Dấu ấn ung thư là gì?
Dấu ấn ung thư là gì? Đâu là các dấu ấn ung thư phổ biến, là những câu hỏi được nhiều người quan tâm, tìm hiểu. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các dấu ấn ung thư.
Nội dung bài viết
1. Dấu ấn ung thư là gì?
Dấu ấn ung thư hay còn gọi là chất chỉ điểm ung thư. Đây là những chất được tìm thấy trong máu của người bệnh ung thư. Chúng có thể là phân tử protein hoặc enzyme. Xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư là một xét nghiệm quan trọng, giúp chẩn đoán sớm bệnh ung thư ngay từ khi chưa có triệu chứng cụ thể.
Để kết luận chính xác tình trạng sức khỏe, ngoài xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư, người bệnh cần phải tiến hành làm các kiểm tra khác như chụp X-quang, siêu âm, sinh thiết… (tùy vào loại ung thư cụ thể).
Dấu ấn ung thư không chỉ giúp phát hiện sớm bệnh mà còn giúp bác sĩ đánh giá đúng tình trạng, diễn tiến và hiệu quả điều trị, theo dõi tiên lượng bệnh và khả năng tái phát sau điều trị. Nói một cách khác, các chỉ số của dấu ấn ung thư sẽ giúp đánh giá tình trạng bệnh hiệu quả.
2. Một số dấu ấn ung thư phổ biến
Dấu ấn ung thư AFP
Ở người bình thường, chỉ số AFP sẽ từ 0 – 10ng/mL. Alpha-fetoprotein (AFP) được sử dụng như là một dấu hiệu khối u để giúp phát hiện và chẩn đoán ung thư gan, tinh hoàn và buồng trứng nhưng thường xuyên nhất là ung thư gan. Ở trẻ em khỏe mạnh và người lớn không mang thai, AFP chỉ ở mức rất thấp, dưới 40 nanogram (ng) mỗi ml. Sự gia tăng mức độ AFP có thể gặp ở phụ nữ mang thai, người bệnh ung thư gan, tinh hoàn, buồng trứng. AFP được đo bằng đơn vị nanogram/milliter (ng/mL)). Mức AFP dưới 10 ng/mL là bình thường đối với người lớn, phụ nữ không mang thai (ở những phụ nữ đang mang thai, mức độ AFP trong huyết thanh sẽ tăng cao). Ngược lại, mức độ AFP rất cao trong máu, lớn hơn 500 ng mL – có thể là một dấu hiệu của khối u gan. Mức độ AFP cao cũng có thể là các bệnh ung thư khác, bao gồm bệnh Hodgkin, ung thư hạch, ung thư tinh hoàn, ung thư buồng trứng và ung thư biểu mô tế bào thận. AFP cao cũng có thể là dấu hiệu của xơ gan, hoặc các loại bệnh gan mãn tính.
Dấu ấn ung thư CA 72-4
Đây là dấu ấn giúp chẩn đoán ung thư buồng trứng, vú, đại tràng, tụy, đặc biệt là tế bào ung thư biểu mô dạ dày. Giá trị bình thường của CA 72-4 trong huyết tương là ≤ 6 U/mL. Nhiều người cho rằng nồng độ CA 72-4 trong máu cao chắc chắn là dấu hiệu của ung thư dạ dày. Quan điểm này là sai lầm. CA 72-4 có thể tăng cả trong một số bệnh lành tính ví dụ như: trong viêm tụy (3%), xơ gan (4%), bệnh phổi (17-19%), bệnh khớp (21%), bệnh phần phụ (0-10%), bệnh buồng trứng lành tính (3-4%), kén buồng trứng (25%), bệnh tuyến vú (10%), các bệnh đường tiêu hóa lành tính (5%).
Dấu ấn ung thư CEA
Ở người bình thường chỉ số CEA thường < 10ng/ml. Xét nghiệm CEA sử dụng trong theo dõi điều trị của bệnh nhân ung thư đại tràng. Xét nghiệm CEA cũng được sử dụng như một dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến giáp thể tủy và ung thư trực tràng, phổi, vú, gan, tuyến tụy, dạ dày, và buồng trứng.
Một xét nghiệm CEA ban đầu thường tiến hành trước khi điều trị và được xem như “giá trị cơ sở”. Các xét nghiệm CEA sau đó sẽ được dùng để đánh giá khả năng đáp ứng với điều trị và xác định xem liệu ung thư đã tiến triển hoặc tái phát hay chưa.
Dấu ấn ung thư HCG
Chất chỉ điểm đối với ung thư tinh hoàn
Dấu ấn ung thư CA 15-3
Ở người khỏe mạnh CA 15-3 < 30 U/ml. CA 15-3 giúp chẩn đoán ung thư vú. Xét nghiệm CA 153 thường được chỉ định thực hiện cùng với các xét nghiệm khác, chẳng hạn như xét nghiệm estrogen, progesterone, HER2 / neu và kiểm tra biểu hiện gen ung thư vú khi ung thư vú tiến triển để xác định đặc điểm của ung thư và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
Dấu ấn ung thư CA 19-9
Ở người khỏe mạnh có hàm lượng CA 19-9 < 37 U/ml. Đây là chất chỉ điểm trong ung thư đường tiêu hóa như đại trực tràng, dạ dày, ung thư tuyến tụy, ung thư đường mật.
Dấu ấn ung thư CA 125
Ở người khỏe mạnh, chỉ số CA 125 < 35U/ml. Xét nghiệm CA 125 được sử dụng chủ yếu để theo dõi quá trình điều trị ung thư buồng trứng. CA 125 cũng được sử dụng để phát hiện xem ung thư đã trở lại bình thường sau khi hoàn tất điều trị. Xét nghiệm này đôi khi được sử dụng để kiểm tra và giám sát nguy cơ cao ở phụ nữ có tiền sử gia đình ung thư buồng trứng nhưng không có bệnh.
Dấu ấn ung thư CT
Dấu ấn ung thư giúp chẩn đoán và theo dõi ung thư tuyến giáp. Ở người khỏe mạnh, chỉ số CT < 10 pg/ml.
Dấu ấn ung thư CYFRA 21-1
Chất chỉ điểm để chẩn đoán và theo dõi ung thư phổi. Ở người khoẻ mạnh có hàm lượng CYFRA 21-1 < 1,8 ng/ml.
Dấu ấn ung thư PSA
Đây là chất chỉ điểm cho ung thư tiền liệt tuyến. Ở những người < 50 tuổi, PSA 50 tuổi, PSA < 5 ng/ml. Xét PSA là một xét nghiệm máu nhằm phát hiện, gợi ý chẩn đoán và theo dõi điều trị các bệnh lý của tuyến tiền liệt. PSA tăng không đồng nghĩa là bệnh nhân bị ung thư tiền liệt tuyến vì khi tuyến tiền liệt bị viêm, phì đại tuyến tiền liệt nồng độ PSA cũng tăng. Xét nghiệm PSA là xét nghiệm có giá trị để theo dõi điều trị, đặc biệt với các bệnh nhân ung thư đã được phẫu thuật hoặc cắt tinh hoàn, điều trị bằng estrogen.
3. Khi nào nên tiến hành xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư?
Xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư được thư được thực hiện trong các trường hợp:
- Nghi ngờ mắc bệnh ung thư như ung thư đại trực tràng, ung thư vú…
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư
- Có những yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư như trên 50 tuổi, hút thuốc lá, nghiện rượu hoặc làm việc trong môi trường độc hại…
- Đang điều trị bệnh ung thư và muốn theo dõi tình trạng bệnh và khả năng tái phát bệnh.
Trong nhiều trường hợp, các dấu ấn ung thư cũng có thể tăng cao ở những người mắc bệnh lành tính như xơ gan, viêm gan… nên ngoài việc làm xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư, người bệnh cần phải kết hợp thêm với các biện pháp chẩn đoán khác.