Ung thư âm đạo: Nguyên nhân và phương pháp điều trị 

Ung thư âm đạo là nỗi lo lắng của rất nhiều chị em phụ nữ, đây là một trong những nhóm bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tâm sinh lý của phụ nữ. Bệnh thường phát triển âm thầm trong thời gian dài, không hề có dấu hiệu nhận biết. Do đó, việc chủ động phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm là hết sức cần thiết. Qua bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp những kiến thức mới nhất về nguyên nhân, cũng như phương pháp điều trị chủ yếu hiện nay. 

1. Nguyên nhân gây ung thư âm đạo

Ung thư âm đạo là loại ung thư ảnh hưởng tới các bộ phận bên ngoài của hệ sinh dục nữ, như môi âm đạo, âm vật, xương mu, cổng âm đạo… Nó phát triển chủ yếu ở rìa trong của môi âm đạo. So với các loại ung thư liên quan tới bộ phận sinh dục khác như ung thư buồng trứng, ung thư tử cung thì ung thư âm đạo khá hiếm gặp.

Hình ảnh minh hoạ ung thư âm đạo

Tuy là bệnh ung thư hiếm gặp, nhưng các chuyên gia cũng đã xác định được một số nguyên nhân chủ yếu gây ra căn bệnh nguy hiểm này.

1.1. Ung thư âm đạo do tuổi tác

Theo các nhà nghiên cứu, khi phụ nữ càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc ung thư ở âm đạo tăng lên. Bệnh phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi, có đến 40% trường hợp xảy ra ở phụ nữ trên 75 tuổi, và rất hiếm gặp ở phụ nữ dưới 40 tuổi.

1.2. Do ung thư cổ tử cung

Theo một nghiên cứu tại Mỹ, các chuyên gia đã chỉ ra rằng những phụ nữ bị ung thư cổ tử cung, có nguy mắc ung thư âm đạo cao gấp 3 lần so với phụ nữ bình thường. Bởi những trường hợp này đã từng sử dụng phương pháp xạ trị để điều trị ung thư tử cung. 

1.3. Do nhiễm virus HPV

Virus HPV gây ra tình trạng u nhú ở người là một bệnh nhiễm trùng thông thường, được truyền từ người này qua người khác bằng con đường quan hệ tình dục. 

Có một số loại virus HPV khi nhiễm vào cơ quan sinh dục nữ, sinh ra mụn cóc sinh dục. Những phụ nữ nào đã từng xuất hiện mụn cóc sinh dục, thì sẽ có nguy cơ cao phát triển tế bào tiền ung thư, một số trường hợp có thể phát triển thành ung thư âm đạo.

Nguyên nhân gây ung thư âm đạo do nhiễm virus HPV

1.4. Ung thư âm đạo do HIV/AIDS

Ở những phụ nữ nhiễm HIV/AIDS sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư âm đạo cao hơn. Đó là bởi HIV làm suy giảm hệ miễn dịch và giảm sức đề kháng, khiến cho cơ thể không đủ sức chống lại virus HPV.

1.5. Do mắc lupus ban đỏ

Lupus ban đỏ là một bệnh mãn tính ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của con người. Những trường hợp mắc bệnh lupus, hệ miễn dịch sẽ tấn công vào các tế bào, mô và các cơ quan khỏe mạnh lân cận. 

2. Các phương pháp điều trị ung thư âm đạo

Tùy từng giai đoạn và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ có thể thực hiện phác đồ đơn lẻ hoặc kết hợp cùng nhau. Tuy nhiên, để xác định được phương pháp phù hợp, bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán tình trạng bệnh.

2.1. Chẩn đoán ung thư âm đạo

Các xét nghiệm kiểm tra âm đạo và các cơ quan khác trong khung chậu, được bác sĩ dựa vào để chẩn đoán ung thư. Một số bước kiểm tra chẩn đoán như:

  • Kiểm tra sức khỏe tổng quát: Giúp bác sĩ kiểm tra các dấu hiệu bất thường, nếu nghi ngờ sự phát triển của khối u thì bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm khác.
  • Khám vùng khung chậu: Bao gồm khám âm đạo, cổ tử cung, tử cung, buồng trứng, trực tràng và ống dẫn trứng. 
  • Xét nghiệm Pap: Đây là một tiểu phẫu nhỏ để lấy mẫu tế bào từ bề mặt cổ tử cung và âm đạo. Sau đó, quan sát tế bào dưới kính hiển vi để tìm hiểu xem có bất thường gì không. 
  • Sinh thiết: Bước này giúp bác sĩ đánh giá được khối u âm đạo là lành tính hay ác tính.
  • Soi cổ tử cung: Soi bằng dụng cụ phóng đại Colposcopy để kiểm tra âm đạo và cổ tử cung. Lấy mẫu mô ra và kiểm tra bằng kính hiển vi để biết các dấu hiệu bệnh. 
Bác sĩ sẽ sử dụng xét nghiệm Pap để kiểm tra bất thường ở âm đạo

2.2. Các phương pháp điều trị ung thư âm đạo

Hiện nay, để điều trị và kiểm soát khối u tại âm đạo, chủ yếu sử dụng các phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị.

2.2.1. Phẫu thuật ung thư âm đạo

Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất, bao gồm:

  • Phẫu thuật laser: Bằng cách sử dụng chùm tia laser có cường độ ánh sáng cao để cắt bỏ khối u nhỏ, hoặc loại bỏ một số tổn thương bề mặt niêm mạc âm đạo.
  • Cắt khối u toàn phần: Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ các tế bào ung thư và một số mô khoẻ mạnh xung quanh, để loại bỏ khối u và vùng ảnh hưởng của khối u.
  • Cắt toàn bộ tử cung: Với một số trường hợp bệnh nhân có khối u âm đạo lan rộng, không thể kiểm soát thì việc phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung là phương pháp hiệu quả nhất. Tuy nhiên, ở phụ nữ còn trẻ chưa sinh con, phẫu thuật này đồng nghĩa với việc mất đi thiên chức làm mẹ. Vì vậy, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp khác để giữ lại tử cung cho phụ nữ trẻ, hoặc sau điều trị có thể sử dụng biện pháp thụ tinh nhân tạo để có con.
  • Phẫu thuật cắt vùng chậu: Phương pháp phẫu thuật này sẽ cắt bỏ ruột kết, bàng quang, trực tràng. Loại bỏ cổ tử cung, âm đạo, buồng trứng và các hạch bạch huyết lân cận. Nước tiểu, phân sẽ được đựng vào một túi thu thông qua lỗ nhân tạo.
  • Cắt lympho: Phương pháp này giúp các bác sĩ lấy ra hạch bạch huyết và kiểm tra các dấu hiệu ung thư. Nếu có dấu hiệu của ung thư âm đạo, các hạch bạch huyết sẽ được cắt bỏ. 

2.2.2. Phương pháp xạ trị

Xạ trị là phương pháp điều trị sử dụng tia X có năng lượng cao, hoặc các loại bức xạ khác để tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn chặn chúng phát triển. Đối với phụ nữ trẻ hoặc chưa có con, phương pháp này được bác sĩ ưu tiên để bảo toàn tử cung, giúp thu nhỏ khối u. Tuy nhiên, phương pháp xạ trị cũng phụ thuộc vào loại ung thư và giai đoạn bệnh. 

Phụ nữ trẻ chưa có con được khuyên nên sử dụng phương pháp xạ trị

2.2.3. Phương pháp hoá trị 

Đây là phương pháp điều trị sử dụng thuốc hoá chất để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư, ngăn chúng không phân chia. Loại thuốc hoá trị và thời gian hoá trị được bác sĩ chỉ định, tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Ung thư âm đạo nếu được phát hiện sớm sẽ cho hiệu quả điều trị tốt. Nếu để tiến triển đến giai đoạn muộn, việc điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều. Chính vì vậy, nếu có bất kỳ bất thường gì ở tử cung hay âm đạo, bạn cần đến cơ sở y tế chuyên khoa khám và điều trị kịp thời.