Sarcoma mô mềm là gì? Những phương pháp chẩn đoán phổ biến
Sarcoma mô mềm là căn bệnh ung thư hiếm gặp nhưng ác tính. Bệnh khiến sức khỏe, cuộc sống, tâm lý của người mắc bị ảnh hưởng. Nguy hiểm hơn nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, bệnh gây tỷ lệ tử vong cao. Việc sớm phát hiện triệu chứng và thực hiện các phương pháp chẩn đoán bệnh là rất cần thiết. Trên cơ sở này, bác sĩ sẽ xác định mức độ, giai đoạn bệnh và có phương án điều trị kịp thời, đạt hiệu quả cao.
Nội dung bài viết
1. Sarcoma mô mềm là gì?
Sarcoma mô mềm là một loại ung thư ác tính, xuất hiện trong các mô mềm của cơ thể. Tất cả những mô mềm của cơ thể đều có thể mắc căn bệnh ung thư này là gân, mỡ, cơ, mạch máu, bạch huyết và dây thần kinh. Do đó, bất cứ nơi nào của cơ thể đều có thể hình thành và phát triển loại ung thư này. Tuy nhiên, phổ biến nhất là ở cánh tay, ngực, bụng và chân.
Bệnh xuất hiện với nhiều loại khác nhau. Mỗi loại sẽ có những tên gọi khác nhau phụ thuộc vào vị trí mô xuất phát. Tùy từng vị trí mắc bệnh mà mức độ ảnh hưởng, tác động đến những cơ quan trong cơ thể cũng không giống nhau.
2. Triệu chứng điển hình của Sarcoma mô mềm
Sự nguy hiểm của Sarcoma mô mềm là ở giai đoạn đầu thường không có bất cứ dấu hiệu bất thường nào. Do đó, hầu như chỉ khi bệnh tiến triển ở giai đoạn muộn mới có triệu chứng rõ ràng, điển hình như:
- Trên cơ thể xuất hiện một khối u bất thường, gây sưng. Khi khối u lớn sẽ khiến các dây thần kinh và cơ bắp bị chèn ép, khiến người bệnh đau đớn, khó chịu.
- Nếu khối u xuất hiện ở đường tiêu hóa hay vùng bụng sẽ làm dạ dày, ruột bị tắc nghẽn hoặc xuất huyết tiêu hóa.
- Cơn đau sẽ ngày càng nghiêm trọng và tần suất nhiều hơn.
- Đi ngoài ra máu hoặc phân chuyển sang màu đen.
- Tình trạng nôn mửa diễn ra thường xuyên, đặc biệt là nôn ra máu.
3. Phương pháp chẩn đoán Sarcoma
Khi cơ thể xuất hiện một hoặc một vài dấu hiệu trên, các bạn cần nhanh chóng đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa. Các bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và làm các xét nghiệm, chụp chiếu chuyên sâu để tìm ra nguyên nhân của triệu chứng. Từ đó, có phương án điều trị phù hợp, an toàn và cho hiệu quả cao.
3.1. Chẩn đoán lâm sàng
Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân dựa vào những triệu chứng mà người bệnh cung cấp. Các triệu chứng điển hình thường thấy như khó chịu, đau nhức, khó thở, khu vực có khối u bị sưng… Để chẩn đoán phân biệt với những bệnh lý khác, người bệnh sẽ được kiểm tra triệu chứng toàn thân bằng các xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hỏi bệnh nhân xem có tiền sử mắc bệnh gì hay không để cân nhắc phương án điều trị khoa học.
3.2. Chẩn đoán chuyên sâu (chẩn đoán cận lâm sàng)
Để khẳng định chắc chắn có phải bị Sarcoma mô mềm hay không, bác sĩ sẽ làm thêm các chẩn đoán chuyên sâu khác. Một số phương pháp được áp dụng thường là:
– Xét nghiệm máu
Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra tốc độ lắng hồng cầu và nồng độ phosphatase kiềm.
Trường hợp bị Sarcoma mô mềm thì sẽ cho kết quả tốc độ lắng hồng cầu cao. Còn nếu liên quan đến ung thư xương sẽ có kết quả phosphatase kiềm có nồng độ cao.
– Tiến hành chụp X-quang
Đây là phương pháp được thực hiện đơn giản để xác định người bệnh có bị ung thư hay không. Thông qua kết quả nhận được, bác sĩ sẽ biết bên trong có điều gì bất thường hay không. Nếu có khối u, bác sĩ sẽ phát hiện ra và phần nào xác định được bệnh có mức độ nghiêm trọng như thế nào.
– Chụp cắt lớp vi tính (CT)
Phương pháp này sẽ giúp bác sĩ kiểm tra cấu trúc mô xương, mô mềm xem có những bất thường, tổn thương sâu ở nhiều vị trí khác nhau.
Bên cạnh đó, kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính còn giúp bác sĩ phát hiện, chẩn đoán phân biệt được các khối u. Ngay cả những khối u kích thước nhỏ ở giai đoạn đầu cũng phát hiện được.
Kỹ thuật này thường được chỉ định thực hiện ở những vị trí khó phát hiện khối u như bụng, ngực và sau phúc mạc.
– Chụp cộng hưởng từ
Kỹ thuật này sẽ cho ra những hình ảnh về giải phẫu rất chi tiết. Nhờ đó, bác sĩ sẽ phát hiện được khối u, kích thước, số lượng các khối u. Đồng thời, biết được các tế bào ung thư có mức độ lan tỏa, tổn thương như thế nào.
– Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET)
Kỹ thuật này sẽ sử dụng chất phóng xạ để kiểm tra quá trình trao đổi chất, những thay đổi trong các hoạt động sinh lý. Thông qua chụp cắt lớp phát xạ Positron, những bất thường trong cơ thể sẽ được phát hiện. Bác sĩ sẽ kiểm tra kích thước khối u, chẩn đoán xác định xem có phải là Sarcoma mô mềm hay không.
– Thực hiện sinh thiết
Nếu bác sĩ nghi ngờ ung thư thì sinh thiết sẽ được chỉ định. Theo đó, bác sĩ sẽ lấy một phần hoặc toàn bộ phận đáng ngờ, sau đó thực hiện kiểm tra trong phòng thí nghiệm.
Phương pháp này sẽ giúp bác sĩ xác định được rất nhiều yếu tố. Đó là loại ung thư, tế bào ung thư và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Lưu ý: Tùy từng bệnh nhân, vị trí nghi ngờ khối u mà bác sĩ sẽ tiến hành làm một hoặc một vài các chẩn đoán cận lâm sàng kể trên.
4. Tầm quan trọng của việc chẩn đoán sớm phát hiện Sarcoma mô mềm
Sarcoma mô mềm được chẩn đoán và phát hiện sớm sẽ mang đến rất nhiều lợi ích tuyệt vời. Đó là:
- Người bệnh sẽ có tỷ lệ chữa khỏi cao hơn hoặc thời gian sống cũng được kéo dài.
- Giảm các triệu chứng, đau đớn và tổn thương cả về mặt sức khỏe, tinh thần cho người bệnh.
- Người mắc Sarcoma mô mềm sẽ rút ngắn thời gian điều trị, giảm thiểu các tác động từ thuốc, hóa chất cũng như các phương pháp chữa bệnh khác.
- Thời gian điều trị ngắn sẽ giúp người bệnh sớm phục hồi sức khỏe và tiết kiệm đáng kể chi phí.
Trên đây là một số thông tin về Sarcoma mô mềm cũng như những phương pháp chẩn đoán bệnh phổ biến hiện nay. Việc chẩn đoán chính xác bệnh ngay từ giai đoạn sớm sẽ là cơ sở quan trọng để người bệnh tăng cơ hội chữa khỏi và sớm phục hồi sức khỏe.