Viêm phế quản dạng hen: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm phế quản dạng hen là bệnh lý gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống. Việc nắm rõ các thông tin về viêm phế quản dạng hen sẽ giúp mọi người phát hiện sớm, điều trị hiệu quả và phòng ngừa tốt hơn. Do đó, hãy cùng Genk STF tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này qua bài viết dưới đây.

Xem thêm:

1. Viêm phế quản hen là gì?

Viêm phế quản dạng hen còn có tên gọi khác là viêm phế quản co thắt. Đây là tình trạng viêm và co thắt cơ phế quản, làm lòng phế quản tạm thời bị thu hẹp. Lượng dịch nhầy do tuyến phế quản bị viêm tiết ra cũng nhiều hơn, khiến đường không khí lưu thông đến phổi bị cản trở. Vì thế, người bệnh sẽ bị khó thở, ho, có đờm, thở khò khè…

Hình ảnh viêm phế quản dạng hen

Viêm phế quản hen xảy ra ở mọi đối tượng, Thế nhưng, phổ biến nhất vẫn là người già và trẻ nhỏ. Những người bị hen suyễn sẽ có nguy cơ cao mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể xuất hiện ở cả những đối tượng không bị hen suyễn.

2. Nguyên nhân gây viêm phế quản thể hen

Viêm phế quản dạng hen có nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Phổ biến nhất là những tác nhân dưới đây:

  • Sống và làm việc lâu dài trong môi trường bị ô nhiễm.
  • Thường xuyên hít khói thuốc lá.
  • Tiếp xúc với hóa chất thường xuyên và trong thời gian dài.
  • Tiếp xúc với những chất dễ gây phản ứng dị ứng như phấn hoa, lông thú, bụi bẩn, nấm mốc, các loại phụ gia thực phẩm.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc như aspirin, thuốc chẹn beta.
  • Sự thay đổi đột ngột của thời tiết, nhất là vào thời điểm giao mùa, khi trời trở lạnh.
  • Cơ thể bị tấn công bởi virus hoặc nhiễm vi khuẩn.
  • Xúc động mạnh như cười lớn hay giận dữ.

3. Triệu chứng viêm phế quản dạng hen

Viêm phế quản thể hen có các triệu chứng điển hình như sau:

  • Người bệnh sẽ bị khó thở, thở khò khè.
  • Ho: Đây là triệu chứng phổ biến của bệnh viêm phế quản dạng hen. Tình trạng ho và ho đờm sẽ tăng dần.

 

Viêm phế quản gây ho, khó thở
  • Người bệnh gặp phải hiện tượng đau thắt ngực.
  • Cổ họng có dịch nhầy.
  • Trong vài ngày đầu mắc bệnh sẽ xuất hiện một số dấu hiệu cảm như sổ mũi, sốt nhẹ.
  • Sau khi ăn có cảm giác buồn nôn.

4. Viêm phế quản và hen phế quản có gì khác nhau?

Nhiều người hiện nay thường bị nhầm lẫn giữa viêm phế quản và hen phế quản. Đây đều là bệnh lý về đường hô hấp nhưng là 2 bệnh lý khác nhau. Sự khác nhau của 2 căn bệnh này thể hiện qua những khía cạnh sau:

Nguyên nhân gây bệnh

Viêm phế quản

Viêm phế quản cấp tính có nguyên nhân chủ yếu là do virus, nấm hoặc vi khuẩn gây ra. Đây là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.

 

Viêm phế quản cấp có thể chuyển sang mãn tính nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời

Trong khi đó, viêm phế quản mãn tính là mức độ bệnh nặng và nghiêm trọng hơn của viêm phế quản cấp tính. Nguyên nhân gây bệnh là do người bệnh tiếp xúc lâu dài với khói bụi, ô nhiễm môi trường, lông động vật…

Hen phế quản

Hen phế quản cũng là bệnh lý về đường hô hấp. Thế nhưng, nguyên nhân chủ yếu là do cơ địa của bản thân hoặc di truyền từ gia đình.

Diễn biến bệnh

Viêm phế quản cấp tính nếu được điều trị đúng cách và kịp thời thì sau khoảng 7 – 10 ngày các triệu chứng sẽ được cải thiện. Còn nếu để bệnh kéo dài sẽ chuyển sang thể mãn tính sẽ khó điều trị dứt điểm. Ở thể mãn tính, bệnh có thể kéo dài 3 – 20 năm, mỗi năm sẽ tái phát nhiều lần.

Trong khi đó, hen phế quản là bệnh mãn tính. Do đó, người bệnh sẽ phải sống chung với căn bệnh này suốt đời vì đến nay chưa có thuốc đặc trị.

Đối tượng mắc bệnh

Viêm phế quản có thể xảy ra ở mọi đối tượng, không phân biệt giới tính, độ tuổi. Tuy nhiên, phổ biến vẫn là người già, trẻ nhỏ, người có sức đề kháng kém.

Trong khi đó, những người có cơ địa dễ dị ứng với tác nhân gây ra các cơn hen thường bị hen phế quản. Hoặc gia đình có người thân cận huyết thống như bố mẹ, anh chị em ruột bị hen phế quản bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

5. Viêm phế quản dạng hen có nguy hiểm không?

Viêm phế quản dạng hen cần được phát hiện sớm và điều trị tích cực để giảm nhẹ triệu chứng, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, Bởi mức độ nguy hiểm của bệnh sẽ tăng lên nếu không được điều trị ngay từ giai đoạn đầu. Khi đó, các biến chứng mà viêm phế quản hen gây ra là rất đáng lo ngại, bao gồm:

  • Suy hô hấp: Suy hô hấp là biến chứng phổ biến do viêm phế quản dạng hẹn gây ra. Biến chứng này có thể gây đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời.
  • Viêm phổi: Phổi và phế quản là 2 bộ phận liền kề. Nếu viêm phế quản không được điều trị sớm thì tình trạng viêm nhiễm sẽ dễ dàng lây lan sang phổi và gây ra viêm phổi. Viêm phổi là căn bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị tích cực.
  • Viêm tai giữa: Biến chứng này thường gặp ở trẻ em. Viêm tai giữa nếu không điều trị sớm sẽ ảnh hưởng đến thính lực cũng như sự phát triển của trẻ.

6. Viêm phế quản dạng hen có lây không

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà viêm phế quản dạng hen có lây hay không. Theo đó, nếu bệnh gây ra bởi virus, vi khuẩn, nhất là virus thì sẽ có khả năng lây lan từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Con đường lây truyền qua các giọt bắn chứa virus gây bệnh bằng việc người bệnh hắt hơi, ho. Ngoài ra, nếu người khỏe mạnh dùng chung đồ dùng, vật dụng cá nhân với người bệnh như bàn chải, thau chậu, bát đĩa, cốc chén, khăn mặt… thì nguy cơ lây nhiễm bệnh cũng rất cao.

 

Viêm phế quản dạng hen do virus gây bệnh có khả năng lây lan từ người sang người

Thế nhưng, nếu viêm phế quản dạng hen chuyển sang thể mãn tính thì sẽ không có khả năng lây lan. Bởi lúc này, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do phế quản bị kích thích trong thời gian dài chứ không phải do virus, vi khuẩn.

7. Chẩn đoán viêm phế quản bằng cách nào?

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng cùng lịch sử y tế, tiền sử bệnh tật của người mắc. Ngoài ra, để đưa ra kết luận chính xác, bác sĩ có thể thực hiện làm một số xét nghiệm sau:

  • Đo phế dung

Bác sĩ sẽ dùng phế dung kế để làm xét nghiệm này nhằm đánh giá được chức năng phổi khi bạn thở ra, hít vào.

  • Kiểm tra lưu lượng thở ra

Bác sĩ sẽ sử dụng máy đo lưu lượng thở cực đại để đo lường được lực của không khí khi thở ra của người bệnh.

  • Chụp X-quang ngực

Hình ảnh chụp trên phim sẽ giúp bác sĩ đánh giá vị trí, mức độ viêm tại phế quản, phổi hoặc tìm kiếm xem có dấu hiệu bệnh lý khác khiến người bệnh khó thở và ho.

Ngoài các xét nghiệm phổ biến trên, trong trường hợp nghi ngờ bệnh lý về phổi, bác sĩ sẽ tiến hành chỉ định thêm xét nghiệm chức năng phổi.

8. Viêm phế quản dạng hen điều trị như thế nào?

Bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ bệnh, triệu chứng để đưa ra phương án điều trị viêm phế quản hen phù hợp.

Điều trị y tế

Đối với điều trị y tế, những biện pháp phổ biến được chỉ định bao gồm:

  • Thuốc Steroid: Loại thuốc này có tác dụng giảm ho, giảm viêm và đảm bảo sự lưu thông không khí tốt hơn. Tùy từng đối tượng và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc ở dạng hít, đường uống hay tiêm tĩnh mạch.
  • Thuốc giãn phế quản: Tác dụng của loại thuốc này sẽ làm các cơ xung quanh đường hô hấp giãn hơn, giúp người bệnh dễ dàng hơn trong việc thở. Thuốc có tác dụng nhanh nhưng không duy trì hiệu quả được lâu dài.
  • Thuốc ho dạng siro: Loại thuốc siro này thường được dùng cho trẻ em vì dễ uống và khá an toàn vì thành phần chủ yếu là thảo dược. Thành phần của thuốc có tác dụng làm giảm chất nhầy và hỗ trợ trẻ đẩy chất nhầy từ cổ họng ra bên ngoài dễ dàng hơn.

 

Thuốc ho dạng siro thường dùng cho trẻ em bị viêm phế quản dạng hen
  • Liệu pháp oxy: Khi lượng oxy lưu thông quá thấp hoặc người bệnh khó thở thì liệu pháp oxy sẽ được chỉ định. Nhờ đó, người bệnh sẽ dễ thở hơn và mức oxy sẽ được phục hồi về trạng thái bình thường.
  • Liệu pháp phục hồi chức năng phổi: Những người bị viêm phế quản dạng hen mãn tính sẽ được áp dụng liệu pháp này.

Các biện pháp hỗ trợ

Ngoài tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh cũng nên áp dụng những biện pháp hỗ trợ sau để sớm đẩy lùi triệu chứng, phục hồi cơ thể tốt hơn:

  • Uống nhiều nước ấm để làm loãng chất nhầy và giữ ẩm cho phế quản.
  • Để giảm viêm, hạn chế đau họng và dễ thở hơn, hãy súc miệng bằng nước muối ấm pha loãng.
  • Phần cổ họng, ngực và lòng bàn chân cần chú ý giữ ấm.
  • Nếu bị ho nhiều, gây mất ngủ, người bệnh có thể sử dụng thuốc ho không kê đơn.
  • Để làm ẩm không khí, hãy sử dụng máy tạo độ ẩm. Với cách này sẽ giúp chất nhầy được làm loãng và cơ thể đẩy chất nhầy ra ngoài dễ dàng hơn.

9. Phòng ngừa viêm phế quản thể hen bằng cách nào?

Phòng ngừa viêm phế quản thể hen bằng những biện pháp sau sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh rất tốt, đó là:

  • Tránh tiếp xúc với những chất kích thích đến hệ hô hấp như khói bụi, ô nhiễm không khí, hóa chất…
  • Mỗi khi ra ngoài, đến nơi công cộng và tiếp xúc với môi trường ô nhiễm hãy đeo khẩu trang cẩn thận, đúng cách.
  • Thường xuyên hút bụi, vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, virus gây bệnh.
  • Không cho vật nuôi vào phòng ngủ và trong nhà.
  • Thường xuyên giặt chăn ga, gối đệm và phơi trực tiếp dưới ánh nắng để loại bỏ nấm mốc, bụi bẩn.
  • Nói không với hút thuốc và tránh xa những người hút thuốc lá.
  • Thường xuyên sát khuẩn, rửa tay bằng xà phòng để loại bỏ tác nhân gây bệnh và ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học với đầy đủ chất thiết yếu. Hạn chế các chất không tốt cho sức khỏe là đồ cay nóng, thức ăn nhiều dầu mỡ, chất kích thích, bia rượu, thực phẩm đông lạnh…
  • Tập thể dục mỗi ngày bằng các bài tập phù hợp để nâng cao hệ miễn dịch và sức đề kháng.

Viêm phế quản dạng hen là bệnh lý về đường hô hấp cần được điều trị sớm nhằm đạt hiệu quả cao. Do đó, khi thấy dấu hiệu của bệnh, bạn nên sớm đi thăm khám chuyên khoa để được bác sĩ đưa ra phương án xử lý phù hợp. Mặt khác, hãy bảo vệ bản thân và gia đình bằng những biện pháp thiết thực để phòng ngừa căn bệnh này.

XEM VIDEO: Bí quyết chiến thắng ung thư phổi di căn