Ung thư tim: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Ung thư xảy ra ở rất nhiều cơ quan và không còn xạ lạ với mọi người. Thế nhưng, ung thư tim là căn bệnh ít người biết đến bởi rất hiếm gặp. Nếu chưa hiểu rõ về căn bệnh ung thư này, các bạn hãy theo dõi nội dung bài viết dưới đây để trang bị cho mình những kiến thức hữu ích.
Nội dung bài viết
1. Ung thư tim là gì? Gồm mấy loại?
Ung thư tim là tình trạng các tế bào trong tim tăng sinh mất kiểm soát, dẫn đến hình thành các khối u ác tính. Bất cứ vị trí nào trong tim cũng có thể xuất hiện khối u như bên trong mô cơ, trên bề mặt ngoài, mặt trong hoặc nhiều buồng.
Tim bị ung thư là bệnh lý hiếm gặp và chỉ có 0,25% bệnh xuất phát từ chính khối u ở tim. Trong đó, các khối u ở tim là u lành tính chiếm đến 90%. Lý do là các tế bào cơ tim trong suốt quá trình tồn tại, phát triển hầu như không phân chia do chúng đã bị biệt hóa hoàn toàn. Vì thế, tỷ lệ hình thành khối u là rất thấp.
Ung thư tim hiện nay được phân chia thành 2 loại chính, đó là:
- Ung thư nguyên phát: Tế bào ung thư hình thành từ chính các khối u mà tế bào tim tạo ra. Loại ung thư này có tỷ lệ rất thấp.
- Ung thư thứ phát: Các tế bào ung thư từ cơ quan khác trong cơ thể di chuyển đến tim (ung thư từ cơ quan khác di căn đến tim). Thông thường sẽ là các bệnh ung thư di căn đến tim là ung thư phổi, ung thư vú, ung thư thận.
2. Nguyên nhân gây ung thư tim
Cho đến thời điểm hiện tại, chưa tìm ra chính xác nguyên nhân gây ung thư tim nguyên phát. Thế nhưng, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số yếu tố dưới đây làm tăng nguy cơ gây bệnh ung thư ở tim. Bao gồm:
- Yếu tố di truyền: Nếu gia đình từng có người bị ung thư tim và có mối quan hệ cận huyết như bố mẹ, ông bà, anh chị em ruột thì tỷ lệ bạn mắc bệnh sẽ cao hơn.
- Đột biến ADN: Những người mang gen đột biến ADN sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn những người không bị đột biến gen.
- Tổn thương hệ miễn dịch: Những người có hệ miễn dịch kém sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, trong đó có ung tim.
- Ăn uống không điều độ, lành mạnh: Việc dung nạp quá nhiều thức ăn dầu mỡ, đồ ăn nhanh, thịt hun khói, đồ nướng, thịt động vật, ăn mặn,… đều không tốt cho sức khỏe. Những thực phẩm này làm gia tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, trong đó có ung thư tim.
- Chế độ sinh hoạt không phù hợp: Tình trạng thức khuya, ngủ không đủ giấc, lười tập thể dục… sẽ khiến sức khỏe nhanh bị giảm sút. Đây là nguyên nhân làm cơ thể dễ mắc bệnh.
- Bức xạ các tia cực tím: Quá trình đột biến trong tế bào cũng tăng lên nếu như bạn đứng quá lâu dưới ánh nắng mặt trời.
3. Ung thư tim có triệu chứng gì?
Cũng như nhiều bệnh ung thư khác, ở giai đoạn sớm ung thư tim hầu như không có triệu chứng nào. Đến khi bệnh phát triển với các triệu chứng rõ ràng hơn nhưng vẫn hay bị nhầm lẫn với bệnh lý tim mạch.
3.1. Những triệu chứng thường gặp
Tim bị ung thư thường gây ra một số triệu chứng nổi bật khi bệnh tiến triển như:
- Đau tức ngực thường xuyên.
- Ho nhiều, thậm chí ho kèm theo bọt hoặc có đờm màu hồng.
- Người bệnh sốt, mệt mỏi mà không rõ nguyên nhân.
- Tình trạng khó thở, nhiều trường hợp khi nằm thì tình trạng khó thở sẽ tăng lên.
- Không rõ nguyên nhân tăng cân hoặc sút cân.
- Nhịp tim bị loạn và không ổn định.
- Bàn chân và mắt cá chân bị sưng.
- Đầu ngón tay có biểu hiện sưng và dày lên.
3.2. Những triệu chứng nặng nề
Người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được chăm sóc kịp thời khi xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng sau:
- Chuyển sang màu xanh tím ở đầu ngón tay hoặc móng tay.
- Ý thức và phản xạ có sự thay đổi như không điều khiển được bản thân, bị ngất.
- Người bệnh rơi vào ảo giác, mê sảng, chóng mặt, đau đầu…
- Người bệnh khó thở, nặng nhọc, thở nhanh.
- Tình trạng hồi hộp, tim đập nhanh, đau thắt ngực, đánh trống ngực…
- Một bộ phận của cơ thể hoặc toàn thân bị liệt.
- Vô niệu.
- Ho nhiều và ho kèm máu.
4. Những phương pháp chẩn đoán ung thư tim
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào những triệu chứng lâm sàng. Sau đó, kết hợp với thăm khám cận lâm sàng thông qua một số xét nghiệm sau để đưa ra kết luận chuẩn xác:
- Siêu âm tim, siêu âm điện tim: Phương pháp này sẽ giúp bác sĩ kiểm tra xem hoạt động của tim có gì bất thường hay không. Cùng với đó là xem xét cấu trúc tim, khối u và xung quanh van tim có bị viêm nhiễm gì không.
- Chụp CT và chụp MRI: Hai phương pháp này sẽ cung cấp hình ảnh khối u một cách chi tiết. Từ đó, bác sĩ sẽ xác định được cụ thể giai đoạn bệnh.
- Sinh thiết tế bào tim: Phương pháp này sẽ cho biết chính xác tế bào trong khối u là ác tính hay lành tính. Thế nhưng, sinh thiết chỉ được chỉ định khi thực sự cần thiết bởi phương pháp này có thể khiến mạch máu tim bị tắc, gây hậu quả nghiêm trọng.
- Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện một số phương pháp khác như xét nghiệm máu. Trường hợp cần thiết hỗ trợ phẫu thuật sẽ đặt ống thông tim hoặc đặt ống thông mạch vành để xác định các mạch máu cung cấp nuôi khối u.
5. Ung thư tim được điều trị như thế nào?
Căn cứ vào giai đoạn bệnh, kích thước, vị trí khối u và sức khỏe người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Thông thường, bác sĩ sẽ áp dụng những phương pháp là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Đồng thời có thể kết hợp thêm một số biện pháp hỗ trợ sau để gia tăng hiệu quả:
- Phẫu thuật để tiến hành ghép tim hoặc thay thế tim.
- Chú ý chế độ dinh dưỡng, luyện tập và sinh hoạt để nâng cao thể trạng, sức đề kháng cũng như hệ miễn dịch.
- Điều trị để cải thiện các tác dụng phụ không mong muốn của quá trình điều trị và giảm nhẹ triệu chứng của bệnh.
- Một số phương pháp điều trị thay thế như tập yoga, châm cứu, kết hợp với đông y…
Kết luận
Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh ung thư tim. Bệnh cần được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu nhằm giúp quá trình điều trị đơn giản, đạt hiệu quả cao. Do đó, khi có dấu hiệu bất thường của cơ thể cần nhanh chóng đi thăm khám để được chẩn đoán, xử lý sớm nhất.