Những giải pháp tâm lý giúp bệnh nhân vượt qua ung thư giai đoạn cuối
Người mắc bệnh ung thư thông thường sẽ trải qua các cảm xúc như sau: ban đầu là phủ nhận, tiếp đến phẫn nộ, sau đó là thương lượng, trầm cảm, cuối cùng là chấp nhận. Đặc biệt khi mắc ung thư giai đoạn cuối, gần như tất cả bệnh nhân đều không có ý định kháng cự và chấp nhận thực tế.
Nội dung bài viết
1. Ung thư giai đoạn cuối – bệnh nhân tiếp nhận thông tin đó ra sao?
Như chúng ta đã biết, người mắc bệnh ung thư sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn. Tại mỗi một giai đoạn, thì phác đồ điều trị cũng khác nhau để phù hợp với tình trạng bệnh. Ngay cả bác sỹ, tiên lượng cũng khác nhau ở mỗi giai đoạn. Trên thực tế, bệnh nhân đến với cơ sở y tế thường rất chậm muộn, khi đó ung thư đã ở giai đoạn cuối. Lúc này, hầu hết các trường hợp không thể chữa được và tiên lượng của các bác sỹ rất thiếu khả quan. Thế thì tâm lý bệnh nhân không như diễn biến tự nhiên mà có phần chán nản, suy sụp, vô cùng nặng nề.
Trong thực tế, từ khi nghe thấy bác sỹ thông báo ung thư giai đoạn cuối thì chính là lúc người bệnh và người nhà bắt đầu của những tháng ngày đau đớn, mệt mỏi, suy sụp, vô cùng nặng nề.
2. Ung thư giai đoạn cuối – diễn biến tâm lý bệnh nhân ra sao?
Hầu như trong tư tưởng của tất cả bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối không còn tồn tại những điều như là sự vui vẻ, điều lạc quan, sự yêu đời, sự tin tưởng,… Đã qua những giai đoạn họ từng có trong mình cảm giác hy vọng sẽ khỏi bệnh, đỡ hơn hay chỉ là kéo dài sự sống. Họ bắt đầu cảm thấy bế tắc, tuyệt vọng, chán nản. Có một số người thì phản ứng bằng sự chấp nhận, cam chịu, buông xuôi. Nhưng có những người lại không muốn chấp nhận sự thật, than thở, gào thét, đau khổ, vật vã…
Nhưng về đa số, trước khi chết, họ đều có các biểu hiện như: đau đớn cả về thể chất, tinh thần, suy kiệt, mệt mỏi do đã chịu đựng quá nhiều bởi căn bệnh ung thư hành hạ. Có những người cảm thấy tiếc nuối vì những điều chưa kịp làm, những người chưa kịp gặp…
3. Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối cần được chăm sóc ra sao?
Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, các bác sỹ không đi sâu vào điều trị khỏi bệnh mà chủ yếu tư vấn người nhà tập trung chăm sóc tâm lý để họ giảm bớt sự đau đớn, nặng nề cả về thể chất và tinh thần. Cần kết hợp nhiều biện pháp chăm sóc tâm lý từ nhiều hình thức khác nhau, từ phía gia đình, chuyên gia tâm lý, tín ngưỡng tôn giáo, tổ chức chính trị xã hội… Có thể áp dụng một số biện pháp như sau:
Quan tâm
Giống như một đứa trẻ nhỏ, người bệnh ung thư giai đoạn cuối cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng, sợ bị bỏ rơi. Họ cảm thấy không còn giá trị trong xã hội, cảm thấy mình xấu xí, vô dụng… Lúc này nếu làm cho họ cảm thấy được quan tâm thì nỗi sợ sợ hãi, cô đơn sẽ giảm bớt đi một phần. Đáng quý nhất là sự quan tâm từ phía người thân yêu, từ con cái, cháu chắt, sau đó là sự quan tâm của các tổ chức chính trị xã hội như đoàn thanh niên (nếu còn trẻ), hội phụ nữ, hội người cao tuổi,… Đặc biệt các đồng chí từng tham gia Thanh niên xung phong hay đang là cựu chiến binh, khi đó có sự động viên quan tâm của đồng đội sẽ cảm thấy ấm lòng, vơi bớt đi sự cô đơn phần nào.
Người bệnh ung thư giai đoạn cuối cần được quan tâm để vơi bớt nỗi đau
Tự do
Do thời gian được sống không có nhiều, vì vậy hãy để cho người bệnh được sống như họ mong muốn, được đi đến nơi họ muốn đi nếu có thể được gặp người muốn gặp, được ăn món ăn họ muốn ăn… Tóm lại hãy tạo điều kiện để họ làm tất cả những gì họ mong muốn, yêu cầu; không được cấm đoán, kiêng cữ gì cả vì thời gian không còn nhiều, mọi cấm đoán kiêng cữ không có tác dụng gì cả. Các chuyên gia khuyên, nếu như bệnh nhân còn có thể tự vận động hay sinh hoạt cá nhân thì nên động viên họ làm. Nếu bệnh nhân có nhu cầu giao lưu với bên ngoài thì nên khuyến khích họ.Tất cả những điều này sẽ làm vơi bớt đi những đau đớn, mệt mỏi do ung thư giai đoạn cuối hành hạ. Đôi khi còn có thể như liều thuốc quý giúp họ kéo dài thời gian sống.
Giải quyết – Bàn giao
Mỗi con người chúng ta sống trong xã hội này đều có sự kết nối với xã hội thông qua các mối quan hệ. Khi được bác sỹ thông báo mắc bệnh ung thư, mọi thứ đều phải để sang một bên để tập trung chữa bệnh. Như vậy có nghĩa là nhiều thứ còn đang dang dở. Cho đến khi bác sỹ thông báo ung thư giai đoạn cuối thì gần như không có yêu cầu điều trị đặc hiệu nữa. Lúc này người bệnh sẽ thực hiện bàn giao những việc còn dang dở, giải quyết những việc chưa xong. Đôi khi người nhà cần giúp họ tìm kiếm người bàn giao hoặc lên kế hoạch bàn giao. Giải quyết và bàn giao những điều dang dở, muốn làm sẽ giúp họ cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản hơn.
Tôn giáo
Không ai có thể phủ nhận được tôn giáo chính là chỗ dựa tinh thần tốt nhất cho con người khi gặp những bế tắc trong cuộc sống. Vì vậy, người bệnh ung thư giai đoạn cuối có niềm tin vào tôn giáo là điều rất đáng quý. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ người theo tôn giáo vượt qua bế tắc cao hơn người không theo tôn giáo nào cũng như không có niềm tin tôn giáo nào. Do đó, việc đi chùa hoặc đi lễ trong nhà thờ hay được nghe giảng của sư thầy hoặc cha đạo sẽ giúp cho người bệnh thấy cái chết như là một quy luật, lẽ thường; chết là giải thoát, là đến với thế giới tốt đẹp hơn, bình an hơn.
Bình thản
Điều quan trọng nhất là có được một tâm trạng bình thản, an lành. Có những người sau khi mọi thứ đã được giải quyết, bàn giao; sau khi đã được làm những điều mình muốn, đi đến nơi mình đến thì cảm giác chấp nhận điều gì đến sẽ đến, không còn sợ hãi. Đó cũng là điều mà mỗi người chúng ta mong muốn để người ra đi bình thản và mãn nguyện, người ở lại cũng được an ủi phần nào.