u nhỏ chèn ép nên bị rối loạn. Từ đó, gây ra những triệu chứng như rối loạn kinh nguyệt, đầu chi to, chậm phát triển, vô sinh, mệt mỏi.
  • Nếu các khối u tuyến yên lớn sẽ khiến dây thần kinh bị chèn ép, gây ra tình trạng lác mắt, tê mặt.
  • Khi các khối u cực lớn sẽ khiến người bệnh đối mặt với những triệu chứng là tăng áp lực nội sọ, đau đầu, buồn nôn, hôn mê.

2. Nguyên nhân gây ra u tuyến yên

Yếu tố nguy cơ duy nhất gây ra u tuyến yên ác tính được cho là do di truyền. Bao gồm có:

  • Bệnh to cực: Tức đầu chi to và các cơ quan ngoại biên bị phì đại như tai, mũi, hàm… do hormone tăng trưởng dư thừa.
  • Rối loạn tân sinh đa tuyến nội tiết type 1 (MEN1): Nếu gia đình có người thân như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột bị MEN1 thì tỷ lệ bạn mắc u tuyến yên sẽ cao hơn người bình thường.
  • Carney complex: Yếu tố rối loạn gen sẽ gia tăng nguy cơ xuất hiện khối u trong tuyến yên.

3. Điều trị u tuyến yên ác tính bằng phương pháp xạ trị

U tuyến yên ác tính được điều trị bằng một hoặc kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như phẫu thuật, xạ trị, liệu pháp hormone thay thế, điều trị nội khoa… Căn cứ vào từng giai đoạn, tổn thương của bệnh mà bác sĩ sẽ cân nhắc để đưa ra giải pháp điều trị phù hợp. Trong đó, xạ trị có thể được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp để điều trị u tuyến yên ác tính.

u-tuyen-yen-ac-tinh-2
Điều trị u tuyến yên ác tính bằng xạ trị

3.1. Những trường hợp điều trị u tuyến yên bằng xạ trị

Xạ trị u tuyến yên thường được áp dụng trong những trường hợp sau:

  • Xạ trị u tuyến yên thường được chỉ định sau phẫu thuật để loại bỏ khối u còn sót lại. Đồng thời, ngăn chặn và kiểm soát sự tái phát của các khối u. 
  • Những trường hợp khối u tái phát sau phẫu thuật thì xạ trị là phương pháp điều trị riêng biệt để ngăn chặn, kiểm soát các khối u.
  • Xạ trị cũng là phương pháp điều trị riêng biệt cho những bệnh nhân không thể phẫu thuật để cắt bỏ khối u.

3.2. Những kỹ thuật xạ trị u tuyến yên phổ biến hiện nay

Điều trị u tuyến yên bằng xạ trị là cách xuyên qua da và sọ bằng các chùm tia bức xạ từ bên ngoài để tới khối u. Các chùm tia bức xạ này thực hiện cơ chế phá hủy ADN khi chiếu vào khối u để tiêu diệt tế bào u tuyến yên.

Xạ trị cần được thực hiện bởi những chuyên gia nắm rõ chuyên môn về phương pháp này, bao gồm: Bác sĩ xạ trị, kỹ sư vật lý y học, kỹ thuật viên xạ trị. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng kỹ thuật xạ trị u tuyến yên ác tính. Thường dùng nhất là 1 trong 3 kỹ thuật sau:

– Xạ phẫu

Xạ phẫu là phương pháp điều trị riêng biệt, không bao gồm phẫu thuật ngoại khoa hay cắt bỏ. Theo đó, các bác sĩ sẽ tiến hàng chụp CT để xác định vị trí, kích thước khối u, những cơ quan liền kề lành bên cạnh để bảo vệ.

Căn cứ vào hình ảnh thu được từ chụp CT, bác sĩ và kỹ sư vật lý sẽ tiến hành xạ phẫu. Kỹ thuật này áp dụng trong một phân liều điều trị cho phép phân bố một liều bức xạ cao tới khối u. Đồng thời, hạn chế tối đa bức xạ tới những cơ quan lành xung quanh. Thông thường, xạ phẫu sẽ thực hiện điều trị từ 1 – 5 phân liều.

– Xạ trị điều biến liều

Đây là kỹ thuật xạ trị được chỉ định khi các khối u tuyến yên ác tính có kích thước lớn, thậm chí những khối u đã xâm lấn tới xoang tĩnh mạch hang. Phương pháp này cũng sẽ tập trung tới khối u với liều bức xạ cao và hạn chế tối đa bức xạ đến những cơ quan lành xung quanh.

u-tuyen-yen-ac-tinh-3
Xạ trị điều biến liều u tuyến yên

Xạ trị điều biến liều được duy trì đều đặn 5 ngày một tuần và liệu trình kéo dài từ 4 – 6 tuần.

– Xạ trị proton

Nếu như xạ phẫu và xạ trị điều biến liều sử dụng chùm tia X để tiêu diệt tế bào ung thư thì xạ trị proton sẽ sử dụng các tia proton. Những chùm tia proton sẽ chiếu vào các khối u mức năng lượng tối đa nhằm tiêu diệt khối u hoàn toàn. Vì thế, các mô lành phía sau khối u hầu như không bị ảnh hưởng bởi chùm tia proton nên không bị tổn thương.

Tuy nhiên, xạ trị proton tốn kém chi phí hơn so với xạ phẫu và xạ trị điều biến liều. Đồng thời, các trang thiết bị cũng yêu cầu cao hơn. Vì thế, xạ trị proton không phổ biến bằng 2 kỹ thuật xạ trị trên.

3.3. Một số tác dụng phụ của xạ trị

Xạ trị u tuyến yên ác tính thường gây ra một số tác dụng phụ cho người bệnh như kích ứng da, mệt mỏi… Tuy nhiên, các tác dụng phụ này sẽ dần biến mất sau khi kết thúc xạ trị.

Một số tác dụng phụ nguy hiểm hơn khi xạ trị như giảm trí nhớ tạm thời, suy giảm trí nhớ, biến chứng về thị lực… Mặc dù vậy các tác dụng phụ ít xảy ra và nếu có cũng không quá nghiêm trọng.

Như vậy, chúng ta vừa tìm hiểu đôi nét về u tuyến yên ác tính và phương pháp xạ trị để điều trị khối u. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về căn bệnh này để sớm phát hiện và được điều trị kịp thời.

Thông tin liên hệ