Cuộc chiến dành lại sự sống

BÀI THAM DỰ CUỘC THI SỐNG NHƯ NHỮNG ĐÓA HOA – VƯƠN VỀ PHÍA MẶT TRỜI

TÁC GIẢ: PHẠM ĐỨC HÒA

Cuộc chiến dành lại sự sống

Mới đây thôi mà đã gần 4 năm từ ngày vượt qua được cuộc chiến mang tên “Ung thư”, tôi vẫn khuyên nhủ bản thân mình rằng luôn cố gắng, sống lạc quan và mạnh mẽ vượt qua những khó khăn mà bệnh ung thư mang lại.

Xem thêm: 

pham-duc-hoa

Tôi là Phạm Đức Hòa, sinh năm 1969, bệnh nhân ung thư máu dòng tủy và “cuộc chiến dành lại sự sống”  là một hành trình đáng nhớ nhất cuộc đời mà tôi từng trải qua.

Sau dịp nghỉ lễ 30/4/2015, tôi phát hiện trên tay trái có một vết bầm nhỏ có màu đen rất lạ, đi xét nghiệm tại Bệnh viện Quân y Miền Đông, bác sĩ thông báo lượng bạch cầu của tôi tăng đột biến, tiểu cầu giảm khá thấp, có dấu hiệu bất thường và sau đó có yêu cầu chuyển xuống Trung tâm Truyền máu – Huyết học để xét nghiệm lại.

Trung tâm thông báo chỉ số bạch cầu tăng, tiểu cầu tiếp tục giảm và yêu cầu tôi nhập viện cấp cứu tránh rủi ro bị xuất huyết não. Tôi cảm nhận được sự lo lắng trên khuôn mặt của em – người vợ luôn quan tâm, lo lắng, thương yêu chồng con. Thấy sức khỏe bản thân vẫn ổn định nên tôi còn chủ quan, chưa tin ngay vào kết quả xét nghiệm và đã yêu cầu bác sĩ xét nghiệm tủy cho chính xác. Nằm trong phòng cấp cứu và chờ kết quả với tâm trạng lạc quan cho đến khi bác sĩ mời em vào phòng riêng để thông báo kết quả, nhưng đây là bệnh của tôi nên tôi muốn mình phải là người biết đầu tiên.

Từng lời bác sĩ nói ra tôi vẫn còn nhớ: “Anh bị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy, còn gọi là bệnh máu trắng hoặc ung thư máu” khiến cho tôi có một chút hoang mang, còn em không giữ được bình tĩnh mà bật khóc, mắt tôi cũng nhòe đi dù không muốn tin vào sự thật phũ phàng này. Em nghẹn ngào khóc thầm nhưng không quên động viên, an ủi và nắm chặt tay tôi.

Để có thể tuân thủ mọi chỉ định điều trị, tôi xin phép bác sĩ cho về nhà hai ngày để thu xếp các công việc và chuẩn bị điều kiện tốt nhất khi nằm viện.

Thời gian ở nhà, mọi người đều đến thăm hỏi và động viên, an ủi. Lúc đó, tôi không kìm nén được và bật khóc, ôm vợ và các con nghẹn ngào không nói nên lời. Sau những giây phút trân quý bên người thân, tôi đã bình tĩnh tự nhủ phải mạnh mẽ và cố gắng để đối diện sự thật, biết rằng cơ hội mong manh nhưng tôi tin ở hiền sẽ gặp được điều lành.

Ngày nhập viện, tôi phải cạo trọc đầu, trám răng và đưa vào phòng cách ly, chỉ nhìn thấy người thân qua kính và nói chuyện qua điện thoại khiến tôi có cảm giác như đang bị giam trong tù. Sau khi hoàn tất các xét nghiệm cơ bản, bắt đầu được truyền những chai hóa chất tuy nhỏ nhưng cực kì khủng khiếp, đây là lần đầu tiên tôi hóa trị và phải chịu đựng những cơn đau hành hạ, trước đó tôi không thể hình dung ra tác dụng phụ hóa chất thế nào. Đau đớn, vật vã triền miên khiến cơ thể rơi vào trạng thái suy kiệt, miệng lỡ loét, dạ dày đau quặn từng cơn… nhưng bác sĩ bảo là cơ thể tôi đáp ứng thuốc cực tốt, tế bào ung thư bị đẩy lùi khá nhiều nên tôi lại càng có quyết tâm vượt qua hơn nữa.

Ở bệnh viện, tôi đã chứng kiến có rất nhiều người đã bỏ cuộc do không vượt qua được những tác dụng phụ nặng nề của hóa trị, có không ít người khóc lóc và nghĩ đến cái chết. Tôi biết mình phải rất nghị lực đối mặt với những khó khăn, đau đớn, cố gắng lạc quan, ăn uống đầy đủ dưỡng chất để có đủ sức khỏe tuân thủ tốt các phác đồ điều trị.

Những ngày hóa trị ở viện, một tay vợ tôi lo lắng mọi việc. Thương em cực nhọc chạy xe ngày 4 lượt gần 100km để chăm sóc, trò chuyện giúp tôi quên đi những cơn đau, từ một người nhỏ bé yếu đuối mà khi chồng ngã bệnh đã trở nên nghị lực không tưởng. Chính em là người giúp tôi nhận ra mình cần phải sống, không thể cứ ủ rũ, buồn bã mãi được, mà chính nụ cười, sự lạc quan sẽ giúp mình trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi chợt nhớ đến bài thơ “Nhật ký trong tù” của Bác và có điều chỉnh lại lời để tự nhủ bản thân cần phải nỗ lực hơn nữa, không được phép chấp nhận buông xuôi:

“Thân thể ở trong lao

Tinh thần ở ngoài lao

Muốn mau mau hết bệnh

Tinh thần càng phải cao”.

Sau hai đợt truyền hóa chất, đã đến thời điểm được ghép tủy, mọi việc không như mong muốn khi ba anh em trai vào viện xét nghiệm nhưng không ai trùng 100% với tủy của tôi. Điều đó đồng nghĩa với việc bắt buộc tôi phải tiếp tục hóa trị nhiều lần nữa đến khi tế bào ung thư không còn.

Những lúc khó khăn như thế này nhờ sự động viên của gia đình tôi lại tiếp tục cuộc chiến dành lại sự sống cho mình, mẹ tôi tuổi đã cao nhưng hàng ngày vẫn đòi vào viện để xét nghiệm hi vọng có tủy trùng với con trai, rồi chị gái, vợ và con trai tôi cũng tình nguyện vào viện để xét nghiệm. Nhìn sự lo lắng của người thân, tôi tự nhủ lại càng phải mạnh mẽ hơn. Sau đợt hóa trị thứ ba thì bác sĩ thông báo chị gái có kết quả 100% hoàn toàn giống tủy của tôi, hi vọng sống trong tôi lại trỗi dậy. Quá trình lấy tủy của chị gái diễn ra tốt đẹp, chỉ chờ ngày chính thức được ghép vào tôi.

Trước khi ghép tủy tôi được truyền hóa chất “diệt tủy”, mọi đau đớn khủng khiếp phải chịu đựng như gấp mười lần khi hóa trị, người bủn rủn, kiệt sức nhưng nghĩ về em, các con và mẹ nên tôi đã vượt qua được. Cơ thể đáp ứng tốt với hóa chất trên nên ca ghép tủy đã thành công, những chiến binh chống chọi với ung thư đang chiến đấu mạnh mẽ trong cơ thể tôi. Vượt qua những đau đớn đó với tinh thần “thép đã tôi thế đấy” sau một tháng ghép tủy sức khỏe tôi đã ổn định, các chỉ số xét nghiệm đều tốt.

Cuộc chiến sinh tử dành lại sự sống của tôi đã kéo dài hơn 4 tháng, được bác sĩ cho phép xuất viện, tìm những phương pháp hỗ trợ điều trị tại nhà, thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để đảm bảo sức khỏe, điều quan trọng là tinh thần phải lạc quan.

Khi đang ngồi viết những dòng này là tôi đã và đang lao động như người bình thường, tiếp tục đóng góp sức mình cho xã hội. Cuối cùng tôi muốn nói với mọi người là “Hãy biết quan tâm và luôn lắng nghe cơ thể của mình vì không ai có thể hiểu cơ thể mình bằng chính bản thân mình. Hãy luôn sống lạc quan, mạnh mẽ và trân trọng những gì mình đang có”.

Phạm Đức Hòa

Hồ Chí Minh, Ngày 22 tháng 9 năm 2019

Thông tin liên hệ