Polyp đại tràng là gì? – Những thông tin bạn cần biết

Polyp đại tràng cần được phát hiện và xử lý sớm để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tránh biến chứng nguy hiểm hoặc thành ung thư đại tràng. Vì thế, việc có những thông tin hiểu biết về polyp ở đại tràng là rất cần thiết và quan trọng đối với mỗi người.

1. Polyp đại tràng là gì?

Polyp đại tràng thực chất không phải u. Đây chỉ là sự tăng sinh quá mức niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới niêm mạc, có hình dạng giống khối u, có thể có cuống hoặc không.

polyp-dai-trang-1
Polyp đại tràng có cuống hoặc không cuống và hình dạng giống khối u

Hầu hết các polyp đều là vô hại nhưng cũng có một số polyp nếu không kiểm soát sớm có thể dẫn đến ung thư, gây nguy hiểm đến tính mạng. Trong đại tràng của người bệnh có thể có một hoặc nhiều polyp.

Các polyp khi mới xuất hiện thường không có triệu chứng. Hầu hết, người bệnh chỉ được phát hiện có polyp trong đại tràng khi đi thăm khám sức khỏe định kỳ. Thế nhưng, nếu polyp phát triển với kích thước lớn thì các triệu chứng sẽ rõ ràng hơn.

Hiện nay, polyp đại tràng được chia thành 2 loại cơ bản, bao gồm:

  • Nhóm polyp không có khả năng chuyển thành ung thư nên được xếp vào nhóm polyp lành tính. Chẳng hạn như các loại polyp viêm, polyp tăng sản.
  • Nhóm polyp có thể chuyển thành ung thư như polyp tuyến, ống, polyp tuyến mao. Tuy nhiên, những polyp này nếu chuyển thành ung thư phải có kích thước nhất định, từ dưới 1cm cho đến trên 2cm. Polyp có kích thước càng nhỏ thì nguy cơ hình thành ung thư càng thấp. Nếu polyp có kích thước lớn thì nguy cơ hình thành ung thư càng cao.

2. Nguyên nhân gây polyp đại tràng

Đến nay, chưa tìm ra chính xác nguyên nhân gây polyp đại tràng. Thế nhưng, một số yếu tố dưới đây làm tăng nguy cơ mắc bệnh mà các bạn nên nắm rõ:

  • Tế bào tăng sinh bất thường do đột biến gen, tạo thành polyp.
  • Những người độ tuổi từ 50 trở lên có tỷ lệ bị polyp cao hơn so với những đối tượng khác.
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh như dung nạp nhiều chất béo, ăn nhiều thịt đỏ, sử dụng ít trái cây, hoa quả và chất xơ; uống ít nước…
  • Những người thừa cân, béo phì, lười vận động.
  • Những người thường xuyên sử dụng các chất kích thích có hại như rượu bia, thuốc lá, cà phê, nước đóng chai, nước ngọt có gas…
  • Tiền sử gia đình từng có người mắc polyp đại tràng như bố mẹ, ông bà, anh chị em ruột thì tỷ lệ bạn mắc bệnh sẽ cao hơn so với người bình thường.
  • Mắc một số bệnh lý như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, tiểu đường tuýp 2,…

3. Dấu hiệu nhận biết polyp đại tràng

Polyp thường không gây ra triệu chứng khi kích thước nhỏ. Thế nhưng, khi kích thước lớn thì sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng và dễ dàng nhận biết hơn. Đó là:

3.1. Đi ngoài ra máu

Polyp có kích thước lớn sẽ khiến việc đi ngoài khó khăn, có thể gây chảy máu niêm mạc đại tràng. Do đó, người bệnh có thể thấy đi ngoài có lẫn máu hoặc máu trên giấy vệ sinh hay trên quần lót. Tuy nhiên, dấu hiệu này cũng có thể xuất phát từ nhiều bệnh khác như trĩ, nứt kẽ hậu môn,…

polyp-dai-trang-2
Đi ngoài ra máu cảnh báo polyp đại tràng

3.2. Màu phân có sự thay đổi

Phân lẫn máu nên có thể có màu đỏ. Trường hợp kéo dài, phân có thể chuyển sang màu đen. Thế nhưng, hiện tượng này cũng có thể do việc dung nạp thực phẩm hoặc sử dụng loại thuốc nào đó.

3.3. Thói quen đại tiện thay đổi

Do sự xuất hiện của một hay nhiều polyp có kích thước lớn nên quá trình tiêu hóa thức ăn và đào thải phân ra ngoài của đại tràng bị ảnh hưởng. Điều này sẽ khiến người bệnh phải đối mặt với tình trạng tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài. 

3.4. Thiếu máu

Thiếu máu xảy ra do polyp kích thước lớn gây chảy máu niêm mạc đại tràng. Điều này xảy ra từ từ và có biểu hiện qua phân nhưng không quá rõ ràng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến người bệnh mệt mỏi, thiếu sức sống, khó thở, da xanh xao… mà trước đó không hề vận động mạnh.

3.5. Những triệu chứng khác

Khi polyp có kích thước lớn sẽ khiến đường ruột bị cản trở. Do đó, các triệu chứng mà hiện tượng này gây ra có thể kể đến như khó tiêu, chướng bụng, đau các bên thắt lưng. Thậm chí, người bệnh còn phải đối mặt với các quặn thắt vùng bụng, buồn nôn và nôn.

4. Điều trị polyp đại tràng như thế nào?

Một số loại polyp đại tràng có thể chuyển thành ung thư đại tràng. Trong khi đó, có những polyp lành tính nhưng nếu phát triển lớn cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì thế, việc điều trị polyp ngay từ sớm là rất quan trọng để đạt hiệu quả cao, ngăn ngừa biến chứng chuyển thành ung thư.

4.1. Phương pháp điều trị polyp đại tràng

Hiện nay, điều trị polyp đại tràng tốt nhất là tiến hành cắt bỏ toàn bộ polyp hoặc bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ một phần đại tràng nếu thấy cần thiết. Cụ thể như sau:

Việc cắt polyp đại tràng sẽ được thực hiện bằng phương pháp nội soi và mỗi lần sẽ loại bỏ 5 – 10 polyp. Do đó, nhiều người phải tiến hành nội soi nhiều lần mới cắt bỏ được hết các polyp. 

polyp-dai-trang-3
Phẫu thuật cắt bỏ polyp ngay trong quá trình tầm soát

Trong trường hợp dọc khung đại tràng có hàng trăm polyp thì bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp cắt bỏ cả đoạn đại tràng đó.

Trường hợp đặc biệt: Polyp có kích thước nhỏ, dưới 0,5cm nhưng bề mặt sần sùi và khả năng chuyển thành ác tính lớn thì cắt bỏ vẫn là giải pháp được áp dụng. Lúc này, bác sĩ sẽ kết hợp thêm cả phương pháp sinh thiết.

4.2. Một số phương pháp phẫu thuật cắt bỏ polyp

Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp phẫu thuật polyp phù hợp. Phổ biến nhất sẽ là các cách sau:

  • Cách 1: Tiến hành cắt bỏ polyp ngay trong quá trình tầm soát bằng một vòng thắt hoặc sinh thiết.
  • Cách 2: Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Nếu những polyp đã có kích thước quá lớn hoặc việc tầm soát thông thường không an toàn thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật nội soi. Thực hiện nội soi qua ngả hậu môn TEO.
  • Cách 3: Cắt đại tràng. Nếu polyp với số lượng nhiều và mọc dọc theo khung đại tràng thì việc cắt bỏ một đoạn đại tràng hoặc toàn bộ đại tràng sẽ được chỉ định.

Như vậy, các bạn vừa tìm hiểu những thông tin chi tiết về polyp đại tràng. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích và giúp bạn có thêm kiến thức để lên kế hoạch phòng ngừa căn bệnh này ngay từ bây giờ.

Thông tin liên hệ