Viêm phế quản ở trẻ em: Điều trị và chăm sóc sao cho đúng cách

Viêm phế quản ở trẻ em là bệnh về đường hô hấp với nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, đúng cách. Cha mẹ nên tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này qua những thông tin được Genk STF chia sẻ dưới đây. Từ đó, phát hiện sớm bệnh và biết cách điều trị, chăm sóc viêm phế quản ở trẻ em đúng cách nhằm đạt hiệu quả cao, ngăn ngừa bệnh tái phát.

1. Viêm phế quản trẻ em là gì?

Viêm phế quản trẻ em là tình trạng đường thở phế quản của bé bị nhiễm trùng. Đây là tình trạng các đường dẫn khí lớn vào phổi chứa đầy dịch, bị viêm nhiễm, khiến đường thở bị bít tắc. Vì thế, làm cho trẻ bị ho nhiều, khó thở.

Ở bất kỳ độ tuổi nào, trẻ đều có thể mắc bệnh nhưng phổ biến hơn cả là dưới 1 tuổi. Trẻ càng nhỏ bị viêm phế quản sẽ càng nguy hiểm hơn ở trẻ lớn. Bởi hệ miễn dịch của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện, sức đề kháng còn yếu nên khi mắc bệnh càng dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Viêm phế quản ở trẻ em là căn bệnh về đường hô hấp

Viêm phế quản ở trẻ em được chia làm 2 thể là cấp tính và mạn tính. Cụ thể như sau:

  • Viêm cấp tính là giai đoạn đầu của bệnh nên nếu điều trị sớm chỉ sau khoảng 10 – 15 ngày bé sẽ hồi phục. 
  • Viêm mạn tính là giai đoạn sau của bệnh. Khi viêm phế quản cấp tính không được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ làm bệnh tiến triển nặng hơn, chuyển sang viêm mạn tính. Ở giai đoạn này, việc điều trị khó khăn và sẽ kéo dài hơn. Bệnh thường dai dẳng từ vài tháng cho đến cả năm, thậm chí là nhiều năm, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ.

2. Trẻ nào dễ bị viêm phế quản?

Viêm phế quản có thể xảy ra ở bất cứ trẻ nào, ở mọi lứa tuổi khác. Tuy nhiên, những trẻ dưới đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn các trẻ khác:

  • Trẻ còn nhỏ, dưới 1 tuổi.
  • Trẻ sinh thiếu tháng, suy dinh dưỡng, còi xương.
  • Trong gia đình trẻ có người thân cận huyết thống như bố mẹ, anh chị em ruột, ông bà từng mắc bệnh về đường hô hấp hoặc bệnh gây suy giảm miễn dịch.
  • Cơ thể trẻ đang bị tấn công bởi một loại vi khuẩn khác như cúm, ho gà, sởi…
  • Trẻ thừa cân, béo phì.
  • Trẻ thường xuyên sống trong môi trường có tác nhân gây kích thích, dị ứng đường hô hấp như lông động vật, khói thuốc lá, bụi bẩn, phấn hoa…
  • Môi trường sống của trẻ ẩm ướt, có nhiều nấm mốc, bị ô nhiễm…

3. Trẻ em viêm phế quản do đâu?

Viêm phế quản ở trẻ em thường do các nguyên nhân dưới đây:

Virus

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất ở giai đoạn viêm phế quản cấp tính. Những loại virus chính gây ra bệnh là virus cúm (influenza), virus Adenovirus, RSV (virus hợp bào hô hấp)…

Virus này có thể lây nhiễm sang trẻ từ trong không khí, bề mặt đồ chơi, sàn nhà hay những bề mặt khác khi trẻ tiếp xúc.

Vi khuẩn

Nguyên nhân này chủ yếu ở giai đoạn 2, tức viêm phế quản mạn tính. Ở giai đoạn cấp tính, vi khuẩn cũng là tác nhân gây bệnh nhưng ít hơn nhiều so với nguyên nhân là virus. Những loại vi khuẩn phổ biến gây bệnh là phế cầu khuẩn, liên cầu, tụ cầu khuẩn, H. influenzae type b…

Vi khuẩn là một trong những nguyên nhân gây viêm phế quản ở trẻ

Những loại vi khuẩn gây bệnh kể trên thường xuất hiện ở mũi – họng. Chúng sẽ nhân cơ hội sức đề kháng của trẻ bị suy giảm mà phát triển mạnh mẽ, nhân lên một cách nhanh chóng. Từ đó, tăng độc tính và xâm nhập vào phế quản để gây bệnh.

Thời tiết, yếu tố môi trường

Thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến cơ thể trẻ chưa kịp thích ứng. Vì thế, dễ tạo điều kiện để vi khuẩn, virus xâm nhập và tấn công gây bệnh. 

Trong khi đó, yếu tố môi trường như khói thuốc lá, bụi bẩn, môi trường ô nhiễm… cũng sẽ khiến hệ hô hấp của trẻ bị ảnh hưởng. Hậu quả là gây bệnh viêm phế quản ở trẻ em.

4. Viêm phế quản trẻ em triệu chứng như thế nào?

Nhận biết triệu chứng viêm phế quản ở trẻ em sẽ giúp cha mẹ sớm đưa trẻ đi thăm khám và có hướng điều trị kịp thời. Triệu chứng của bệnh được chia thành 2 giai đoạn điển hình như sau:

Giai đoạn khởi phát

Giai đoạn khởi phát với tác nhân gây bệnh chủ yếu là do virus. Lúc này, triệu chứng của bệnh ở trẻ như sau:

  • Trẻ bị chảy nước mũi, ngạt mũi, khó thở nhẹ.
  • Cơ thể trẻ mệt mỏi, quấy khóc, biếng ăn, kém chơi.
  • Trẻ bị hắt hơi.
  • Trẻ bị ho, có thể là ho khan hoặc ho có đờm.
  • Trẻ bị rối loạn tiêu hóa với biểu hiện là tiêu chảy, nôn trớ.
  • Sốt nhẹ với đặc điểm là sốt từng cơn. Khi sử dụng thuốc hạ sốt cũng ít đáp ứng hơn.

Những triệu chứng kể trên tương tự với nhiều căn bệnh như viêm xoang, cảm lạnh, cúm, viêm long đường hô hấp trên. Do đó, cha mẹ thường khó nhận biết đúng bệnh nên nếu tự điều trị tại nhà thường không khỏi và làm bệnh ngày càng tiến triển nặng hơn.

Giai đoạn toàn phát

Sau khi các triệu chứng khởi phát xuất hiện thì sang đến ngày từ ba, nếu trẻ không được phát hiện và điều trị đúng cách thì sẽ chuyển sang giai đoạn toàn phát. Lúc này, virus đã lan tới cuống phổi khiến lượng dịch nhầy trong phổi tăng lên, sưng đỏ ở khí quản. Vì thế, các triệu chứng đã rõ ràng và rầm rộ hơn ở giai đoạn đầu, cụ thể như sau:

  • Ho nhiều hơn, thường ho thành cơn.
  • Trẻ bị sốt cao, từ 38 độ – 40 độ C.
  • Tình trạng khó thở nặng hơn, thở khò khè.
  • Các cơn ho kéo dài khiến trẻ bị đau rát cổ họng.
  • Lượng đờm khi ho nhiều hơn, đờm có màu xanh hoặc vàng và là đờm cục.
  • Trẻ bị đau tức ngực, cơ thể mệt mỏi, uể oải.
  • Tình trạng chán ăn gia tăng, nôn ói.
  • Bệnh có thể làm trẻ bị phát ban, đỏ mắt, sưng hạch bạch huyết.
Ho là triệu chứng điển hình viêm phế quản ở trẻ giai đoạn toàn phát

Vào ban đêm, những triệu chứng viêm phế quản ở trẻ thường có xu hướng nghiêm trọng hơn. Đối với trẻ sơ sinh, màu sắc của đờm khó nhận biết vì trẻ thường nuốt đờm vào trong. Đặc biệt, khi bị bệnh ở trẻ càng nhỏ, các triệu chứng diễn ra càng nhanh và cũng dễ gây biến chứng hơn.

5. Viêm phế quản ở trẻ em khi nào cần đến bệnh viện?

Khi trẻ có những triệu chứng dưới đây, cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ điều trị kịp thời:

Khó thở, tím tái

Tình trạng khó thở nghiêm trọng với đặc điểm là thở rít. Đầu chi, da môi và lưỡi tím tái.

Sốt cao

Tình trạng sốt cao luôn ở mức trên hoặc bằng 39 độ C, trẻ sốt li bì, không đáp ứng thuốc hạ sốt. Nguy hiểm hơn là trẻ sốt cao dẫn đến co giật.

Thở nhanh

Nếu trẻ thở nhanh hơn bình thường thì cha mẹ cần sớm đưa trẻ đến bệnh viện. Để đánh giá trẻ có thở nhanh hay không, cha mẹ cần đếm nhịp thờ của trẻ trong vòng 1 phút khi trẻ ngủ hoặc nằm yên. Tuy nhiên, để có kết quả chính xác, cha mẹ nên đếm 2 – 3 lần. Tùy từng độ tuổi mà việc đánh giá thở nhanh ở trẻ sẽ khác nhau. Cụ thể như sau:

  • Trẻ thở nhanh khi nhịp thở là 50 lần/phút đối với trẻ trên 2 tháng tuổi.
  • Đối với trẻ trên 1 tuổi nhịp thở là 40 lần/phút.
  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi thở nhanh khi nhịp thở từ 60 lần/phút.

Mức độ bệnh càng nghiêm trọng và càng nguy hiểm nếu nhịp thở của trẻ càng nhanh. Kèm theo thở nhanh, khó thở là biểu hiện chân tay lạnh, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực.

Bỏ bú, ho nhiều, li bì

Trẻ ho nhiều, các cơn ho kéo dài không ngừng gây đỏ bừng mặt. Đối với trẻ nhỏ hơn ngoài ho còn kèm theo bỏ bú.

6. Viêm phế quản ở trẻ em bao lâu thì khỏi? Nguy hiểm như thế nào?

Trẻ em bị viêm phế quản nếu được phát hiện sớm ngay từ giai đoạn cấp tính và điều trị tích cực, chăm sóc tốt thì chỉ sau khoảng 1 – 2 tuần là sẽ khỏi.

Thế nhưng, nếu viêm phế quản không được phát hiện sớm hoặc điều trị sai cách khiến bệnh diễn biến nặng hơn. Lúc này ổ nhiễm khuẩn từ phế quản sẽ lan xuống phổi nên việc điều trị khó khăn và kéo dài hơn. Các triệu chứng của bệnh có thể dai dẳng nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Không chỉ vậy, những biến chứng mà bệnh gây ra cũng rất nguy hiểm, đó là:

  • Hen phế quản: Đây là biến chứng của viêm phế quản trẻ em, gây ra tình trạng bít tắc phế quản, khiến trẻ bị ho nhiều, khó thở, thở khò khè.
  • Viêm phổi: Đây là bệnh lý nguy hiểm ở trẻ nhỏ và gây tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.
  • Suy hô hấp: Biến chứng này cũng có thể gây tử vong nếu trẻ không được can thiệp kịp thời.
Viêm phế quản ở trẻ có thể gây biến chứng suy hô hấp

7. Điều trị viêm phế quản trẻ em như thế nào?

Bác sĩ sẽ căn cứ vào độ tuổi, mức độ và nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản ở trẻ em để có hướng điều trị phù hợp. Nguyên tắc điều trị là giúp đường thở được làm sạch, các triệu chứng được cải thiện để trẻ thở dễ dàng hơn. Kháng sinh sẽ được sử dụng nếu nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn.

Điều trị không cần dùng thuốc

Ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu của bệnh ở giai đoạn đầu, cha mẹ hãy điều trị tích cực bằng các biện pháp sau mà không cần dùng đến thuốc:

  • Cần giữ ấm cơ thể cho trẻ, đặc biệt chú ý lòng bàn chân và vùng cổ, ngực.
  • Tăng cường lượng nước ấm để cho trẻ uống. Nếu trẻ đang bú mẹ thì hãy tăng lượng sữa cho trẻ bú.
  • Nếu trẻ sốt cao trên 38 độ – dưới 38,5 độ, hãy thực hiện hạ sốt bằng cách chườm ấm đúng cách.
  • Để giúp trẻ dễ thở hơn, hãy sử dụng máy tạo ẩm hoặc xông hơi trong phòng ngủ nhằm điều chỉnh độ ẩm phù hợp.
  • Nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ nhằm mục đích vệ sinh mũi.
  • Để trẻ dễ thở hơn khi nằm chơi hoặc ngủ, cha mẹ hãy kê đầu trẻ cao hơn bình thường một chút.
  • Trẻ trên 1 tuổi, để giảm ho và làm dịu cổ họng, cha mẹ có thể cho trẻ uống trực tiếp mật ong hoặc pha mật ong với nước ấm. Tuyệt đối không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi vì có thể gây ngộ độc.

Điều trị viêm phế quản ở trẻ em bằng thuốc

Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc điều trị bệnh khi trẻ sốt cao, khó thở, ho nhiều. Tùy từng triệu chứng mà bác sĩ sẽ sử dụng loại thuốc phù hợp. Cụ thể như sau:

  • Thuốc hạ sốt

Loại thuốc hạ sốt phổ biến và được đánh giá an toàn là paracetamol, liều lượng sử dụng là 10 -15mg/kg cân nặng. Ibuprofen có thể được chỉ định dành cho trẻ lớn. Không sử dụng Aspirin để hạ sốt khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ vì có thể gây nguy hiểm đối với trẻ.

  • Thuốc giãn phế quản

Trường hợp phế quản trẻ bị bít tắc hoặc co thắt, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng Salbutamol hoặc Theophylin dạng khí dung hoặc phun hít.

  • Thuốc giảm ho

Thuốc giảm ho không được bác sĩ khuyến cáo sử dụng cho trẻ vì sẽ ảnh hưởng đến việc làm long, tan đờm. Chỉ những trường hợp trẻ ho nhiều, ho không ngừng, đỏ bừng mặt, ảnh hưởng đến sức khỏe và giấc ngủ mới được bác sĩ cân nhắc dùng thuốc giảm ho. Loại thuốc được chỉ định thường là dextromethorphan dạng siro hoặc thuốc ho dạng thảo dược.

  • Thuốc long đờm

Trường hợp trẻ có quá nhiều đờm, đờm đặc không khạc ra được thì bác sĩ mới chỉ định dùng thuốc long đờm. Các loại thuốc thường dùng là ambroxol, eprazinone, carbocysteine, bromhexin, acetylcysteine, methylcysteine,… Tuy nhiên, trẻ dưới 2 tuổi không dùng nhóm thuốc này.

Để làm long đờm, bác sĩ khuyên cha mẹ nên cho trẻ uống thật nhiều nước. Việc uống nhiều nước là giải pháp làm long đờm được đánh giá tốt thay vì phải dùng đến thuốc long đờm.

  • Thuốc chống dị ứng

Để giảm ho và giảm kích ứng họng, bác sĩ có thể sẽ cân nhắc cho trẻ dùng thuốc chống dị ứng như diphenhydramin, clorpheniramin, alimemazin… Tuy nhiên, thuốc có thể gây tác dụng phụ là táo bón, chán ăn, khô miệng ở trẻ.

  • Thuốc kháng sinh

Tùy chủng vi khuẩn gặp phải và độ tuổi mà bác sĩ sẽ cân nhắc dùng loại thuốc kháng sinh phù hợp. Thông thường sẽ là nhóm Beta Lactam, Cephalosporin hoặc các Macrolid.

  • Thuốc co mạch, chống sung huyết mũi, nghẹt mũi: Loại thuốc chủ yếu là Pseudoephedrine…
  • Thuốc kháng virus: Loại thuốc này chỉ được chỉ định khi thực sự cần thiết và không được khuyến cáo sử dụng rộng rãi.
Sử dụng thuốc tây điều trị viêm phế quản cho trẻ cần theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ

Lưu ý: Thuốc Tây mặc dù cho hiệu quả nhanh nhưng tác dụng phụ cũng rất nhiều nếu dùng quá liều hoặc dùng lâu dài. Do đó, cha mẹ cần tuân thủ đúng liệu trình dùng thuốc mà bác sĩ đã chỉ định.

8. Trẻ bị viêm phế quản nên chăm sóc thế nào?

Chăm sóc trẻ bị viêm phế quản đúng cách sẽ hỗ trợ điều trị bệnh theo hướng tích cực và cải thiện đáng kể các triệu chứng của bệnh. 

Nguyên tắc chăm sóc trẻ bị viêm phế quản

  • Lựa chọn chế biến các món ăn ở dạng lỏng, dễ tiêu để tăng khả năng hấp thụ của cơ thể.
  • Cho trẻ ăn lượng vừa phải bằng cách chia nhỏ thành nhiều bữa. Ăn ít nhưng đảm bảo đủ dinh dưỡng sẽ giúp trẻ cảm thấy ngon miệng, hấp thu tốt hơn. Tuyệt đối không nên ép trẻ ăn quá nhiều.
  • Trẻ cần được nghỉ ngơi nhiều hơn để sớm hồi phục sức khỏe.
  • Chú ý cho trẻ uống nhiều nước nếu sốt nhẹ. Đồng thời, lựa chọn các trang phục thấm hút mồ hôi tốt và thoáng mát để mặc cho trẻ.
  • Trường hợp trẻ bị sốt cao, tiêu chảy… cần bổ sung điện giải và oresol, tránh để trẻ bị mất nước, gây suy nhược, mệt mỏi.
  • Nếu trẻ nhỏ còn bú mẹ thì nên cho trẻ bú nhiều hơn nhưng chia thành nhiều cữ bú để tránh nôn trớ.
  • Tăng cường bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cho trẻ.

Những thực phẩm trẻ nên ăn

  • Rau xanh, trái cây tươi giàu vitamin, khoáng chất rất cần thiết để nâng cao hệ miễn dịch cho trẻ. Vì thế, cha mẹ nên tích cực bổ sung cho trẻ nhóm thực phẩm này.
  • Tôm, cá, cua là những thực phẩm giàu dưỡng chất tốt cho sức đề kháng, hệ miễn dịch ở trẻ. Tuy nhiên, những trẻ bị dị ứng hải sản thì cha mẹ nên thận trọng khi sử dụng.
  • Tăng cường bổ sung axit omega 3 và kẽm cho trẻ từ các loại thực phẩm như cá hồi, cá sa…

Những thực phẩm trẻ nên tránh

  • Trẻ cần hạn chế các loại nước ngọt có gas, nước ngọt đóng chai.
  • Các thực phẩm nhiều dầu mỡ, muối, đường tinh luyện không tốt cho trẻ bị viêm phế quản nên cần hạn chế sử dụng.
  • Trẻ cần hạn chế các thực phẩm khó tiêu hóa, ít dinh dưỡng, nhiều chất xơ…

9. Phòng ngừa viêm phế quản ở trẻ em

Cha mẹ nên áp dụng những biện pháp sau đây để phòng ngừa viêm phế quản ở trẻ em được hiệu quả:

  • Cần giữ ấm cho trẻ, nhất là vào thời điểm giao mùa, mùa mưa, mùa lạnh.
  • Lau chùi, dọn dẹp nhà cửa thường xuyên. Chú ý giặt và thay chăn, ga, gối, đệm, rèm cửa thường xuyên,… để đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thoáng đãng.
  • Bảo vệ trẻ tránh xa những tác nhân gây dị ứng, gây hại cho hệ hô hấp là mạt bụi, phấn hoa, lông động vật, hóa chất, nấm mốc…
  • Tiêm phòng vắc xin cho trẻ đầy đủ các mũi theo quy định. 
  • Đeo khẩu trang cho trẻ mỗi khi ra ngoài. Không cho trẻ đến nơi đông người như trường học, bệnh viện… nếu không thực sự cần thiết.
  • Khuyến khích trẻ vận động, luyện tập thể dục mỗi ngày để tăng sức đề kháng, nâng cao sức khỏe, cải thiện hệ miễn dịch.
  • Không cho trẻ đến gần những người đang mắc bệnh đường hô hấp.

Kết luận

Nội dung bài viết trên đây đã giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về viêm phế quản ở trẻ em để sớm nhận biết bệnh và có hướng điều trị phù hợp. Genk STF hy vọng các bậc phụ huynh sẽ chăm sóc, bảo vệ con em của mình thật tốt để luôn tránh xa được căn bệnh này.

XEM VIDEO: “VTV2 – HTCB SỐ 6: LỜI NHẮN NHỦ CỦA BÁC SỸ TRONG GIA ĐÌNH CÓ CẢ HAI BỐ MẸ UNG THƯ”

https://www.youtube.com/watch?v=lmC9SzvlnjE