Phương pháp điều trị bệnh ung thư ruột
Ung thư ruột bao gồm ung thư ruột non, ung thư đại tràng, ung thư trực tràng là nhóm bệnh lý ác tính thường gặp trong ung thư đường tiêu hóa và có tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Cùng tìm hiểu phương pháp điều trị bệnh ung thư ruột qua bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
1. Biểu hiện của bệnh ung thư ruột
Đi ngoài phân lẫn máu
Trong bệnh lý ung thư ruột thường thấy đi ngoài có máu tươi, hoặc phân có nhầy máu. Tuy nhiên khi gặp tình trạng này bạn không nên quá lo lắng, vì đó có thể là triệu chứng của bệnh lý khác như trĩ, nứt kẽ hậu môn. Khi có biểu hiện đi ngoài phân lẫn máu đồng thời có đau bụng dữ dội như trên thì bạn nên đi khám ở cơ sở y tế chuyên khoa.
Đau bụng
Người bệnh có thể thấy đau bụng âm ỉ hoặc đau dữ dội, không có tư thế giúp giảm đau, nghỉ ngơi cũng không đỡ. Đồng thời có thể xuất hiện kèm theo các triệu chứng như đầy hơi, chậm tiêu, ăn nhanh no. Nếu bạn thường xuyên gặp triệu chứng đau bụng dữ dội như này thì nên đi thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Rối loạn bài tiết phân
Người bệnh có thể gặp cả tình trạng táo bón hoặc đi ngoài phân lỏng kéo dài không rõ nguyên nhân. Ngoài ra người bệnh còn thấy cảm giác đi ngoài không hết phân, khuôn phân mỏng dẹt, do trong quá trình bài tiết đường ra phân bị cản trở bởi khối u trong lòng ruột, đại tràng.
Ngoài các triệu chứng như trên, người bệnh có thể thấy kèm theo các triệu chứng khác như mệt mỏi kéo dài, chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân.
2. Các phương pháp điều trị bệnh ung thư ruột hiện nay
Phẫu thuật
Phẫu thuật có vai trò quan trọng trong điều trị bệnh lý ung thư đường ruột hiện nay. Đây là phương pháp thường được chỉ định trong ung thư đường ruột, kể cả khi đã có di căn xa. Các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để loại bỏ vùng có khối u ác tính, kể cả vùng dẫn lưu bạch huyết và vùng mạch máu nuôi dưỡng cho khối u đó. Bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật nội soi hay mổ mở tùy thuộc vào kích thước khối u, vị trí, giai đoạn bệnh và các yếu tố nguy cơ khác nhau.
Tuy nhiên nếu người bệnh chỉ điều trị bằng một phương pháp là phẫu thuật đơn thuần thì tỷ lệ tái phát vẫn cao. Vì thế sau phẫu thuật người bệnh vẫn phải theo dõi và đánh giá lại các chỉ số ví dụ như dấu ấn ung thư CEA, CA 125, CA 19.9 trong máu để quyết định xem người bệnh có phải điều trị thêm hóa chất hay xạ trị nữa không. Hoặc trong trường hợp người bệnh ở giai đoạn 2,3,4 đã có di căn vẫn phải kết hợp thêm điều trị hóa, xạ trị sau phẫu thuật.
Hóa trị
Hóa trị là một trong những phương pháp chính điều trị ung thư đường ruột
Hóa chất là một cách điều trị bệnh ung thư ruột quan trọng hiện nay. Các thuốc kháng ung thư được sử dụng dưới dạng tiêm, truyền tĩnh mạch hoặc đường uống. Người bệnh có thể chỉ dùng 1 loại hóa chất hoặc phải dùng phối hợp nhiều loại tùy thuộc vào vị trí, kích thước khối u, mức độ giai đoạn bệnh và thể trạng từng người khác nhau.
Trong nhiều trường hợp khối u có kích thước to, nằm ở các vị trí gần các mạch máu, động mạch nguy hiểm, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh điều trị hóa chất trước để để thu gọn chân và kích thước khối u sau đó mới phẫu thuật nhằm tăng khả năng mổ triệt để khối u ác tính hơn.
Một số trường hợp hóa chất được chỉ định sau phẫu thuật để điều trị những khối u hoặc tế bào di căn còn sót lại.
Tuy nhiên khi điều trị hóa chất bệnh lý ung thư ruột người bệnh sẽ gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như mệt mỏi, chán ăn, viêm loét niêm mạc miệng, sụt cân, rụng tóc,… Vì thế người bệnh nên tìm hiểu trước về phương pháp hóa trị trong ung thư đường ruột, các tác dụng phụ có thể gặp phải để chuẩn bị trước thể trạng thật tốt và tinh thần thoải mái trước khi bước vào điều trị.
Xạ trị
Xạ trị có vai trò quan trọng, hỗ trợ nhiều cho phương pháp phẫu thuật, có thể được chỉ định trước hoặc sau phẫu thuật. Bác sĩ sẽ chỉ định xạ trị đơn độc hay xạ trị kết hợp cùng hóa chất song song tùy vào kích thước khối u, mức độ di căn.
Cũng giống như hóa trị, xạ trị có thể được chỉ định trước phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u, giúp quá trình phẫu thuật có thể loại bỏ được hoàn toàn khối u. Xạ trị sau phẫu thuật giúp tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại, giảm khả năng tái phát tại vùng chậu.
Một số trường hợp người bệnh ở giai đoạn muộn sau phẫu thuật bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh cần hóa chất và xạ trị kết hợp để tăng khả năng tiêu diệt tế bào ung thư di căn còn lại, giảm tỷ lệ di căn xa hơn và giảm tỷ lệ tái phát tại chỗ.
Trong quá trình điều trị xạ người bệnh cũng có thể gặp một số tác dụng phụ giống như điều trị hóa chất, vì thế trước điều trị người bệnh nên chuẩn bị cho mình chế độ dinh dưỡng thật tốt, nâng cao thể trạng để khi bước vào điều trị sẽ đỡ mệt mỏi hơn.
3. Làm sao để phòng ngừa bệnh ung thư ruột?
Để phòng ngừa ung thư ruột, hãy thực hiện các biện pháp dưới đây:
Chế độ ăn uống khoa học
Hạn chế ăn các loại thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn hay các thức ăn chế biến dưới dạng nướng, chiên, xào nhiều dầu mỡ. Tăng cường bổ sung các loại rau xanh, củ quả nhiều chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Uống đủ nước mỗi ngày và hạn chế các đồ uống có chất kích thích như bia, rượu, cafe. Thuốc lá bạn cũng nên tránh tuyệt đối.
Tập thể thao
Tập luyện, duy trì hoạt động thể dục thể thao thường xuyên nâng cao sức đề kháng, nâng cao thể trạng giúp phòng ngừa nhiều bệnh lý khác và phòng ngừa bệnh ung thư đường ruột nói riêng.
Khám sức khỏe định kỳ
Thay vì để đến khi xuất hiện những triệu chứng bất thường mới đi khám, bạn nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên định kỳ 6 tháng/ lần. Khi phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và có cách điều trị bệnh ung thư ruột phù hợp thì tỷ lệ điều trị khỏi và điều trị ổn định sẽ cao hơn rất nhiều so với việc phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn.