Những điều cần biết về ung thư thực quản giai đoạn cuối
Bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối (giai đoạn IV) phải chịu nhiều đau đớn do ung thư di căn. Việc điều trị cho bệnh nhân ung thư giai đoạn này cũng khó khăn hơn rất nhiều so với ung thư giai đoạn sớm.
Nội dung bài viết
1. Thế nào là bệnh ung thư thực quản giai đoạn cuối?
Ung thư thực quản là bệnh ung thư phát sinh từ khối u ác tính trong thực quản. Ung thư thực quản được chia thành hai loại chính: ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào tuyến.
Ung thư biểu mô tế bào vảy: xuất phát từ tế bào vảy lót niêm mạc thực quản. Loại ung thư này thường xuất hiện ở phần trên hoặc phần giữa thực quản.
Ung thư biểu mô tế bào tuyến: thường phát triển trong mô tuyến ở phần dưới thực quản. Ở giai đoạn cuối, ung thư thực quản có thể di căn tới hầu hết các cơ quan trên cơ thể như phổi, gan, tuyến thượng thận, xương…
Ung thư thực quản giai đoạn cuối đã lan rộng đến các lớp sâu nhất thành thực quản, các hạch bạch huyết và có khả năng di căn đến các bộ phận ở xa. Một số vị trí ung thư thực quản thường di căn tới là phổi, gan, tuyến thượng thận, xương…
2. Triệu chứng ung thư thực quản giai đoạn cuối
Ung thư thực quản giai đoạn cuối có biểu hiện rất phức tạp, tùy thuộc vào vị trí ung thư di căn đến. Đau đớn là một trong những triệu chứng phổ biến nhất ở ung thư giai đoạn này.
- Nuốt nghẹn, đau khi nuốt: là một trong những biểu hiện thường gặp nhất ở bệnh nhân ung thư giai đoạn này. Đau khi nuốt xảy ra ngay cả khi bệnh nhân nuốt nước bọt hay thức ăn mềm. Cũng có một số trường hợp ung thư giai đoạn muộn khối u hoại tử, cảm giác đau khi nuốt không dữ dội như giai đoạn trước đó.
- Trớ: dịch thực quản chảy vào đường thở là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này.
- Xuất hiện hạch ở nhiều vị trí trên cơ thể
- Triệu chứng toàn thân: gầy, da sạm khô, suy kiệt vì thiếu dinh dưỡng…
- Ung thư di căn xương gây đau dữ dội xương cột sống, các chi, xương sườn, xương trở nên yếu, dễ gãy
- Ung thư di căn phổi khiến bệnh nhân khó thở, đau tức ngực, ho ra máu…
- Ung thư di căn tuyến thượng thận khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, suy kiệt, huyết áp mất ổn định…
3. Ung thư thực quản giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Mục đích điều trị cho bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối chỉ có thể kéo dài thời gian sống, tỷ lệ sống sau 5 năm là 38%. Trong nhiều trường hợp, người bệnh có thể tử vong chỉ vài tuần ngay sau khi được chẩn đoán bệnh hoặc chỉ kéo dài sự sống được thêm vài tháng khi khối u di căn đến hầu hết các cơ quan. Việc chữa khỏi ung thư thực quản giai đoạn cuối là không thể.
4. Điều trị ung thư thực quản giai đoạn cuối
Mục đích điều trị chính cho bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối chủ yếu là điều trị giảm nhẹ triệu chứng, duy trì dinh dưỡng nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư.
Xạ trị liệu và hóa trị có thể được chỉ định cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối nhằm giảm các triệu chứng, điển hình là khó nuốt khi thức ăn không thể di chuyển từ thực quản đến dạ dày. Kỹ thuật đặt stent kim loại ở thực quản sẽ giúp bệnh nhân dễ chịu hơn, ăn uống được qua đường miệng, nâng cao chất lượng sống của người bệnh.
5. Chăm sóc bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối như thế nào cho đúng
Bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối thường rơi vào tình trạng mệt mỏi, chán ăn sau quá trình điều trị bằng bức xạ trị kết hợp với hóa trị. Chính vì thế, việc chăm sóc sau quá trình điều trị là vô cùng quan trọng, một chế độ dinh dưỡng phù hợp không chỉ giúp người bệnh cân bằng lượng chất dinh dưỡng mà còn giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống.
Sau khi điều trị bệnh nhân nên sử dụng những thực phẩm mềm, lỏng như trứng, bánh mềm ít chất béo, sữa chua… những loại thực phẩm này giúp thức ăn đi xuống dễ dàng, dễ nuốt. Bên cạnh đó, người bệnh nên ăn các loại ngũ cốc, trái cây tươi và rau xanh để cân bằng chế độ dinh dưỡng.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sự kết hợp thường xuyên của nhiều loại trái cây và rau xanh vào chế độ ăn uống có thể giúp người bệnh ung thư thực quản giai đoạn cuối tăng sức đề kháng. Đối với tất cả những loại thực phẩm này nên xay nhỏ, chế biến thành cháo, súp để bệnh nhân có thể ăn dễ dàng hơn khi cổ họng bị đau, khó nuốt.
Bên cạnh việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học, người bệnh nên tránh những thực phẩm như thịt nướng, bánh mì kẹp thịt… bởi những loại thức ăn này gây khó nuốt cũng như khó tiêu hoá.
Ngoài ra, bệnh nhân nên tránh những thực phẩm nhiều chất béo, những loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, chua cay, thức ăn ngọt, bánh quy, bánh ngọt, kẹo và không nên sử dụng các loại thực ăn lên men như như dưa muối, cà muối…vì các loại thức ăn này giảm các tác dụng của thuốc điều trị. Đồng thời, người bệnh tuyệt đối không sử dụng các loại đồ uống có ga, chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
Tâm lý, tinh thần thoải mái là yếu tố quyết định trong việc điều trị cho bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn cuối. Do đó, người bệnh cần học cách kiểm soát cảm xúc của mình, hãy lạc quan, tìm cho mình những lý tưởng sống tốt đẹp nhất.