Bệnh bạch cầu cấp là gì? Chẩn đoán và điều trị
Bệnh bạch cầu cấp là một dạng ung thư máu hay còn được gọi bằng cái tên quen thuộc là bệnh máu trắng. Bệnh rất đáng lo ngại vì có thể gây tử vong nếu không được điều trị tích cực ngay từ giai đoạn đầu. Vậy bệnh bạch cầu cấp là gì? Genk STF sẽ giúp các bạn nắm bắt rõ hơn về căn bệnh này qua nội dung dưới đây.
Nội dung bài viết
1. Bệnh bạch cầu cấp là gì?
Bạch cầu cấp là bệnh lý ác tính. Đây là bệnh ung thư mô tạo máu, bao gồm hệ thống mạch bạch huyết và tủy xương. Tủy xương sản sinh ra các tế bào bạch cầu bất thường và không thực hiện đúng chức năng của tế bào bạch cầu. Hơn nữa, chúng còn phát triển và phân chia nhanh hơn, gây ức chế sự phát triển của những tế bào máu bình thường.
2. Phân loại bệnh bạch cầu
Bệnh bạch cầu được phân loại dựa vào loại tế bào bạch cầu bị ảnh hưởng hoặc tốc độ gây hại. Cụ thể như sau:
2.1. Phân loại theo tốc độ gây hại
- Bạch cầu cấp tính: Bệnh phát triển rất nhanh và cần phải được phát hiện sớm, điều trị tích cực nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
- Bạch cầu mạn tính: Bệnh phát triển chậm và từ từ trong nhiều năm.
2.2. Phân loại theo loại tế bào bạch cầu bị ảnh hưởng
- Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy: Loại bệnh bạch cầu này sẽ ảnh hưởng đến tế bào hạt, tế bào tiểu cầu hoặc hồng cầu.
- Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho: Loại bệnh này ảnh hưởng đến tế bào bạch cầu lympho.
Trong bệnh bạch cầu dòng tủy và dòng lympho lại được chia thành 4 loại với các đối tượng mắc bệnh chủ yếu sau:
- Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho: Loại bệnh này xảy ra chủ yếu ở trẻ em.
- Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy: Xảy ra chủ yếu ở người lớn, nhiều nhất là nam giới.
- Bệnh bạch cầu mạn dòng lympho: Xảy ra nhiều ở những người trên 55 tuổi.
- Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy: Xảy ra chủ yếu ở người lớn.
3. Bệnh bạch cầu cấp phổ biến như thế nào?
Bạch cầu cấp là một trong những bệnh lý ung thư máu chiếm tỷ lệ mắc lên đến hơn 30%. Vào năm 2018 tại Việt Nam, trong tất cả các bệnh ung thư mới mắc thì bạch cầu đứng thứ 7. Thế nhưng, bệnh lại có tỷ lệ tử vong cao đứng thứ thứ 4, chỉ sau ung thư gan, ung thư phổi và ung thư vú.
4. Những ai mắc bệnh bạch cầu cấp
Bạch cầu cấp có thể xảy ra ở bất cứ ai, kể cả người lớn và trẻ em. Trong đó, người lớn mắc nhiều bạch cầu cấp dòng tủy. Còn trẻ em là đối tượng mắc nhiều bạch cầu cấp dòng lympho.
Theo Viện ung thư Hoa Kỳ, số ca mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy mỗi năm khoảng 21.000 ca. Trong khi đó, số ca mắc bạch cầu cấp dòng lympho là khoảng 6.000 ca.
5. Nguyên nhân gây bệnh bạch cầu cấp
Đến nay, chưa tìm ra chính xác nguyên nhân gây bạch cầu cấp. Bệnh có thể xảy ra do một vài tế bào bạch cầu bị đột biến ADN hoặc do một số thay khác ở tế bào bạch cầu. Những bất thường này khiến một số tế bào bạch cầu tăng sinh và phân chia nhanh chóng, vượt mức kiểm soát của cơ thể. Số lượng phát triển nhanh nên các tế bào bất thường này lấn áp các tế bào hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu bình thường, dẫn đến các triệu chứng của bệnh bạch cầu cấp.
Ngoài ra, một số yếu tố dưới đây cũng là tác nhân kích phát bệnh:
- Những đối tượng thường xuyên tiếp xúc với tia phóng xạ mức cao.
- Những người từng được điều trị bệnh ung thư bằng hóa trị và xạ trị.
- Hội chứng Down do bất thường trong nhiễm sắc thể.
- Người thường xuyên tiếp với hóa chất trong thời gian dài như benzen và formaldehyde.
- Tính di truyền: Một số người mắc bệnh bạch cầu có tính di truyền từ những người thân cận huyết thống có tiền sử mắc căn bệnh này.
- Nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở người da trắng, nam giới, người trung niên hoặc lớn tuổi.
- Xuất hiện đột biến gen (nhiễm sắc thể Philadelphia).
6. Bệnh bạch cầu cấp có biểu hiện như thế nào?
Các tế bào ung thư xâm lấn, thậm chí ăn luôn cả các tế bào hồng cầu. Do đó, khi bị bạch cầu cấp, người bệnh sẽ xuất hiện một số triệu chứng sau:
- Thiếu máu: Người bệnh thường xuyên chóng mặt, suy giảm trí nhớ, làn da xanh xao. Cơ thể mệt mỏi, thiếu tập trung. Đối với trẻ em thì chậm lớn, kém phát triển và ngày càng bị giảm sút hoạt động thể lực.
- Xuất huyết: Người bệnh dễ xuất hiện các đốm mảng bầm, dễ xuất huyết mà trước đó không xảy ra va chạm gì. Ngoài ra, tình trạng xuất huyết có thể xảy ra ở các cơ quan khác như chảy máu mũi, chảy máu răng, rong kinh, chảy máu kết mạc mắt. Thậm chí, nguy hiểm hơn là xuất huyết não.
- Sốt/nhiễm trùng: Người bệnh có thể sốt cao nhiều ngày mà điều trị không không hạ sốt bằng các biện pháp hạ sốt thông thường. Ngoài ra, cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn và khi bị nhiễm trùng sẽ lâu khỏi do tế bào bạch cầu bình thường bị suy giảm bởi sự lấn áp của tế bào ung thư.
- Các triệu chứng xâm lấn: Khi tế bào ung thư xâm lấn đến các cơ quan khác có thể gây ra những biểu hiện như nổi hạch, nôn ói, gan lách to, sưng đau nướu răng, đau đầu…
7. Bệnh bạch cầu cấp khi nào cần gặp bác sĩ?
Nhiều người thường nhầm lẫn giữa triệu chứng bạch cầu cấp với bệnh cúm hoặc nhiều bệnh thông thường khác. Bởi ở giai đoạn đầu, các triệu chứng rất mơ hồ và không rõ ràng. Chỉ khi bệnh chuyển biến nặng, các triệu chứng mới dễ nhận biết hơn.
Do đó, để giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả cao, người bệnh nên đến gặp bác sĩ khi thấy bất cứ dấu hiệu nào kể trên. Việc phát hiện bệnh càng sớm thì quá trình điều trị càng đơn giản và mang lại tỷ lệ thành công cao.
8. Chẩn đoán bệnh bạch cầu cấp bằng phương pháp nào?
Một số phương pháp dưới đây sẽ được bác sĩ áp dụng để chẩn đoán bạch cầu cấp:
- Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng mà người bệnh gặp phải. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng đánh giá các dấu hiệu thực thể khác như làn da có xanh xao, nhợt nhạt không; hạch bạch huyết có bị sưng không, gan lách có to không.
- Xét nghiệm máu: Thông qua việc quan sát mẫu máu, bác sĩ sẽ xác định được có sự bất thường nào xảy ra ở tế bào bạch cầu, tiểu cầu không.
- Xét nghiệm tủy – chọc hút tủy xương: Bác sĩ sẽ lấy một lượng mô tủy nhỏ dưới dạng dung dịch lỏng để kiểm tra xem có tế bào ung thư không. Đây là cơ sở quan trọng để chẩn đoán bệnh bạch cầu cấp.
- Phân tích huyết thanh và nước tiểu – xét nghiệm hóa sinh: Nếu bị bạch cầu cấp, trong nước tiểu và huyết tương sẽ tăng nồng độ của LDH và acid uric.
- Quan sát hình thái tế bào – quy trình nhuộm đặc biệt: Bác sĩ sẽ quan sát hình thái các tế bào máu xem có bất thường xảy ra hay không.
- Xét nghiệm phân loại tế bào – kháng nguyên bề mặt tế bào: Phương pháp này giúp bác sĩ đánh giá được bệnh bạch cầu xảy ra ở loại tế bào nào.
- Xét nghiệm tìm bất thường gen – tìm bất thường nhiễm sắc thể: Ở những tế bào bạch cầu ác tính có thể tìm thấy nhiễm sắc thể hoặc gen có sự bất thường.
9. Bệnh bạch cầu cấp sống được bao lâu?
Bạch cầu cấp là một bệnh ung thư máu và có tiên lượng sống. Các tế bào ác tính tiến triển nhanh nên nếu không được điều trị tích cực và đúng lúc, khả năng tử vong là rất cao. Thậm chí, có người bệnh chỉ sống thêm được vài ngày cho đến vài tuần kể từ khi phát hiện bệnh.
Tiên lượng sống của người bệnh bạch cầu cấp có sự khác nhau dựa vào từng dòng bạch cầu cũng như phương pháp điều trị. Cụ thể như sau:
- Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy sống được bao lâu: Khi mắc bệnh bạch cầu dòng tủy mà được điều trị tích cực thì có khoảng 20 – 40% số người bệnh sống được ít nhất là 5 năm.
- Bệnh bạch cầu lympho cấp: Dòng bệnh bạch cầu này tiến triển nhanh nên tỷ lệ sống rất thấp, chỉ khoảng 4 tháng. Thế nhưng, ở trẻ em, tỷ lệ sống trên 5 năm của bệnh này có thể đạt đến 85%.
Ngoài ra, tiên lượng sống của người bệnh còn phụ thuộc vào sức khỏe khi phát hiện bệnh, khả năng đáp ứng phương pháp điều trị và tinh thần của bệnh nhân.
10. Điều trị bệnh bạch cầu cấp
Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp dựa vào mức độ bệnh và khả năng sức khỏe của bệnh nhân. Một số phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
10.1. Hóa trị
Đây là phương thức chủ yếu để điều trị bạch cầu cấp. Bác sĩ sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc có hoạt tính chống tế bào ung thư để đưa vào cơ thể người bệnh. Thuốc có thể dùng ở đường uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch.
10.2. Xạ trị
Phương pháp này sử dụng tia xạ để tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Những vùng tập trung tế bào ung thư sẽ được chiếu nhiều tia xạ hơn.
10.3. Ghép tế bào gốc tạo máu
Ghép tế bào gốc thường được kết hợp với phương pháp hóa trị hoặc xạ trị để cho hiệu quả cao. Trong đó, hóa trị hoặc xạ trị sẽ được thực hiện trước. Ghép tế bào gốc tạo máu vào tủy xương cho hiệu quả cao, thậm chí là khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, nguy cơ trong quá trình thải ghép cũng cao. Do đó, bác sĩ sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện phương pháp này.
10.4. Một số liệu pháp khác
Ngoài 3 phương pháp trên, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng một số liệu pháp dưới đây để hỗ trợ điều trị bệnh bạch cầu cấp, đó là:
- Liệu pháp sinh học: Liệu pháp này sẽ giúp hệ miễn dịch của người bệnh tăng khả năng nhận diện tế bào ung thư. Từ đó, tiến tới tiêu diệt và tấn công chúng.
- Liệu pháp nhắm trúng đích: Bác sĩ sẽ sử dụng thuốc để thực hiện tiêu diệt những mục tiêu chuyên biệt có liên quan đến sự phân chia, phát triển của tế bào ung thư.
- Điều trị hỗ trợ: Để bổ túc cho bệnh nhân suy tủy do thuốc, bác sĩ sẽ phải sử dụng đến các chế phẩm máu như tiểu cầu, hồng cầu lắng. Để điều trị nhiễm trùng, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng các kháng sinh mạnh.
11. Người bệnh bạch cầu cấp và người nhà cần lưu ý gì trong quá trình điều trị
Điều trị bệnh bạch cầu cấp rất gian nan. Để hỗ trợ quá trình điều trị, người bệnh và người nhà cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý mua thêm các loại thuốc nam, thuốc bắc khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.
- Người nhà cần rửa tay thường xuyên trong quá trình chăm sóc người bệnh.
- Nên kế hoạch xây dựng chế độ ăn uống phù hợp cho người bệnh. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết chế biến và cung cấp các bữa ăn hợp lý cho bệnh nhân.
- Hạn chế cho người bệnh đến chốn đông người giữa các đợt xuất viện.
- Nên cho người bệnh vận động nhẹ nhàng theo chỉ dẫn của bác sĩ để tăng cường hệ miễn dịch, mang lại cho bệnh nhân sự thoải mái, dễ chịu.
- Người bệnh cần tránh rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích, đồ uống có ga, có cồn…
12. Phòng ngừa bệnh bạch cầu cấp
Đến nay chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh. Do đó, biện pháp phòng ngừa vẫn chưa cụ thể. Tuy nhiên, mọi người nên thực hiện tốt những giải pháp sau để giảm yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đó là:
- Chú ý giữ gìn môi trường sống, làm việc trong lành, thoáng đãng.
- Nên đảm bảo cách ly môi trường sống, làm việc khỏi các tác nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh như hóa chất, phóng xạ.
- Nâng cao sức đề kháng bằng cách duy trì lối sống khỏe mạnh, tăng cường luyện tập phù hợp, ăn uống khoa học.
Kết luận
Bệnh bạch cầu cấp diễn biến nhanh nên cần được phát hiện, điều trị kịp thời nếu không nguy cơ tử vong là rất cao. Genk STF hy vọng các bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức hữu ích về căn bệnh này để nhận biết sớm nhằm hỗ trợ quá trình điều trị được thuận lợi.
XEM VIDEO: VTC1: Giải pháp nào cho bệnh nhân ung thư giữa ma trận hàng giả