Ho viêm phế quản biểu hiện thế nào? Làm sao để khắc phục?

Ho viêm phế quản là một trong những triệu chứng điển hình khi niêm mạc ống phế quản bị sưng viêm. Vậy triệu chứng này có đặc điểm cụ thể như thế nào? Các bạn hãy cùng Genk STF tìm hiểu rõ hơn về ho viêm phế quản để không nhầm lẫn với bệnh lý khác và cách cải thiện hiệu quả.

1. Viêm phế quản là gì?

Viêm phế quản là tình trạng các phế quản bị viêm, làm cho tổ chức dưới niêm mạc bị phù nề, lớp tế bào phủ mặt trong lòng ống phế quản bị tổn thương. Kèm theo đó là hiện tượng các cơ trơn dưới lớp mô co thắt, lượng dịch tiết vào lòng ống phế quản tăng hơn so với bình thường. Điều này làm cho người bệnh gặp phải các triệu chứng là ho, khò khè, có đờm, thở nhanh, nghẹt mũi,…

ho-viem-phe-quan-1
Viêm phế quản gây phù nề, sưng viêm ống phế quản

Tùy từng mức độ bệnh mà viêm phế quản chia thành 2 dạng, đó là:

  • Viêm phế quản cấp tính: Đây là giai đoạn đầu của bệnh nên tình trạng nhiễm trùng chỉ diễn ra trong 1 – 2 tuần sẽ cải thiện nếu được chăm sóc, điều trị đúng cách, kịp thời. Tuy nhiên, dù viêm nhiễm đã giảm nhưng triệu chứng ho vẫn kéo dài đến vài tuần.
  • Viêm phế quản mãn tính: Tình trạng viêm phế quản với triệu chứng ho kéo dài ít nhất 3 tháng. Việc điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn và đa phần người bệnh sẽ phải sống chung với viêm phế quản mãn tính từ 3 – 20 năm, thậm chí cả đời.

Nguyên nhân gây viêm phế quản chủ yếu là do virus, vi khuẩn. Ngoài ra, những tác nhân khác nhưng chiếm tỷ lệ ít hơn như hút thuốc lá, trào ngược dạ dày, thời tiết chuyển lạnh, môi trường ô nhiễm… 

Viêm phế quản cấp nếu không được điều trị và phát hiện kịp thời sẽ chuyển sang mãn tính. Ở thể mãn tính, bệnh có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, áp xe phổi, lao phổi, suy hô hấp…

2. Ho viêm phế quản có biểu hiện như thế nào?

Ho là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có viêm phế quản. Tuy nhiên, ho viêm phế quản sẽ có đặc điểm như thế nào thì các bạn hãy cùng tìm hiểu dưới đây.

Đặc điểm ho viêm phế quản

  • Viêm phế quản sẽ tiết dịch nhầy nên ống phế quản bị thu hẹp lại và gây ho. Đây là phản ứng của cơ thể nhằm đẩy lượng dịch nhầy ra bên ngoài.
  • Người bệnh viêm phế quản sẽ bị ho và tình trạng này sẽ tăng dần theo thời gian nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Người bệnh có thể ho khan cũng có thể ho có đờm.
  • Tính chất ho phế quản là ho theo cơn. Mỗi cơn ho đều dữ dội và xảy ra liên tục, ho nặng ngực có khò khè. Các cơn ho kéo dài sẽ khiến người bệnh có cảm giác thở mệt, thiếu hơi.
ho-viem-phe-quan-2
Ho viêm phế quản theo cơn, có thể ho khan hoặc ho đờm
  • Nhiều người bệnh ho khạc ra đờm. Màu sắc của đờm sẽ là một trong những cơ sở để đánh giá nguyên nhân gây bệnh. Nếu đờm có màu trắng trong thì nguyên nhân gây bệnh thường là do virus. Còn nếu nguyên nhân là do vi khuẩn, đờm thường sẽ có màu vàng, xanh hoặc đục như mủ.
  • Ngoài đờm, nhiều trường hợp bệnh nặng và nghiêm trọng, người bệnh còn ho ra máu trong đờm.

Viêm phế quản ho nhiều về đêm?

Thông thường, khi bị viêm phế quản, triệu chứng ho sẽ tăng lên vào ban đêm. Nguyên nhân là vào ban đêm, khi chúng ta ngủ thì lượng dịch tiết hô hấp do hiện tượng phù nề ở nang phế quản càng thúc đẩy sản sinh nhiều hơn. Vì thế, cổ họng có thể bị kích thích do lượng dịch nhầy ứ đọng gia tăng, làm quá trình hô hấp bị gián đoạn. Lúc này, để tống đờm, chất kích thích cũng như vi khuẩn/virus ra bên ngoài, cơ thể sẽ phát sinh phản ứng có điều kiện là ho. Do đó, ban đêm người bệnh thường ho nhiều, gây mất ngủ và càng ảnh hưởng đến sức khỏe.

ho-viem-phe-quan-3
Viêm phế quản ho nhiều về đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ

Ho viêm phế quản kéo dài bao lâu?

Viêm phế quản ở thể cấp tính nếu được điều trị tích cực thì các triệu chứng của bệnh sẽ được cải thiện từ 1 – 2 tuần. Mặc dù lúc này tình trạng sưng, viêm ở ống phế quản đã giảm và được khắc phục, nhưng triệu chứng ho vẫn sẽ kéo dài thêm khoảng vài tuần mới khỏi hẳn.

Tuy nhiên, đối với viêm phế quản mãn tính, ho viêm phế quản lâu ngày là điều không thể tránh khỏi và triệu chứng này thường kéo dài ít nhất 3 tháng, thậm chí nhiều hơn. Do đó, tác động rất lớn đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh.

Viêm phế quản ho ra máu có nguy hiểm không?

Viêm phế quản ho ra máu thường xảy ra khi người bệnh ho nhiều và ho dữ dội. Thường lượng máu khi ho sẽ kèm với đờm và máu trong đờm có thể đến tại vị trí hay ở bộ phận nào đó dọc theo đường hô hấp bên trong cơ thể.

Thông thường, ho viêm phế quản kèm máu với đờm thường xuất phát từ nguyên nhân nhiễm khuẩn, làm cho ngực bị nhiễm trùng. Vì thế, gây xuất hiện ở niêm mạc đường thở, tính bài tiết ở thành mao mạch gia tăng làm huyết tương thấm ra ngoài và gây ra hiện tượng ho ra máu.

Khi viêm phế quản ho ra máu, người bệnh sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng khác đi kèm, bao gồm:

  • Phần xương ức có cảm giác nóng, đau ngực. Cơ thể cảm thấy khó chịu, bứt rứt và ngột ngạt.
  • Ngực lạo xạo kèm theo tình trạng thở khò khè.
  • Vị tanh ngọt của máu luôn có cảm giác ở trong miệng.
  • Người bệnh thường ho ra máu đỏ tươi. Máu có thể lẫn với đờm hoặc thức ăn.
ho-viem-phe-quan-4
Viêm phế quản ho ra máu chứng tỏ bệnh chuyển nặng và ngày càng nghiêm trọng

Viêm phế quản ho ra máu cho thấy bệnh ngày càng chuyển nặng và nghiêm trọng. Lúc này, người bệnh nên nhanh chóng đi thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Tránh các biến chứng nguy hiểm như lao phổi, áp xe phổi, viêm phổi… Những biến chứng này đều rất nguy hiểm, thậm chí gây tử vong nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời.

3. Làm thế nào để cải thiện ho viêm phế quản?

Ho viêm phế quản ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ, chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe của người bệnh. Để cải thiện tình trạng này, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kết hợp với biện pháp hỗ trợ để sớm khắc phục các cơn ho.

Ho viêm phế quản uống thuốc gì?

Để cải thiện tình trạng ho viêm phế quản, một số loại thuốc thường được chỉ định, bao gồm:

  • Thuốc điều trị ho: Thường là Terpin Codein, có tác dụng điều trị ho do kích ứng và ho khan. Đối với trẻ nhỏ, bác sĩ sẽ ưu tiên sử dụng siro ho thảo dược với các thành phần thảo dược như chanh, bạc hà, vỏ cam, cảm thảo… Những loại siro này vừa có tác dụng giảm triệu chứng ho vừa làm loãng đờm.
dieu-tri-ho-viem-phe-quan
Terpin Codein giúp điều trị ho khan, ho do kích ứng
  • Thuốc làm tiêu chất nhầy, phổ biến là Acetylcystein. Loại thuốc này dùng được cho cả viêm phế quản cấp và mãn tính mà lại ít gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, bác sĩ khuyến khích nên cho trẻ uống nhiều nước để làm loãng đờm thay vì dùng thuốc.

Ngoài ra, nếu bác sĩ xác định viêm phế quản do vi khuẩn thì bắt buộc phải dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây hại. Bên cạnh đó, căn cứ vào những triệu chứng khác, bác sĩ sẽ cân nhắc để sử dụng loại thuốc tương ứng phù hợp.

Những biện pháp hỗ trợ giảm ho khác

Ngoài dùng thuốc, người bệnh nên kết hợp giảm ho bằng một số biện pháp hỗ trợ dưới đây:

  • Uống nước ép dứa có tác dụng làm loãng dịch nhầy và cải thiện tình trạng phù nề ở cơ quan hô hấp do có chứa enzyme bromelain.
  • Trước khi đi ngủ, uống một ly trà gừng ấm sẽ giảm tình trạng viêm phế quản ho nhiều về đêm.
  • Để giảm ho do nhiễm trùng và ho do kích ứng, bạn có thể ngậm vài lát cam thảo. 
  • Uống đủ 2 – 2,5 lít nước ấm mỗi ngày sẽ giúp làm loãng đờm và hạn chế tình trạng mất nước nếu người bệnh bị sốt. Ngoài nước lọc, bạn cũng có thể tăng cường sức đề kháng bằng nước rau củ, trái cây.
  • Súc miệng bằng nước muối ấm cũng là cách hay để giảm ho và hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn, virus ra bên ngoài.

Kết luận

Ho viêm phế quản là triệu chứng điển hình với những đặc điểm riêng để phân biệt với những bệnh lý khác. Tuy nhiên, người bệnh nên đi thăm khám để được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán chính xác dựa vào những triệu chứng khác và làm các xét nghiệm khi cần thiết để có hướng điều trị phù hợp.

XEM VIDEO: Tọa đàm trực tuyến: Giải pháp nâng cao thể trạng, giảm tác dụng phụ hóa xạ trị cho bệnh nhân ung thư


Thông tin liên hệ