Lời nhắn nhủ bệnh nhân ung thư: Đừng để lại những nỗi đau

BÀI THAM DỰ CUỘC THI SỐNG NHƯ NHỮNG ĐÓA HOA VƯƠN VỀ PHÍA MẶT TRỜI

TÁC GIẢ: VŨ HUY CHƯƠNG

Xóm 2, xã Kim Hải, huyện Kim Sơn, Ninh Bình

Facebook: https://www.facebook.com/chuong.vu.7311352

ĐT: 0977 02 1950

NGÀY: 22/9/2019

———————————–

ĐỪNG ĐỂ LẠI NHỮNG NỖI ĐAU.

Chú ấy đã ra đi, đã trút được nỗi đau để trở về cát bụi. Chẳng biết ở thế giới bên kia chú ấy có được thanh thản hay không còn người ở lại thì luôn sống trong dày vò, xót xa ân hận…

Xem thêm:

Đó là chuyện về một bệnh nhân cùng phòng. Chú ấy đã yên nghỉ với giấc ngủ ngàn thu. Xin không nhắc tên vì dẫu sao người ấy chẳng còn trên cõi đời này…
Ông cha ta xưa vẫn có câu “người chết nết còn”…
Tôi xin gọi tên nhân vật là chú ấy vì chú ấy kém tôi 6 tuổi.

Chuyện bắt đầu từ hôm tôi vào điều trị cùng phòng bệnh với chú ấy. Trong phòng có bốn bệnh nhân chỉ còn một chiếc giường trống vì trước đó một ngày cái giường đó có một bệnh nhân mới ra đi. Người nhà đỡ tôi nằm lên giường, xung quanh là những bệnh nhân gầy gộc xanh xao đang nằm truyền thuốc. Giường cạnh tôi là một bệnh nhân nam trông hốc hác, ngồi dựa thành giường, hai mắt thao láo bất cần, trước mặt là chai dịch truyền đang chậm rãi nhỏ giọt, thỉnh thoảng lại nhăn nhó xuýt xoa.

Gần trưa thì hết giờ khám và điều trị bệnh, người nhà của bệnh nhân mới được vào để chăm sóc và chuẩn bị bữa ăn trưa. Mọi người hỏi thăm nhau về quê quán, bệnh tật và tôi biết được chú ấy bị K dạ dày di căn thực quản giai đoạn cuối, đã phẫu thuật cắt bỏ khối u và 2/3 dạ dày.

Một người phụ nữ đến bên giường chú ấy trông vẻ khắc khổ, mệt mỏi. Vợ tôi hỏi thăm thì được biết cô ấy là vợ của bệnh nhân. Mới 56 tuổi mà tôi cứ ngỡ là chị hoặc bà con của chú ấy, da nhăn nheo gầy guộc, mắt trũng sâu thâm quầng vì thiếu ngủ, trông như một bà lão 70. Với bộ dạng ấy đủ biết người vợ này đã trải qua vất vả nhọc nhằn đến chừng nào.

Câu đầu tiên cô ấy hỏi chồng “Trưa nay anh muốn ăn gì?”. Người chồng vẫn im lặng, Cô ấy gặng hỏi rất nhỏ nhẹ. Im lặng một lát rồi tiếng trả lời cộc lốc như trút những giận hờn lên người vợ “Khỏi cần!”. Và sau đó là những tiếng bấc tiếng chì, sa sả như gán cho vợ tất cả những đau đớn bệnh tật là do người vợ gây ra cho chú ấy.

Tôi liếc qua và thoáng nhận ra một nỗi buồn trong sâu thẳm của người phụ nữ gầy guộc và đáng thương kia. Không khí trong phòng bệnh trở nên im ắng nặng nề. Chắc rằng những bệnh nhân vào trước tôi họ đã quen chứng kiến những chuyện như vậy của vợ chồng nhà này nên họ cũng chẳng xía vào những chuyện riêng tư của người khác. Cùng cảnh là bệnh nhân với nhau, tuy chưa trực tiếp chuyện trò, chia sẻ, tôi tự đặt câu hỏi chắc vợ chồng nhà này có chuyện uẩn khúc hay mâu thuẫn gì nên mới xảy ra cơ sự như vậy.

Cô vợ lầm lũi cùng mọi người xách về một chiếc cạp lồng trong đựng cháo đã nghiền sẵn và lấy trong hộc tủ một chiếc bơm tiêm loại to, rút đầy cháo vào đó rồi cắm vào cái ống dẫn thức ăn bơm vào dạ dày của chồng vì thực quản không nuốt được. Những thao tác của cô ấy thật nhanh nhẹn và gọn gàng. Sau này tôi đã động viên cô ấy là chỉ có những người vợ mới thực hành được chuyên nghiệp như vậy. Dẫu không biết bao lần chứng kiến những cảnh tượng éo le của từng trường hợp, với từng bệnh nhân nhưng tôi thật sự xót xa cho cái kiểu bữa ăn kì lạ của người bệnh, như vậy thì còn đâu cái cảm giác để thưởng thức hương vị của các món ngon. Người vợ làm việc trong im lặng như bổn phận và trách nhiệm của mình. Công việc hàng ngày vẫn diễn ra đều đặn như vậy trong tình trạng người chồng luôn gắt gỏng và lạnh nhạt.

Thế rồi tôi cũng làm quen và bắt chuyện với gã bệnh nhân lầm lì khó tính này. Nhân lúc đang giờ điều trị không có người nhà trong phòng bệnh, tôi gợi chuyện, vừa là để tâm sự, vừa là để chia sẻ động viên nhau cho không khí trong phòng bệnh đỡ nặng nề, u ám. Tôi đã nói chuyện với chú ấy với tất cả những tình cảm chân thành về những câu chuyện của tôi và những gì tôi biết được trong những đợt nằm viện, từ Bạch Mai, 108 ,Việt Đức, K1, hay ở tuyển tỉnh. Những hoàn cảnh, những mảnh đời, sự đau đớn và cả cái chết, những câu chuyện đó với mỗi bệnh nhân ung thư đều phải trải qua như một sự sắp đặt của định mệnh. Người ra đi là hết, để sự mất mát đau thương, kiệt quệ về kinh tế cho người ở lại không biết bao giờ mới nguôi ngoai. Mình là bệnh nhân – điều bất hạnh đối với bản thân thì không có ai gánh đỡ cho mình, không thể thay thế cho mình những đau đớn của bệnh tật được, chỉ có ý chí và nghị lực của chính mình mới giúp mình vượt qua những thử thách khắc nghiệt ấy và chính mình phải đối mặt, kể cả nếu phải chia tay cuộc sống.

Chú ấy nằm nghe tôi chia sẻ trong im lặng, thỉnh thoảng cất lên tiếng thở dài, tôi đoán rằng chắc là chú ấy đang trăn trở và hối hận. Tôi mạnh dạn hỏi “Tại sao cô ấy đã hết lòng với chú, sao chú nỡ nặng lời và cư xử lạnh nhạt như vậy?”. Chú ấy ngập ngừng trả lời tôi: “Bác ơi, đằng nào thì em cũng chết, em thương vợ em lắm chứ! Em vẫn biết cô ấy đã dành cho em tất cả từ khi em lâm bệnh, còn bây giờ với em trước mặt là là vực thẳm, là sự tuyệt vọng, em biết em không còn được bao lâu nữa, cái ống thực quản đang hoại tử rồi”. Chú ấy nói trong đứt quãng từng câu một. “Tất cả những ngày qua, những gì vợ em phải chịu đựng là quá sức rồi. Em muốn cô ấy giận em, ghét em và thờ ơ với em để em nhanh được chết, để sau khi em chết cô ấy đỡ đau khổ vì em đã hành hạ cô ấy”.

Nghe đến đây tôi thực sự không tin vào tai mình nữa, tại sao lại có sự lựa chọn yêu thương lạ kì đến như vậy, tại sao chú ấy lại chọn một kiểu yêu thương mà trong đời tôi chưa từng gặp. Tôi đã động viên phân tích và an ủi chú ấy rằng chú hãy dừng ngay những suy nghĩ và cách xử sự như chú đang làm, tình nghĩa vợ chồng là thiêng liêng cao cả nhất là trong lúc ốm đau, nếu có phải ra đi thì đừng để lại những gì oán trách, dù có phải chia ly hãy để lại cho nhau những tình thương đích thực, dẫu có đau đớn thì vẫn ngọt ngào và nhớ về nhau mãi mãi.

Những ngày tiếp theo, để ý những diễn biến trong sinh hoạt, tôi thấy có những tín hiệu tốt dần lên, những thay đổi rõ rệt trong cách cư xử như dần ấm lại hình ảnh của đôi vợ chồng trong cơn hoạn nạn.

Hai hôm sau, vào một buổi chiều sau khi hết giờ hành chính, nhà tôi dìu tôi ra hành lang bệnh viện để sưởi ấm cái nắng cuối đông còn xót lại. Chúng tôi bắt gặp cô ấy ngồi một mình trên chiếc ghế ở hành lang, tay cầm cái khăn đưa lên lau nước mắt, thỉnh thoảng tấm thân gầy rung lên cùng tiếng nấc. Cô ấy khóc, khóc trong đau khổ và hờn tủi. Vợ chồng tôi ngồi xuống bên cạnh động viên an ủi. Bao nhiêu dồn nén từ lâu không có người chia sẻ nay bỗng dưng vỡ oà. Cô ấy khóc nức nở, khóc như để vơi đi những u uất mà bấy lâu nay kìm nén rồi kể lại những tháng ngày cơ cực theo chồng lo thuốc thang chạy chữa. Cuối cùng, cô ấy nghẹn ngào chia sẻ: “Hai bác ạ, lúc nhà em nghĩ lại và dành cho em sự yêu thương thì cũng là lúc chúng em sắp phải chia ly. Em chỉ mong nhà em có làm sao thì cố qua Tết đã”. Cô ấy nói xong, cả hai người đàn bà ôm nhau cùng khóc, khóc như than thân trách phận, khóc như hận ông trời sao nỡ gieo cay đắng, khổ đau.

Tôi im lặng ngồi nghe những gì cô ấy kể, chứng kiến những giọt nước mắt đau đớn cứ trào ra từ khóe mắt của hai người đàn bà mà trong lòng trào dâng một nỗi niềm thương cảm. Ung thư – căn bệnh quái ác không chỉ lấy đi sức khỏe, sự sống của con người, mà còn có thể lấy đi tất cả những suy nghĩ và hành động, có thể biến người bệnh trở lên cục cằn thô lỗ, thậm chí còn tệ bạc với nhau.

Ngoài trời đã bắt đầu chạng vạng, ánh nắng cuối ngày cũng tắt, vợ chồng tôi dìu nhau về phòng bệnh. Chú ấy đang ngồi ăn tối, bữa ăn không bát đũa, không thìa muỗm. Cô ấy đang bơm cháo nghiền vào bụng người chồng gầy guộc và hai hố mắt trũng sâu với cái nhìn thao láo.

Đêm đó tôi trằn trọc suy nghĩ miên man, thương những cảnh ngộ, những con người bất hạnh bao nhiêu, lại nghĩ về mình, thương cho số phận của chính mình bấy nhiêu. Ung thư có ai nghĩ rằng chỉ những bệnh nhân mới là người chịu đau đớn thiệt thòi không? Hệ lụy của nó để lại những nỗi đau mất mát và có thể biến cuộc sống trong gia đình trở lên nghèo khó.

Bài viết này là một câu chuyện hoàn toàn có thật. Là bệnh nhân ung thư, tôi luôn mong người bệnh hãy lạc quan, hãy yêu thương và dành tất cả những gì tốt đẹp nhất, cố gắng để vượt qua và đối mặt với bệnh tật cũng là cách để vơi bớt những lo lắng cho mỗi người thân đang hết mình vì người bệnh chúng ta.

Ở ngoài kia trong cuộc sống bộn bề, có không ít những tấm thân tàn tạ tật nguyền, có những người không chân không tay, họ vẫn vượt lên trước những khó khăn thử thách để tự lo cuộc sống cho chính bản thân mình mà không hề kêu than ỉ lại hoặc ca thán một điều gì. Họ vẫn sống vui và lạc quan, vẫn cất lên tiếng hát phục vụ cho đời mà trước mặt là màu đen của màn đêm vì đôi mắt của họ không còn. Trong số đó, thật đáng trân trọng có cả những đứa trẻ thuộc thế hệ con cháu chúng ta. Chúng ta – những bệnh nhân ung thư được chăm sóc tận tình, được quan tâm chu đáo, chẳng lẽ chúng ta lại không nhận ra điều đó.

Mẩu chuyện nhỏ trên đây chỉ là một trong muôn vàn những hoàn cảnh thật đáng thương, thương cho những người bệnh và thương xót cho cả những người thân của họ.
Trong cuộc sống hiện tại, số người bệnh ung thư ngày càng nhiều. Mỗi chúng ta hãy cùng nhau bảo vệ môi trường sống luôn trong sạch, hãy chủ động phòng chống ung thư để bảo vệ cho sức khỏe của chính bản thân mình. Khoa học đang ngày càng phát triển, hãy lựa chọn những sản phẩm có giá trị, có nguồn gốc rõ ràng để tự cứu mình trước khi quá muộn…

Với bệnh nhân ung thư, tôi luôn mong rằng mọi người hãy dành cho nhau những gì tốt đẹp nhất kể cả khi không thể vượt qua thì tiếng thơm vẫn lưu lại cho người thân về một tinh thần và nghị lực kiên cường. Trên thế giới này chưa có quốc gia nào tuyên bố chữa khỏi ung thư, vì vậy dẫu phải ra đi, mỗi bệnh nhân hãy thanh thản như một chuyến đi xa.

Xin mượn câu nói của đồng chí Hà Huy Tập để kết thúc bài viết này: “Gia đình và bạn hữu gần xa chớ coi tôi là người đã chết, mà hãy xem tôi là người hãy còn đang sống, chỉ như đi vắng một thời gian vô hạn mà thôi.”.

Vũ Huy Chương
(Xóm 2, xã Kim Hải, Kim Sơn, Ninh Bình)

Thông tin liên hệ