Biểu hiện của bệnh ung thư tuyến nước bọt

Ung thư tuyến nước bọt là căn bệnh hiếm gặp và rất nguy hiểm, gây tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ giúp làm tăng cơ hội chữa khỏi bệnh. Vậy biểu hiện của bệnh ung thư tuyến nước bọt là gì? Mời độc giả cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.

Ung thư tuyến nước bọt là bệnh ung thư thuộc khu vực đầu – mặt – cổ. Bệnh có thể phát sinh ở các vị trí khác nhau như mang tai, dưới hàm, lưỡi, niêm mạc đường hô hấp… Tùy vào từng vị trí mắc bệnh mà có các biểu hiện khác nhau.

1. Biểu hiện bệnh ung thư tuyến nước bọt

1.1. Khối u phát triển ở mang tai

Ban đầu, khi khối u mới xuất hiện ở vị trí này, người bệnh không thấy xuất hiện các triệu chứng gì. Do đó người bệnh không biết mình mắc ung thư tuyến nước bọt, khiến tình trạng bệnh phát triển nhanh chóng hơn, xâm lấn vào các dây thần kinh ở đầu.

bieu-hien-benh-ung-thu-tuyen-nuoc-bot
Khối u thường phát triển ở mang tai

Sau khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh có thể thấy xuất hiện các hạch to cứng ở vùng đầu, cổ, đau đầu, tê liệt một bên mặt có khối u.

1.2. Khối u phát triển ở dưới hàm

Tỷ lệ mắc ung thư tuyến nước bọt biểu hiện dưới hàm chỉ chiếm khoảng 8 -15% trong tổng số các ca mắc bệnh. Triệu chứng bệnh thường khó nhận biết, khi bệnh nặng thể kéo theo các biểu hiện như:

  • Miệng đau
  • Hàm và cổ sưng tấy
  • Lưỡi hoặc mặt bị tê liệt
  • Đau khi nhai hoặc nuốt thức ăn
  • Ăn uống kém, chán ăn, mệt mỏi

1.3. Biểu hiện ung thư tuyến nước bọt nhỏ

Tuyến nước bọt nhỏ là những tuyến thường thấy trong mũi, má, xoang, thanh quản. Người bệnh khi xuất hiện khối u ở tuyến nước bọt nhỏ sẽ có các triệu chứng như:

  • Tắc nghẹt mũi, khó thở
  • Khoang miệng bị đau, xuất hiện các vết loét nhỏ
  • Sưng mặt, sưng cổ hoặc sưng miệng
  • Tê liệt một phần của khuôn mặt, yếu cơ mặt, đau khi nuốt, đau khi mở miệng hoặc há miệng
bieu-hien-benh-ung-thu-tuyen-nuoc-bot1
Người bệnh còn có thể bị ung thư tuyến nước bọt với các triệu chứng khác như khoang miệng bị đau, sưng mặt, sưng cổ…

Khi thấy xuất hiện các biểu hiện của bệnh ung thư tuyến nước bọt, người bệnh cần đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe. Căn cứ vào mức độ bệnh và giai đoạn bệnh cụ thể của mỗi người, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp chữa trị phù hợp.

2. Nguyên nhân ung thư tuyến nước bọt

Nguyên nhân ung thư tuyến nước bọt chưa được xác định rõ nhưng có nhiều yếu tố được xác định có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm cả những yếu tố có thể kiểm soát và không thể kiểm soát.

2.1. Tuổi tác, giới tính

Ung thư tuyến nước bọt có thể gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng phổ biến hơn cả ở người lớn tuổi và phổ biến ở nam giới hơn nữ giới.

2.2. Phơi nhiễm bức xạ

Những người đã từng tiến hành xạ trị liệu vùng đầu cổ sẽ có nguy cơ phát triển ung thư tuyến nước bọt cao hơn nhiều so với những người bình thường. Ngoài ra, tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời và các tia tử ngoại cũng là những yếu tố có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư.

2.3. Tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư tuyến nước bọt

Ung thư tuyến nước bọt không di truyền nhưng các gen đột biến gây ung thư có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo đó, những người có người thân trong gia đình mắc ung thư  tuyến nước bọt sẽ có nguy cơ mắc cao hơn những người bình thường.

2.4. Làm việc trong môi trường độc hại

Một số nghiên cứu cho thấy, những người làm việc trong môi trường độc hại có bụi kim loại nặng niken, bụi silic, tiếp xúc với amiăng – nguyên liệu chính sản xuất tấm lợp fibro xi măng , sản xuất các sản phẩm cao su… có nguy cơ mắc ung thư tuyến nước bọt cao hơn những người khác. Các chất độc hại này thường xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, gây nên những tổn thương vùng miệng, họng, tuyến nước bọt.

2.5. Rượu

Rượu không trực tiếp gây ung thư tuyến nước bọt nhưng các chất kích thích trong quá trình lên men rượu có thể xâm nhập vào tuyến nước bọt, gây tổn thương tế bào và hình thành ung thư.

2.7. Chế độ ăn

Nhiều nghiên cứu cho biết, chế độ ăn ít rau xanh, hoa quả tươi cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến nước bọt. Ngoài ra, sử dụng thực phẩm bảo quản lâu ngày, đồ ăn hun khói, chiên rán, nấm mốc lâu ngày… đều không tốt cho sức khỏe và tăng nguy cơ ung thư.

Đối với những người thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao, bác sĩ khuyên nên khám sức khỏe và sàng lọc ung thư định kỳ để phát hiện những bất thường sớm, khi ung thư chưa hình thành.

3. Cách điều trị ung thư tuyến nước bọt

Phương pháp điều trị chính của ung thư tuyến nước bọt thường là phẫu thuật có hoặc không kèm xạ trị.

Các phương pháp phẫu thuật ung thư tuyến nước bọt bao gồm:

  • Cắt bỏ phần tuyến nước bọt bị bệnh: Trong trường hợp khối u ở vị trí tuyến nước bọt nhỏ, dễ tiếp cận, bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ phần tuyến nước bọt bị bệnh và các mô lành xung quanh.
  • Cắt toàn bộ tuyến nước bọt: Nếu khối u to, bác sĩ có thể sẽ cắt toàn bộ tuyến nước bọt. Nếu khối u xâm lấn vào các cấu trúc lân cận thì những cấu trúc này cũng cần được cắt bỏ.
  • Nạo hạch cổ: Nếu ung thư đã lan đến các hạch cổ, bác sĩ có thể sẽ cắt hết hạch cổ (nạo hạch).
  • Phẫu thuật tái tạo: Nếu xương, da hoặc thần kinh bị cắt bỏ trong khi phẫu thuật thì cần phải được tái tạo lại. Bác sĩ sẽ chỉnh sửa tái tạo để phù hợp với thẩm mỹ và cải thiện chức năng nhai, nuốt, nói chuyện… của người bệnh.
Thông tin liên hệ