Đa polyp túi mật là gì? Phương pháp điều trị nào được áp dụng?
Polyp túi mật là tình trạng túi mật xuất hiện u nhú với những tổn thương dạng u hoặc giả u. Đây là bệnh lý khá phổ biến ở túi mật và gây hoang mang cho nhiều người. Vậy đa polyp túi mật là gì và phương pháp điều trị phổ biến hiện nay của căn bệnh này như thế nào thì các bạn hãy theo dõi nội dung bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
1. Đa polyp túi mật là gì?
Đa polyp túi mật là tình trạng trong lòng túi mật xuất hiện nhiều u nhú. Có khoảng 95% trường hợp polyp túi mật là lành tính. Vì thế, đa phần các bệnh nhân đều không có triệu chứng, chỉ đến khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc siêu âm mới tình cờ phát hiện ra bệnh.
Bác sĩ sẽ chẩn đoán tương đối chính xác polyp túi mật là u lành tính hay ác tính chỉ dựa vào kích thước của polyp. Cụ thể như sau:
- Nếu kích thước polyp nhỏ hơn 10mm và sau nhiều năm hầu như không có sự thay đổi thì đó là u lành tính. Với những trường hợp này, nhiều người có thể chung sống hòa bình với các polyp túi mật mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
- Trường hợp polyp phát triển cả về số lượng lẫn kích thước một cách nhanh chóng, chân lan rộng. Kèm theo đó là các triệu chứng như sốt nhiều lần, xuất hiện cơn đau thường xuyên thì khả năng polyp ác tính là rất cao.
2. Nguyên nhân đa polyp túi mật là gì?
Đến nay, y học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân dẫn đến polyp túi mật. Thế nhưng, nhiều nghiên cứu đã nhận thấy mối liên hệ giữa polyp túi mật với những yếu tố sau:
- Tuổi tác: Những người trên 60 tuổi và từng có các bệnh về gan thì tỷ lệ mắc polyp túi mật sẽ cao hơn.
- Bệnh sẽ gia tăng ở những người có chỉ số mỡ máu cao, béo phì và chỉ số đường huyết cao.
- Việc dung nạp lượng lớn chất béo và cholesterol vào cơ thể cũng như thói quen ăn uống không điều độ sẽ gia tăng nguy cơ xuất hiện polyp trong túi mật.
- Tỷ lệ bị polyp sẽ cao hơn đối với những người có tiền sử mắc viêm đường mật nguyên phát hay sỏi mật.
3. Triệu chứng của polyp túi mật
Để tìm hiểu rõ hơn đa polyp túi mật là gì, chúng ta cũng cần nắm được những triệu chứng của bệnh để sớm phát hiện và đi kiểm tra. Cụ thể như sau:
- Có khoảng 95% trường hợp xuất hiện polyp túi mật đều là lành tính nên người bệnh hầu như không thấy triệu chứng gì rõ ràng. Chỉ khi tình cờ đi thăm khám sức khỏe hoặc siêu âm mới phát hiện ra.
- Số ít người bệnh có dấu hiệu đầy bụng, khó tiêu. Tuy nhiên, những triệu chứng này cũng chung chung và thường xuất hiện khá phổ biến nên cũng rất khó để phát hiện.
- Người bệnh sẽ có thể cảm thấy đau tức nhẹ khi bác sĩ ấn nhẹ vào vùng hạ sườn phải trong trường hợp khám sức khỏe.
4. Chẩn đoán polyp túi mật bằng cách nào?
Để chẩn đoán chính xác polyp túi mật, bác sĩ thường sẽ phải kết hợp 2 hoặc nhiều hơn trong số những phương pháp xét nghiệm dưới đây.
- Siêu âm ổ bụng: Đây là phương pháp sẽ giúp bác sĩ xác định được kích thích, vị trí, hình dạng polyp. Tuy nhiên, siêu âm không thể giúp phân biệt được khối polyp là lành tính hay ác tính.
- Chụp cắt lớp vi tính túi mật: Trường hợp để xác định polyp ác tính hay lành tính, bác sĩ có thể sẽ cho người bệnh sử dụng thuốc cản quang. Với cách này, việc xác định u lành tính hay ác tính có độ chính xác lên đến 90%.
- Chụp cộng hưởng từ: Nếu khối u là ác tính thì hình ảnh khi chụp cộng hưởng từ sẽ tăng tín hiệu ở T2.
- Chụp đường mật: Ngược dòng nội soi, bác sĩ sẽ thực hiện chụp đường mật chụp đường mật cản quang qua đường uống.
- Thực hiện các xét nghiệm sinh hóa: Để đánh giá chức năng gan mật, thận cũng như test xem có bị virus viêm gan hay không, các xét nghiệm sinh hóa phù hợp sẽ được bác sĩ chỉ định.
5. Điều trị đa polyp túi mật như thế nào?
Căn cứ vào mức độ nguy hiểm của đa polyp túi mật mà bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp điều trị phù hợp. Cụ thể 2 phương pháp điều trị phổ biến của căn bệnh này bao gồm:
5.1. Điều trị bảo tồn
Hầu hết những trường hợp polyp túi mật lành tính đều được chỉ định phương pháp điều trị bảo tồn. Theo đó, nếu khối u có kích thước nhỏ và không gây ra những tác động xấu đến cơ thể thì bác sĩ sẽ yêu cầu theo dõi định kỳ bằng siêu âm. Kết hợp với chế độ ăn uống khoa học và sinh hoạt điều độ để hỗ trợ quá trình điều trị.
Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cụ thể về chế độ dinh dưỡng có lợi cho người bệnh. Cùng với đó là sự tư vấn về chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, giữ tâm lý ổn định, lạc quan… để đảm bảo giúp quá trình điều trị bệnh đạt kết quả tốt.
5.2. Phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật sẽ được bác sĩ chỉ định khi thực sự cần thiết và áp dụng cho những trường hợp sau:
- Kích thước khối polyp lớn hơn 1cm, gây ra những triệu chứng khó chịu như đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn cho người bệnh.
- Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ túi mật nếu như nghi ngờ khối polyp tiến triển thành ác tính. Các dấu hiệu nghi ngờ là khối polyp có chân lan rộng, phát triển nhanh về kích thước, không đều đặn về hình dạng, polyp ăn lan ra phần khác. Khối polyp gây ra những triệu chứng lâm sàng nghiêm trọng cho người bệnh như đau bụng, sốt…
Phẫu thuật cắt bỏ túi mật hiện nay chủ yếu được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi. Đây là kỹ thuật hiện đại với ưu điểm là ít xâm lấn, người bệnh mất ít máu và giảm đau đớn sau khi thực hiện. Vì thế, sau khi phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi nhanh và các biến chứng gây hại cho sức khỏe hầu như không có.
Kết luận
Như vậy, các bạn vừa tìm hiểu polyp túi mật là gì cũng như những phương pháp điều trị phổ biến hiện nay. Do polyp túi mật hầu như không có triệu chứng nên các bạn hãy thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ 6 – 12 tháng/lần để sớm phát hiện, xử lý khi có dấu hiệu bất thường. Từ đó, đảm bảo chăm sóc tốt cho sức khỏe của bản thân.