Cách điều trị và chăm sóc khi bị ung thư đại tràng giai đoạn 1
Ung thư đại tràng là căn bệnh đứng thứ ba trong các loại ung thư. Tuy tỷ lệ tử vong cao nhưng bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị đúng phương pháp. Vậy khi bị ung thư đại tràng giai đoạn 1, bệnh nhân có những triệu chứng như thế nào? Làm thế nào để kéo dài sự sống cho người bệnh?
Nội dung bài viết
1. Nguyên nhân dẫn tới bệnh ung thư đại tràng giai đoạn 1
Hầu hết những bệnh nhân mắc ung thư đại tràng giai đoạn 1 không biết rằng mình bị bệnh cho tới khi họ thăm khám sức khỏe và tầm soát ung thư. Nguyên nhân gây ra căn bệnh này thường là do những yếu tố sau:
- Người trong độ tuổi từ 50 trở đi.
- Trong gia đình từng có người thân, họ hàng mắc bệnh ung thư đại tràng.
- Từng bị bệnh polyp đại tràng hoặc viêm đường ruột (bệnh Crohn, viêm loét đại trực tràng).
- Bệnh nhân nữ có tiền sử mắc bệnh ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú.
- Chế độ dinh dưỡng: Ăn nhiều thịt đỏ, thịt nấu ở nhiệt độ cao, uống rượu bia, hút thuốc lá.
- Người bị thừa cân, béo phì, không thường xuyên tập thể dục cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.
2. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ung thư đại tràng ở giai đoạn 1
Khi mắc bệnh ung thư đại tràng giai đoạn 1, người bệnh thường ít có triệu chứng nên khó phát hiện sớm. Tuy nhiên, nếu bạn quan sát và để ý tới sức khỏe sẽ cảm nhận rõ rệt các dấu hiệu sau:
2.1. Táo bón
Bạn đột nhiên bị táo bón lâu ngày, khiến vùng bụng lúc nào cũng căng tức, ăn không ngon, chán ăn và đau nhức đầu, uể oải,… Dấu hiệu này ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, làm cho bệnh tiến triển nặng hơn.
Do đó, khi thấy táo bón dù nặng hay nhẹ, bạn không nên bỏ qua mà hãy thăm khám sức khỏe để phát hiện ung thư đại tràng kịp thời.
2.2. Vùng bụng co thắt và đau
Ở giai đoạn 1, khối u có kích thước nhỏ và bắt đầu phát triển trong ruột. Điều này làm cho thức ăn khi vào dạ dày bị chặn lại, không tiêu hóa được dẫn tới co thắt gây đau. Các cơn co thắt và đau nặng/nhẹ tùy thuộc vào sự tiến triển của tế bào ung thư.
2.3. Đi đại tiện ra máu
Đây là dấu hiệu phổ biến nhất báo hiệu bạn mắc bệnh ung thư đại tràng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, không phải cứ đi ngoài ra máu là mắc căn bệnh này, nếu trong trường hợp bạn bị trĩ cũng có thể gặp phải tình trạng phân có lẫn máu tươi.
Để biết mình có thực sự mắc bệnh ung thư đại tràng hay không, kiểm tra và tầm soát sức khỏe là cách tốt nhất.
2.4. Cơ thể suy nhược, mệt mỏi và sụt cân
Ung thư đại tràng giai đoạn đầu khiến bệnh nhân cảm thấy cơ thể có sự thay đổi rõ rệt. Do đi ngoài ra máu nên người bệnh bị mất máu dẫn tới cơ thể suy nhược, tinh thần căng thẳng, chán ăn và sụt cân nhanh chóng.
3. Ung thư đại tràng ở giai đoạn 1 có chữa được không?
Ung thư đại tràng giai đoạn 1 có đặc điểm là các tế bào ung thư và khối u chỉ mới phát triển qua lớp niêm mạc. Chúng xâm lấn tới lớp cơ đại tràng, chưa phát triển và lan sang hạch bạch huyết hay các cơ quan xung quanh.
So với các bệnh ung thư ở hệ tiêu hóa thì ung thư đại tràng ở giai đoạn đầu thường tiên lượng tốt, cơ hội kéo dài sự sống trên 5 năm, thậm chí 10 năm, 20 năm. Để chữa trị bệnh thành công, bệnh nhân cần:
- Quan tâm tới sức khỏe, để ý những dấu hiệu bất thường trong cơ thể, nhất là hệ tiêu hóa để sớm phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
- Xây dựng thói quen thăm khám sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ mỗi năm. Đặc biệt là những người thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ cao, tiền sử gia đình.
4. Các phương pháp xác định và điều trị bệnh ung thư đại tràng ở giai đoạn 1
Người bình thường muốn biết mình có bị ung thư đại tràng giai đoạn đầu hay không, có thể làm các phương pháp xác định, kiểm soát bệnh từ sớm. Khi có bệnh cũng cần áp dụng hướng điều trị thích hợp để cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống về sau.
4.1. Phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán ung thư
Các phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh ung thư đại tràng giai đoạn đầu bao gồm:
4.1.1. Xét nghiệm máu tìm chất chỉ điểm khối u
Người đến thăm khám tầm soát ung thư đại tràng được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm, kiểm tra định lượng CA 72 – 4, CA 19 – 9 và CEA. Tuy nhiên để xác định bệnh chính xác cần làm thêm xét nghiệm chuyên sâu khác.
4.1.2. Tìm máu ẩn trong phân
Như đã nói ở trên, người bị ung thư đại tràng giai đoạn đầu thường đi đại tiện ra máu. Áp dụng phương pháp này nhằm xác định sự xuất hiện của tế bào ung thư, polyp đại tràng/trực tràng,…
4.1.2. Nội soi kết hợp sinh thiết
Bác sĩ dùng dụng cụ nội soi đưa trực tiếp qua đường hậu môn rồi kiểm tra xem đại tràng có dấu hiệu tổn thương hay không. Xác định vị trí, kích thước và sự xâm lấn của khối u,…
4.1.3. Chụp phim nhuộm đại tràng
Phương pháp này cho phép xác định và kiểm tra khối u có đường kính lớn hơn 2cm. Chụp phim nhuộm đại tràng có baryte giúp phát hiện những bất thường ở cơ quan này hiệu quả nhanh chóng.
Ngoài ra, bệnh nhân còn được chỉ định chụp cộng hưởng từ hoặc cắt lớp vi tính để xác định mức độ lan của tế bào ung thư. Nhằm lựa chọn phương pháp và phác đồ điều trị đúng hướng.
4.2. Phương pháp điều trị
Một số phương pháp điều trị dành cho bệnh nhân được xác định ung thư đại tràng giai đoạn đầu.
4.2.1. Phẫu thuật
Phương pháp này áp dụng điều trị cho cả giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của ung thư. Trong trường hợp khối u có kích thước nhỏ hoặc nằm trong polyp đại tràng, bác sĩ sẽ thực hiện nội soi cắt bỏ polyp, triệt tận gốc khối u.
Kể cả khối u có kích thước lớn cũng áp dụng phẫu thuật để điều trị bệnh hiệu quả, ngăn chặn tế bào ung thư xâm lấn.
4.2.2. Hóa trị
Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc ức chế, tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị giúp giảm khả năng bệnh tái phát, khi bệnh nhân được tiêm đủ liều và thực hiện liệu trình đều đặn.
5. Chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân ung thư đại tràng ở giai đoạn 1
Người mắc bệnh ung thư đại tràng hay bất kể căn bệnh nào cũng cần chú trọng trong khâu ăn uống. Bởi dinh dưỡng trong thực phẩm không chỉ giúp bồi bổ sức khỏe mà còn ngăn chặn sự phát triển của bệnh.
Do đó, người bị ung thư đại tràng giai đoạn đầu cần áp dụng chế độ dinh dưỡng như sau:
5.1. Những thực phẩm nên ăn
- Ăn nhiều rau xanh, các loại trái cây có màu đỏ (cà rốt, đu đủ, cà chua) và uống nước ép để bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất có lợi cho cơ thể.
- Nên ăn thức ăn được nấu chín kỹ, mềm lỏng và ít mặn để hệ tiêu hóa không phải làm việc quá sức, hấp thu các chất dinh dưỡng dễ dàng hơn.
- Các loại thực phẩm chế biến hấp, luộc có lợi cho người bệnh ung thư.
- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, không nên để bụng quá đói hoặc quá no.
5.2. Những thực phẩm cần kiêng
- Kiêng thịt đỏ, thịt hun khói, xúc xích, đồ ăn chế biến sẵn hoặc đồ chiên xào nhiều dầu mỡ.
- Không nên ăn thực phẩm quá cay hay quá chua (dưa muối, cà muối).
- Từ bỏ rượu bia, thuốc lá, đồ uống có gas và chất kích thích.
Hy vọng bài viết giúp bạn hiểu thêm về bệnh ung thư đại tràng giai đoạn 1 để có hướng chăm sóc sức khỏe khoa học, phòng ngừa cũng như điều trị bệnh kịp thời.