Những điều cần biết về ung thư tuyến nước bọt

Ung thư tuyến nước bọt là bệnh tuy hiếm gặp nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh. Cùng tìm hiểu ung thư tuyến nước bọt qua bài viết dưới đây.

1. Các giai đoạn tiến triển của ung thư tuyến nước bọt?

Ung thư tuyến nước bọt là bệnh thường gặp trong các bệnh ung thư vùng đầu cổ
Ung thư tuyến nước bọt là bệnh thường gặp trong các bệnh ung thư vùng đầu cổ

Tuyến nước bọt tạo ra nước bọt và tiết nước bọt vào miệng qua ống dẫn. Nước bọt làm cho thức ăn ẩm, giúp nhai, nuốt và tiêu hóa thức ăn, làm sạch miệng.

Ung thư tuyến nước bọt xuất hiện do sự rối loạn của các tế bào trong quá trình tổng hợp ADN, làm gia tăng số lượng tế bào ở tuyến nước bọt đến mức cơ thể không tự kiểm soát được, hình thành khối u.

Ung thư tuyến nước bọt được chia làm 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn I: Khối u có kích thước nhỏ dưới 2 cm và chưa lây lan ra nhiều vị trí trong cơ thể.
  • Giai đoạn II: Khối u trong tuyến nước bọt lớn hơn 2 cm nhưng không quá 4 cm. Ở giai đoạn này khối u cũng chưa lan ra nhiều vị trí trong cơ thể.
  • Giai đoạn III: Kích thước khối u lớn hơn 4 cm và đã lan rộng ra các mô mềm xung quanh lây lan hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn IV: Khối u lây lan đến da, xương hàm, ống tai và có thể di căn xa tới nhiều bộ phận khác của cơ thể như não, phổi…

2. Nguyên nhân dẫn đến ung thư tuyến nước bọt

Đến nay, vẫn chưa xác định được ung thư tuyến nước bọt do nguyên nhân nào, tuy nhiên, những yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ ung thư mắc bệnh:

  • Tuổi cao: hầu hết những trường hợp mắc ung thư tuyến nước bọt đều gặp ở độ tuổi 50 hoặc 60.
  • Từng tiếp xúc với bức xạ liều cao: bạn có nguy cơ cao bị ung thư tuyến nước bọt nếu từng bị phơi nhiễm với chất phóng xạ. Lý do có thể là đã từng xạ trị ở đầu hoặc cổ khi điều trị một loại ung thư khác. Tiếp xúc với bức xạ liều cao thời thơ ấu cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Từng bị ung thư trước đó: người đã từng bị u lympho Hodgkin có nguy cơ ung thư tuyến nước bọt cao hơn người bình thường.
  • Tiền sử gia đình: trong gia đình có người mắc ung thư tuyến nước bọt sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho các thành viên khác. Điều này có thể do các yếu tố lối sống phổ biến trong gia đình và không nhất thiết phải liên quan đến liên kết di truyền.

3. Triệu chứng ung thư tuyến nước bọt

Theo các chuyên gia, tùy theo vị trí của ung thư tuyến nước bọt mà bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau:

  • Triệu chứng khi khối u phát sinh ở khu vực mang tai: tê liệt các dây thần kinh ở đầu. Lúc này người bệnh sẽ bị tê liệt một bên mặt phía có khối u vì các dây thần kinh ở đây đã bị tê liệt. Da đầu, mí mắt, mũi, hầu họng của người bệnh cũng có thể có những triệu chứng nhiễm khuẩn gây đau đớn, khó chịu.
  • Triệu chứng khối u phát sinh ở dưới hàm: người bệnh ít triệu chứng và khó nhận biết. Tuy nhiên, khi bệnh phát triển nặng, người bệnh cũng sẽ xuất hiện một vài triệu chứng đặc trưng của triệu chứng u tuyến nước bọt dưới hàm như: đau miệng, hàm và cổ sưng tấy, tê lưỡi, đau khi nhai nuốt…
Bệnh nhân ung thư tuyến nước bọt có thể thấy hàm và cổ sưng tấy, tê lưỡi, đau khi nhai nuốt…
Bệnh nhân ung thư tuyến nước bọt có thể thấy hàm và cổ sưng tấy, tê lưỡi, đau khi nhai nuốt…
  • Triệu chứng ung thư tuyến nước bọt nhỏ: tuyến nước bọt nhỏ là những tuyến được phân bố chủ yếu bên trong má, mũi, xoang, thanh quản. Khi tuyến nước bọt nhỏ bị ung thư, người bệnh có thể bị: tắc mũi, ngạt mũi, khó thở do khối u chèn ép lên xoang mũi; khoang miệng bị đau, xuất hiện các nốt loét nhỏ như nốt nhiệt; rối loạn thị giác…

4. Phương pháp điều trị 

Tùy vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe và giai đoạn bệnh cụ thể của mỗi người, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị. Có 3 phương pháp điều trị ung thư tuyến nước bọt phổ biến là:

Phẫu thuật

Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp. Phẫu thuật tuyến nước bọt thường khó vì nhiều dây thần kinh quan trọng nằm ở trong và xung quanh các tuyến. Do vậy đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cẩn thận bảo tồn các dây thần kinh này nếu có thể. Trong vài trường hợp, các dây thần kinh bị cắt này được tái tạo bằng các dây thần kinh từ nơi khác của cơ thể.

  • Cắt bỏ phần tuyến nước bọt có khối u và một số lượng nhỏ các mô lành xung quanh.
  • Cắt bỏ toàn bộ tuyến nước bọt nếu khối u to. Các cấu trúc lân cận như: các dây thần kinh mặt, các ống tuyến kết nối với tuyến nước bọt, các xương mặt và da cũng có thể bị loại bỏ nếu đã bị ung thư xâm lấn.
  • Nạo hạch cổ khi ung thư đã lan đến các hạch cổ
  • Phẫu thuật tái tạo: nếu xương, da hoặc thần kinh bị cắt bỏ trong khi phẫu thuật, những cấu trúc này có thể cần phải được tái tạo.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng tia năng lượng cao như X-quang để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị có thể được sử dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Nếu không thể phẫu thuật được bởi vì khối u quá lớn hoặc nằm ở vị trí quá nhiều nguy cơ khi cắt thì xạ trị có thể dùng để điều trị bệnh ung thư tuyến nước bọt.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp điều trị toàn thân, sử dụng hóa chất để tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị là phương pháp điều trị bệnh ung thư tuyến nước bọt khi bệnh đã tiến triển đến mức di căn khắp nơi trong cơ thể. Hóa trị hiếm khi được sử dụng trong điều trị ung thư tuyến nước bọt.

5. Lưu ý về chế độ ăn uống cho người bệnh ung thư tuyến nước bọt

Sau khi điều trị ung thư tuyến nước bọt, người bệnh cần chú ý tới chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày nhằm cải thiện nhanh chóng tình trạng sức khỏe.

  • Người bệnh không thể ăn uống được như người bình thường nên cần ăn những thức ăn nhẹ, mềm, không chứa nhiều dầu mỡ như canh, súp, sữa,… tốt cho tiêu hóa.
Trong khi điều trị ung thư tuyến nước bọt, người bệnh cần ăn những thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt
Trong khi điều trị ung thư tuyến nước bọt, người bệnh cần ăn những thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt
  • Nên bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể như rau, củ, quả, thịt, trứng, cá,… Uống nhiều nước và bổ sung thêm các loại nước rau, củ, sinh tố trái cây.
  • Người bệnh cần tránh những thực phẩm cứng, các món chiên xào nhiều dầu mỡ, thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh; tránh các loại trái cây có vị chua như chanh, cam…
  • Không uống rượu, thuốc lá, thuốc lào
  • Nên ăn thành nhiều bữa trong ngày và ăn với lượng nhỏ, vừa phải.
  • Người bệnh cần theo dõi tình trạng sức khỏe và tiến hành tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

6. Ung thư tuyến nước bọt có lây không?

Bệnh ung thư tuyến nước bọt có lây không là thắc mắc của nhiều người. Cơ chế phát sinh ung thư tuyến nước bọt là do sự rối loạn của các tế bào trong quá trình tổng hợp ADN. Ung thư tuyến nước bọt không phải là bệnh truyền nhiễm nên không thể lây từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Theo đó, các hành vi như ôm, hôn, ăn uống chung, bắt tay, nói chuyện… với bệnh nhân ung thư tuyến nước bọt sẽ không làm bạn mắc bệnh. Chính vì vậy, tâm lý xa lánh, ngại tiếp xúc và kì thị bệnh nhân mắc ung thư là hoàn toàn không có căn cứ và cơ sở.

Thông tin liên hệ