Đặc tính của tế bào ung thư
Tế bào ung thư có cấu trúc và đặc tính hoàn toàn khác biệt so với tế bào bình thường. Trong khi các tế bào khỏe mạnh phát triển một cách có tổ chức, các tế bào ung thư lại bỏ qua quá trình trưởng thành để tăng trưởng một cách chóng mặt, lây lan sang các bộ phận khác do thiếu sự kết dính.
Nội dung bài viết
1. Tìm hiểu về tế bào và mô
Cơ thể con người được tạo thành từ khoảng một trăm nghìn tỷ tế bào nhỏ bé mà mắt thường không thể nhìn thấy được, chỉ có thể quan sát được dưới kính hiển vi.
Các tế bào tập hợp lại, tạo nên các mô và cơ quan của cơ thể chúng ta, trông giống như các khối tòa nhà.
1.1. Sự phát triển của mô cơ thể người
Các nhóm tế bào khác nhau tạo nên các loại mô cơ thể khác nhau. Ví dụ, mô xương được cấu thành từ các tế bào xương, mô vú được cấu thành từ các tế bào vú. Có hơn 200 loại tế bào trong cơ thể.
Các mô trong cơ thể phát triển khi số lượng các tế bào của mô gia tăng. Các tế bào trong các mô phân chia và phát triển nhanh chóng giữa giai đoạn cơ thể hình thành và trưởng thành. Khi đã phát triển, các tế bào trưởng thành trở nên chuyên biệt hơn trong cơ thể, và bên cạnh đó, giảm bớt các hoạt động phân chia tế bào. Tuy nhiên, cũng có một số tế bào phân chia liên tục như tế bào da hay tế bào máu.
Khi các tế bào bị phá hủy hoặc chết, cơ thể lúc này sẽ sản xuất các tế bào mới để thay thế. Quá trình này được gọi là sự phân chia của tế bào: một tế bào lưỡng bội phân chia thành hai tế bào con, sau đó hai tế bào tiếp tục phân chia thành bốn tế bào con và tiếp tục.
Các tế bào người nhìn chung có khả năng phân chia từ 50 đến 60 lần, sau đó chúng đi vào chu trình tự hủy của tế bào.
Trong nguyên phân, các tế bào nhân đôi đồng đều ADN về hai tế bào con. Điều này có nghĩa là, tế bào phân tách nhiễm sắc thể kép thành hai nhiễm sắc thể đơn và phân li về hai cực của tế bào. Các thành phần cấu tạo khác trong tế bào cũng được chia làm hai. Kết quả tạo thành hai tế bào con giống nhau từ một tế bào ban đầu.
1.2. Các đặc tính của tế bào khỏe mạnh
Các tế bào cơ thể khỏe mạnh có một số đặc tính quan trọng. Chúng có thể:
- Phân chia đúng lúc và tại vị trí cần thiết
- Liên kết với nhau tại vị trí chính xác trong cơ thể
- Tự hủy khi chúng trở nên hư hỏng hoặc già đi
- Trở nên chuyên biệt (trưởng thành)
2. Đặc tính của tế bào ung thư
2.1. Tế bào ung thư không ngừng sinh trưởng và phân chia
Khác với các tế bào khỏe mạnh, các tế bào ung thư không ngừng sinh trưởng và phân chia. Vì vậy, khi các tế bào tiếp tục nhân đôi, chúng tạo thành một cục bướu (khối u) ngày càng lớn. Hậu quả là một khối u ác tính được tạo thành từ hàng tỷ bản sao của các tế bào ung thư ban đầu.
Ung thư tế bào máu (leukemia) không hình thành khối u, nhưng chúng làm cho nhiều tế bào máu bất thường tích tụ trong máu.
2.2. Bỏ qua tín hiệu từ các tế bào khác
Các tế bào liên tục trao đổi tín hiệu tới nhau. Các tế bào khỏe mạnh tuân theo các tín hiệu báo dừng sinh trưởng để không gây ra tổn thương khi số lượng tế bào đã đạt đến giới hạn.
Riêng với tế bào ung thư, một vài lỗi trong các tế bào đã ngăn hệ thống tín hiệu vận chuyển thông tin.
2.3. Đặc tính không liên kết với nhau
Với tế bào ung thư, các tế bào có thể đánh mất các phân tử trên bề mặt có tác dụng giữ các tế bào bình thường ở đúng vị trí. Vì vậy, chúng có thể tách rời khỏi các tế bào xung quanh. Điều này giải thích việc ung thư di căn tới các bộ phận khác trong cơ thể.
2.4. Tế bào ung thư không biệt hóa
Không giống như các tế bào khỏe mạnh, các tế bào ung thư không tiếp tục trưởng thành hay trở nên chuyên biệt. Các tế bào bình thường sẽ trưởng thành để chúng có thể thực hiện chức năng của chúng trong cơ thể. Các nhà khoa học gọi đó là quá trình biệt hóa trưởng thành của tế bào. Còn với tế bào ung thư, các tế bào thường được sản xuất rất nhanh và không có cơ hội trưởng thành.
Bởi vì các tế bào không trưởng thành, chúng không thể hoạt động đúng chức năng. Và bởi vì các tế bào hư hỏng này phân chia nhanh hơn bình thường, nên có nhiều khả năng chúng sẽ tiếp nhận thêm nhiều sai sót trong gen của chúng. Điều này có thể làm cho chúng thậm chí còn hư hỏng hơn và khiến chúng phân chia và phát triển nhanh hơn nữa.
2.5. Không tự sửa chữa hoặc chết
Các tế bào bình thường có thể tự sửa chữa nếu gen của chúng bị hỏng. Điều này được gọi là sự tự sửa chữa ADN. Nếu tổn thương quá nặng, chúng sẽ tự hủy. Các nhà khoa học gọi quá trình này là sự chết của tế bào (apoptosis).
Với ung thư, các phân tử quyết định liệu tế bào có nên tự sửa chữa hay không. Ví dụ, một protein có tên p53 thường xác định việc tế bào tự sửa chữa hay yêu cầu tế bào tự chết. Tuy nhiên, nhiều bệnh ung thư có chứa p53 bị lỗi, do vậy các tế bào này không thể tự sửa chữa chính xác được.
Khi các tế bào không thể tự sửa chữa tổn thương của gen, vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Sự hình thành của các lỗi gen mới (đột biến) có thể làm cho các tế bào phát triển nhanh hơn, lan sang các bộ phận khác của cơ thể hoặc trở nên kháng trị.
Chúng có thể bỏ qua các tín hiệu yêu cầu tự hủy. Vì vậy, chúng không trải qua sự chết theo chu trình trong khi chúng đáng ra nên vậy, điều này thường được các nhà khoa học gọi là tế bào ung thư ‘bất tử’.
2.6. Hình dạng tế bào ung thư khác tế bào bình thường
Dưới kính hiển vi, các tế bào ung thư có thể trông rất khác so với các tế bào khỏe mạnh. Chúng có nhiều kích thước khác nhau, đôi khi có thể lớn hơn tế bào bình thường và thỉnh thoảng lại nhỏ hơn. Chúng thường có hình dạng bất thường và trung tâm điều khiển của tế bào (nhân tế bào) cũng có thể biến dạng.