Ung thư dạ dày có di truyền không?

Nhiều trường hợp gia đình có nhiều người cùng mắc ung thư dạ dày khiến mọi người lo lắng không biết ung thư dạ dày có di truyền không? Thông tin bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc trên.

1. Bệnh ung thư dạ dày có di truyền không?

Ung thư dạ dày là bệnh lý ác tính đường tiêu hóa phổ biến ở cả nam giới và nữ giới. Bệnh ung thư dạ dày có di truyền không là thắc mắc của nhiều người khi trong gia đình có người mắc ung thư dạ dày.

Đột biến gen là nguyên nhân khiến ung thư dạ dày di truyền từ thế hệ sang thế hệ khác

Các chuyên gia cho biết, bệnh ung thư dạ dày không di truyền nhưng các gen đột biến gây ung thư có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính vì vậy, nếu có bố mẹ hay anh chị em trong gia đình mắc ung thư dạ dày thì nguy cơ mắc ung thư của bạn cũng cao hơn những người khác.

Một số gen đột biến có liên quan đến ung thư dạ dày là:

  • Đột biến gen CDH1: nguy cơ phát triển ung thư trong suốt cuộc đời của những người mang gen đột biến này là khoảng 70 – 80%.
  • Hội chứng Lynch: những người mang hội chứng Lynch tăng nguy cơ mắc ung thư ruột, ung thư dạ dày và nhiều bệnh ung thư khác… Một số đột biến gen liên quan đến hội chứng này là MLH1, MSH2, MLH3, MSH6, PMS2…
  • Hội chứng FAP (đa polyp tuyến có tính gia đình): người mang hội chứng này có nhiều polyp trong ruột và làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư dạ dày. Hội chứng này có liên quan đến đột biến trong gen APC
  • Đột biến gen BRCA1, BRCA2: không chỉ liên quan đến ung thư vú, ung thư buồng trứng ở nữ giới, đột biến gen này còn làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư dạ dày.
  • Hội chứng Li – Fraumen: tăng nguy cơ phát triển ung thư dạ dày khi còn trẻ, liên quan đến đột biến gen TP53
  • Đột biến gen STK11 cũng có liên quan đến ung thư dạ dày..

2. Phòng bệnh ung thư dạ dày như thế nào?

Để giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày, bạn cần chú ý:

  • Điều trị dứt điểm viêm dạ dày do vi khuẩn HP
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ, cá muối, thịt muối, tăng cường ăn rau xanh, trái cây tươi vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày
  • Không hút thuốc lá, không uống rượu bia
  • Tích cực luyện tập thể dục thể thao, tránh để cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi kéo dài
  • Khám sức khỏe, tầm soát ung thư định kì để phát hiện những bất thường sớm ở dạ dày như polyp – tổn thương có nguy cơ chuyển thành ung thư sau này…