Ung thư phổi giai đoạn 2 và những điều bạn cần biết

Chuyển sang ung thư phổi giai đoạn 2, các triệu chứng đã rõ ràng hơn so với giai đoạn đầu. Việc điều trị lúc này cũng khó khăn, phức tạp hơn. Việc nắm thông tin về giai đoạn ung thư này sẽ hữu ích cho việc phát hiện và sớm được điều trị để kéo dài sự sống.

1. Ung thư phổi giai đoạn 2 là gì?

Ở giai đoạn 2, các khối u tại phổi đã lan ra gần hạch bạch huyết và chia thành 2 giai đoạn nhỏ hơn.

1.1. Ung thư phổi giai đoạn 2A

Kích thước khối u trong phổi từ 4cm – 5cm. Tuy nhiên, trong hạch bạch huyết không có bất cứ tế bào ung thư nào.

1.2. Ung thư phổi giai đoạn 2B

Giai đoạn 2B của ung thư phổi bao gồm những trường hợp sau:

  • Kích thước khối u phổi lớn hơn 5cm. Trong hạch bạch huyết gần phổi bị tổn thương đã xuất hiện tế bào ung thư.
  • Kích thước khối phổi từ 5cm – 7cm và trong hạch bạch huyết không có tế bào ung thư nào.
  • Không có tế bào ung thư trong hạch bạch huyết. Tuy nhiên, chúng đã lan sang một hoặc nhiều khu vực như:  lớp màng tim, dây thần kinh gần với phổi, thành ngực.
  • Khối u phổi có kích thước nhỏ hơn 7 cm, nhưng trong cùng 1 thùy của phổi đã có nhiều hơn 1 khối u.
ung-thu-phoi-giai-doan-2_1
Ung thư phổi giai đoạn 2 là lúc khối u đã lớn hơn về kích thước

2. Triệu chứng ung thư phổi giai đoạn 2 

Tại giai đoạn 2, triệu chứng của ung thư phổi đã rõ ràng hơn, bao gồm: 

  • Tần suất các cơn ho ngày càng nhiều và ho kéo dài hơn. Ho kèm theo đờm trắng, thậm chí có thể có lẫn máu.
  • Các cơn đau tại các vị trí vai, lưng, ngực cũng xuất hiện nhiều. Các cơn đau có thể đến bất cứ lúc nào chứ không phải chỉ khi cười to, hít thở sâu.
ung-thu-phoi-giai-doan-2_2
Ho nhiều và đau tức ngực là dấu hiệu của ung thư phổi ở giai đoạn 2
  • Tại một số vị trí như cổ, nách, bẹn xuất hiện hạch bạch huyết to, sưng tấy. Tuy nhiên, các hạch này không có cảm giác đau nhức khi sờ vào mà chỉ thấy khô cứng.
  • Người bệnh thở khò khè, kèm cảm giác khó thở và nhiều khi mất hơi, hơi thở yếu.
  • Giọng nói có sự thay đổi với đặc điểm là khàn và đục hơn ngày càng rõ rệt.
  • Người bệnh dễ ốm vặt, cơ thể thường xuyên mệt mỏi, hay bị sốt và sức khỏe yếu đi.
  • Ăn không ngon miệng, chán ăn, da xanh xao, nhợt nhạt.
  • Sụt cân nhanh nhưng không rõ nguyên nhân.

3. Điều trị ung thư phổi giai đoạn 2 bằng phương pháp nào?

Ung thư phổi giai đoạn 2 nếu được điều trị tích cực bằng phương pháp phù hợp thì tỷ lệ sống 5 năm chiếm khoảng 70%. Ngoài ra, thời gian sống còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giới tính, sức khỏe người bệnh, độ tuổi, vị trí khối u, đáp ứng điều trị…

Việc điều trị ung thư trong giai đoạn này với mục đích là kiểm soát và làm chậm tốc độ phát triển của tế bào ung thư. Tùy thuộc vào kích thước khối u, tình trạng khối u đã di căn hay chưa mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Thông thường sẽ gồm những phương pháp sau:

3.1. Phẫu thuật cắt bỏ khối u

Đây là phương pháp phổ biến và mang lại hiệu quả cao đối với các khối u có kích thước nhỏ, phát hiện ở giai đoạn sớm.

Các bác sĩ sẽ tiến hành làm các xét nghiệm để xác định tế bào ung thư đã di căn hay chưa. Nếu ung thư chưa di căn đến não, xương, gan, tuyến thượng thận thì hoàn toàn có thể thực hiện phẫu thuật cắt bổ một phần phổi hoặc thùy phổi.

ung-thu-phoi-giai-doan-2_3
Phẫu thuật điều trị ung thư phổi

Hiện nay, phương pháp phẫu thuật nội soi đang rất được ưa chuộng. Lí do là bởi phương pháp này đỡ gây đau đớn và giúp bệnh nhân phục hồi nhanh. Các bác sĩ sẽ thực hiện bằng cách tạo ở thành ngực một vết mổ nhỏ. Tiếp đến, họ sẽ sử dụng các thiết bị y tế đặc biệt để loại bỏ phần ung thư ở các thùy phổi hoặc ở phổi.

Tuy nhiên, phẫu thuật sẽ không còn hữu hiệu nếu khối u có kích thước lớn và đã bắt đầu di căn.

3.2. Xạ trị

Phương pháp này sẽ trực tiếp tác động vào khối ung thư và được gọi là điều trị tại chỗ (điều trị điểm). Tuy nhiên, xạ trị chỉ thích hợp dùng cho những trường hợp khối u chưa di căn.

Bác sĩ sẽ tiêu diệt tế bào ung thư hoặc kìm hãm sự phát triển của chúng bằng cách chiếu trực tiếp tia X năng lượng cao. Các loại tia phóng xạ khác (gamma, proton,…) cũng có thể được sử dụng. Phương pháp này được thực hiện trước hoặc sau khi phẫu thuật tùy theo chỉ định của bác sĩ.

Tác dụng phụ của xạ trị đối với người bệnh cũng rất lớn và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe:

  • Phần da chiếu bị ửng đỏ, thậm chí làm da khô, viêm da.
  • Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, uể oải.
  • Tình trạng rụng tóc nghiêm trọng.

Tuy nhiên, những tác dụng phụ sẽ không kéo dài mà sẽ dần biến mất sau khi đợt xạ trị kết thúc.

3.3. Hóa trị

Hóa trị cũng là phương pháp tác động trực tiếp lên khối u. Phương pháp này thường được thực hiện sau phẫu thuật. Với cách này, việc tiêu diệt khối u sẽ hiệu quả hơn và kìm hãm quá trình phát triển của chúng.

ung-thu-phoi-giai-doan-2_4
Điều trị ung thư phổi bằng phương pháp hóa trị

Hóa trị sẽ sử dụng hóa chất/ các loại thuốc tiêm trực tiếp vào mạch máu hoặc dùng qua đường uống nên sẽ tác động đến toàn thân. Nó không chỉ tiêu diệt các khối u mà còn làm ảnh hưởng đến cả những tế bào khỏe mạnh. Vì thế, tác dụng phụ mà hóa trị đối với cơ thể cũng rất lớn. Người bệnh thường bị rụng tóc, viêm niêm mạc miệng, buồn nôn và nôn, cơ thể mệt mỏi, suy nhược…

4. Những nguyên tắc hỗ trợ điều trị ung thư phổi

Để điều trị ung thư phổi giai đoạn 2 đạt hiệu quả cao, người bệnh cần tuân thủ những nguyên tắc dưới đây:

  • Tuân thủ theo đúng phác đồ, liệu trình điều trị của bác sĩ. Nếu muốn thay đổi phương pháp điều trị cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể hơn.
  • Người bệnh cần giữ thái độ lạc quan, vui vẻ, tránh không để bản thân bị stress, căng thẳng.
  • Người bệnh nên chú ý luyện tập thể dục thể thao với những bài tập, cường độ phù hợp để tăng cường sức khỏe, cải thiện hệ miễn dịchsức đề kháng.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh với đầy đủ các nhóm chất thiết yếu để bổ sung các dưỡng chất cho cơ thể. Nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, chế biến món ăn ở dạng lỏng, mềm, dễ tiêu để tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất.
  • Sinh hoạt điều độ, tuyệt đối không thức khuya.
  • Tránh xa thuốc lá, rượu bia, chất kích thích, các đồ uống có gas, có cồn…

Ung thư phổi giai đoạn 2 vẫn có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm và đáp ứng tốt phương pháp chữa trị. Đồng thời, người bệnh cũng cần có kế hoạch ăn uống, sinh hoạt, luyện tập điều độ để cải thiện sức khỏe, kéo dài thời gian sống. Ngoài ra, giữ vững tinh thần lạc quan trong quá trình điều trị cũng vô cùng quan trọng.

Thông tin liên hệ