Vi khuẩn HP – Nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày không thể bỏ qua
Theo thống kê ước tính có khoảng 50% dân số trên thế giới bị nhiễm HP, chủ yếu ở các nước đang phát triển với tần suất nhiễm rất cao từ 50 – 90% ở lứa tuổi >20 và hầu hết trẻ em bị nhiễm ở độ tuổi từ 2 – 8 tuổi. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP chiếm đến 70% các ca viêm dạ dày và chiếm đến 90% các trường hợp gây ung thư dạ dày.
Nội dung bài viết
Vi khuẩn HP là gì ?
Vi khuẩn HP tên đầy đủ Helicobacter pylori hay H. pylori đây là một loại vi khuẩn sống trong môi trường thiếu oxy. Loại vi khuẩn này sống và phát triển ở lớp nhầy niêm mạc dạ dày. Khi cơ thể bị vi khuẩn HP xâm nhập sẽ phá hủy lớp niêm mạc gây tổn thương viêm loét dạ dày gây nên một số bệnh như: viêm loét dạ dày tá tràng, hẹp môn vị, trào ngược dạ dày thực quản, xuất huyết dạ dày, trường hợp nặng làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày.
Vi khuẩn HP với ung thư dạ dày
Vi khuẩn HP khi hoạt động trong cơ thể sẽ tiết ra một lượng lớn enzyme là Urease, lớn hơn nhiều so với bất kỳ một loại vi khuẩn nào khác trong cơ thể, nhằm trung hòa độ acid trong dạ dày và thường phát triển tốt ở nhiệt độ 30 – 400C, chịu được môi trường pH từ 5 – 8,5.
HP lây nhiễm qua đường miệng – miệng: do quá trình tiếp xúc qua nước bọt, dùng chung đồ dùng sinh hoạt giữa người bệnh với người khỏe, tỷ lệ người lây nhiễm giữa người thân trong gia đình và từ vợ sang chồng hoặc ngược lại khi bị nhiễm vi khuẩn HP thường rất cao.
HP lây nhiễm qua đường phân – miệng: Khi vi khuẩn HP của người bệnh đào thải ra môi trường bên ngoài, chúng có thể biến đổi cấu trúc để tồn tại được lâu hơn trong không khí, đất, nước hoặc vi khuẩn lây nhiễm qua các đường trung gian khác như côn trùng tiếp xúc với phân của người bệnh sau đó bám vào thức ăn.
HP lây nhiễm qua đường dạ dày – dạ dày: Khi người bệnh bị nhiễm vi khuẩn HP tiến hành nội soi ở các cơ sở y tế, nếu trường hợp không tiệt khuẩn các dụng cụ y tế như đầu dò, vi khuẩn HP sẽ lây nhiễm sang người lành rất cao.
Phòng ngừa và điều trị khuẩn HP
Theo nghiên cứu của Bệnh viện K Trung ương, có 200 loại vi khuẩn HP khác nhau, tuy nhiên chỉ một số loại mang gen Vag A, Cag A có khả năng phát triển mạnh gây nguy cơ ung thư dạ dày. Do đó, khi người bệnh mắc vi khuẩn HP cần đến các cơ sở y tế, bệnh viện làm xét nghiệm vi khuẩn HP thuộc nhóm gen Vag A, Cag A hay không để có biện pháp điều trị kịp thời.
Hiện nay, trên thế giới các nhà khoa học vẫn chưa nghiên cứu được vắc-xin ngăn ngừa vi khuẩn HP nên cách phòng ngừa nhiễm vi khuẩn HP tốt nhất là mỗi người cần tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình bằng việc:
- Sử dụng các loại thực phẩm sạch, đảm bảo chất lượng và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
- Sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày và ăn uống bằng nguồn nước sạch không bị nhiễm bẩn.
- Thực hiện ăn chín, uống sôi, thường xuyên tiêu diệt các loại côn trùng gây mầm bệnh như chuột, ruồi, gián…
- Không nên ăn mặn, thức khuya, giảm stress, không sử dụng nhiều muối và ăn các loại khô, mắm, thịt cá xông khói, nướng cháy, rượu bia.
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, nhiều vitamin từ rau củ quả.
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, ngủ đủ giấc giúp niêm mạc dạ dày kịp thời phục hồi, sắp xếp các công việc khoa học hợp lý để duy trì sức khỏe, tăng sức đề kháng cho cơ thể .
HP là một loại vi khuẩn, do đó cần phải điều trị bằng cách kết hợp các loại thuốc kháng sinh, kèm theo đó là loại thuốc tiêu diệt vi khuẩn HP. Theo Giáo sư Nguyễn Khánh Trạch, Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam cho rằng: “Việc điều trị diệt HP khi bị viêm, loét dạ dày, tá tràng là rất cần thiết nhằm ngăn ngừa các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày và ung thư dạ dày. Do đó, nên phát hiện, điều trị sớm tình trạng nhiễm vi khuẩn HP. Nếu phát hiện sớm, tỷ lệ khỏi bệnh là 50%; không điều trị dứt điểm ngay từ đầu thì sẽ khó chữa khi tái phát bệnh làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày”. Chính vì vậy, mỗi người nên chủ động bảo vệ cơ thể để phòng tránh lây nhiễm vi khuẩn HP để từ đó có phương pháp điều trị hợp lý nhất.